VĂN HÓA

6 món ăn đặc trưng mùa Giáng sinh

Cẩm Chi • 22-12-2022 • Lượt xem: 863
6 món ăn đặc trưng mùa Giáng sinh

Vào lễ Giáng sinh, người dân mỗi nước đều sẽ chuẩn bị các món ăn đặc trưng để gia đình cùng sum vầy thưởng thức. Tùy vào điều kiện địa lý, văn hóa, từng dân tộc có những món ăn truyền thống mang bản sắc riêng. Thế nhưng điểm chung là hầu hết đều rất hấp dẫn, đẹp mắt và ngon miệng.

Gà tây nướng

Đây là món ăn truyền thống dịp noel của người Anh. Gà tây là động vậy ngoại lai. Chúng được nhà thám hiểm Sebastian Cabot đưa đến Anh vào thế kỷ 16. Sau đó, nó đã trở thành món ăn được người dân bản địa yêu thích, đặc biệt vào dịp giáng sinh.

Món ăn này thường dùng rau củ và các loại lá thơm nhồi vào bên trong con gà tây (đã được làm sạch trước đó). Sau đó bên ngoài con gà được phết gia vị tẩm ướp. Bước cuối cùng là đem cả khay chứa con gà để vào trong lò nướng chín. Trên khay nướng còn được để thêm khoai tây, tỏi, hành và một số loại rau củ khác tùy khẩu vị người ăn.

Sau khi nướng chín, da gà bên ngoài vàng ruộm.

Bên dưới lớp da, thịt phải còn mọng nước thì mới đúng chuẩn. Và rau củ phía trong con gà thì thấm đẫm vị gà ngon lành. Trong quá trình nướng, nước gà chảy ra được giữ lại trên khay. Chúng được dùng để nấu nước sốt chấm gà (cùng với tỏi nướng nghiền ra, củ hành trên khay, lá gia vị...).

Món ăn được dùng ngon nhất khi còn nóng. Gà được cắt lát, ăn kèm với nước sốt và khoai tây nướng (hoặc nghiền, tùy gia đình).

Bánh khúc cây (Buche de Noel)

Món ăn này bắt nguồn từ một truyền thống xa xưa của người Scandinavia trong lễ hội Yule. Họ phải chuẩn bị một khúc gỗ lớn và giữ cho nó cháy liên tục nhiều đêm vào dịp cuối năm để chào đón sự trở lại của các vị thần trong năm mới. Cũng có giả thuyết cho rằng món ăn này thật ra đơn giản xuất phát từ việc người dân Châu Âu khi xưa phải dự trữ các khúc gỗ để sưởi ấm vào mùa đông.

Vì vậy, cánh thợ làm bánh sau này để lưu giữ truyền thống đó đã tạo ra ổ bánh hình khúc cây. Phía trong là cốt bánh bông lan. Bên ngoài được phủ kem chocolate màu nâu để tạo hình giống vỏ cây, phủ kem trắng để tạo hình giống cành cây bị cưa ra. Ngoài ra, bánh còn được trang trí thêm bằng cách rắc lên đường trắng (tuyết) hay gắn các cây nấm, cây thông làm bằng đường...

Kẹo gậy bạc hà

Đây là một món ăn truyền thống thế nhưng dường như có giá trị trang trí là chủ yếu. Bởi vì... chúng quá ngọt. Que kẹo thường được tạo hình như một cây gậy với hai phần: que móc ở đầu và phần thân gậy thẳng. Chúng thường có màu sọc đỏ trắng.

Hiện tại, loại kẹo này vẫn còn phổ biến ở phương Tây.

Có nhiều giả thuyết thú vị về món ăn này. Một số người thì cho rằng nó là cây gậy mà dân chăn cừu thời xưa thường sử dụng. Người giàu trí tưởng tượng hơn thì cho rằng chúng tượng trưng cây gậy của ông già Noel. Các con chiên ngoan đạo thì cho rằng màu trắng của cây kẹo tượng trưng sự thánh thiện của chúa Jesus, màu đỏ là máu chúa, và chẳng phải cây gậy lật ngược lại có hình giống chữ J (viết tắt tên chúa Jesus) hay sao...

Cậu bé bánh gừng

Có thể nói đây là món ăn được đem lên phim ảnh nhiều bậc nhất và nhân tính hóa nhất. Cái bánh gừng với hình ảnh cậu bé từng xuất hiện trong cả truyện cổ tích lẫn phim ảnh hiện đại. Những chiếc bánh gừng đầu tiên được làm bởi người Châu Âu từ nhiều thế kỷ về trước. Ban đầu, chúng chỉ được làm bằng gừng, đường, bánh mì vụn và một vài loại hạt từ quả nghiền ra.

Cậu bé bánh gừng là hình ảnh bắt gặp nhiều trong truyện cổ tích Châu Âu.

Đến thế kỷ 16, người Anh đã cải tiến công thức bằng cách thay vụn bánh mì bằng bột mì, thêm trứng gà... Công thức mới này đã khiến bánh gừng được mọi người yêu thích hơn. Thế nhưng đưa món ăn này lên đến đỉnh cao phải nói đến người Đức. Ngày nay, Đức là quốc gia yêu thích món ăn này nhất trên thế giới. Thậm chí, hình dạng thứ hai của món bánh gừng (bên cạnh chú bé) là cái nhà làm bằng bánh gừng cũng được cho là ý tưởng của người Đức (xuất phát từ chuyện cổ tích anh em nhà Grimm về hai anh em Hansel và Gretel).

Bánh Pudding

Ơn trời là mọi người không còn cơ hội ăn những chiếc bánh pudding nguyên bản từ nhiều thế kỷ trước. Vào thế kỷ 15, bánh Pudding được làm từ thịt cắt nhỏ, vụn bánh, thảo dược, rau, trái cây, gia vị... Và quả thực với từng ấy nguyên liệu thì chỉ tưởng tượng thôi là đã...

May mắn thay, bánh pudding đã được cải tiến và sau hàng trăm năm thì có hương vị như hiện tại.

Ngày nay vào dịp giáng sinh, một số nơi thường cho vào bánh một vài hạt đậu hoặc đồng xu. Ai chọn được phần bánh có chúng sẽ gặp may mắn trong cả năm mới.

Melomakarona 

Melomakarona là món ngọt tráng miệng rất phổ biến ở Hy Lạp vào lễ Giáng sinh. Hầu hết các gia đình Hy Lạp đều ăn chúng vào dịp cuối năm. Nhiều nhà đã tự làm bằng các “bí quyết” gia truyền. Thế nhưng dù có khác nhau chút ít thì món Melomakarona thường sẽ xoay quanh một công thức chung. Đó là bánh quy có các hương vị cam, đinh hương, quế, rượu... Sau khi nướng chín, bánh được phủ ngập một lớp siro (hoặc mật ong). Và cuối cùng, một ít hạt (óc chó, hạt dẻ... tùy khẩu vị) sẽ được nghiền nhỏ và rắc lên trên mặt bánh.