VĂN HÓA

Bánh trung thu - vấn nạn lãng phí và môi trường

Quyên Hà • 15-09-2020 • Lượt xem: 5358
Bánh trung thu - vấn nạn lãng phí và môi trường

Tết trung thu có thể nói là một trong những ngày lễ quan trọng nhất không chỉ đối với người Việt Nam nói riêng, mà còn với người châu Á nói chung. Ngoài nghi thức rước đèn, phá cỗ, một trong những nghi thức trung tâm của dịp lễ này chính là trao tặng gia đình, bạn bè, họ hàng và cả đồng nghiệp những hộp bánh trung thu.

Trong văn hóa của người châu Á, việc trao tặng bánh trung thu từ lâu đã vượt qua ý nghĩa đơn thuần của việc tặng một món quà bánh. Hộp bánh trung thu giờ đây không chỉ là biểu hiện của lòng hiếu thảo với ba mẹ, sự yêu mến với bè bạn mà còn là những món quà của lòng kính trọng với cấp trên, với sếp.

Đó là lý do tại sao mỗi mùa trung thu tới, các thương hiệu, các nhà sản xuất bánh lại sáng tạo thêm những chiếc bánh hương vị ngày một cao cấp, ngày một mới lạ. Ngoài những nhân truyền thống như thập cẩm, hạt sen, đậu xanh trứng muối thì giờ đây bánh trung thu đã có các nhân yến sào, vi cá, heo quay... cho thêm phần cao cấp. Và đương nhiên, một yếu tố không thể thiếu để nâng tầm giá trị của hộp bánh chính là vỏ hộp.

Mỗi mùa trung thu đến thực sự là một cuộc chiến thiết kế sáng tạo mẫu mã vỏ hộp mới, sao cho thật mới lạ, thật cao cấp và sang trọng. Những nỗ lực thiết kế này cũng nhằm một mục đích duy nhất, đó là phục vụ cho nhu cầu săn lùng những món quà trung thu cao cấp nhất dành tặng người thân, đặc biệt là cho cấp trên.

Tuy nhiên, dù bạn có tin hay không, những vỏ hộp bánh trung thu này đang trở thành lượng rác thải khổng lồ đổ ra môi trường mỗi mùa trung thu, khiến bánh trung thu ngày càng trở thành sự lãng phí và là gánh nặng cho môi trường.

Vấn nạn lãng phí đồ ăn

Vì lý do truyền thống và tầm ý nghĩa quan trọng của lễ trung thu, không phải ai cũng dám thể hiện ra một sự thật rằng, rất nhiều người không hề thích ăn bánh trung thu. Minh chứng rõ ràng cho sự thật này chính là số lượng bánh khổng lồ được tìm thấy trong bãi rác.

Theo tổ chức từ thiện địa phương Food Grace, chỉ riêng trong năm 2018, số lượng bánh trung thu bị bỏ không ăn tới của các gia đình ở Hong Kong là 2.9 triệu chiếc bánh, tăng 630.000 chiếc so với năm trước đó. Lý do chính được tìm ra là do rất nhiều gia đình được tặng quá nhiều bánh trung thu. Một lý do khác là nhiều hộp bánh chưa kịp ăn tới thì đã quá hạn sử dụng. Trình bày với báo The Standard, nhân viên tổ chức này, Casey Ng cho biết, lãng phí bánh trung thu là một vấn nạn rất nghiêm trọng tại Hong Kong.

Ai đó có thể sẽ biện hộ rằng những chiếc bánh trung thu hoàn toàn mới, chưa từng bị khui hoặc ăn dở có thể được mang tặng cho những ai cần. Nhưng nghiên cứu của nhóm từ thiện cho biết, cứ 5 gia đình thừa bánh trung thu thì chỉ có 1 gia đình đem tặng. Điều này có nghĩa là khoảng 2 triệu chiếc bánh còn lại sẽ được tìm thấy ở bãi rác.

Nếu xét đến việc có hơn 1 triệu người Hong Kong phải vật lộn để trang trải cho những bữa ăn đủ dinh dưỡng, theo tổ chức giải cứu đồ ăn Feeding Hong Kong, thì sự lãng phí bánh trung thu này thực sự là một thảm họa.

Những vỏ bọc thừa thãi

Bên cạnh việc lãng phí những chiếc bánh trung thu không ăn hết, nhà sản xuất và nhãn hàng còn gói bánh trong những thiết kế vỏ hộp sang trọng bằng vật liệu dùng một lần như bao bì ni lông cho mỗi chiếc bánh, khay đựng 4 bánh hay từng bánh, dao nĩa nhựa một lần đi theo hộp bánh, hộp đựng, túi xách, menu, voucher.. tất cả chỉ để gói 4 chiếc bánh nhỏ.

Theo Hội đồng môi trường Singapore, hơn 40% vật liệu trong quy trình đóng hộp bánh trung thu có thể coi là thừa thãi. Những vỏ hộp bánh trung thu làm bằng giấy mới (không phải giấy tái chế) và ép thêm một lớp plastic bóng phần lớn đều không thể tái chế, góp phần tạo thêm gánh nặng cho khủng hoảng rác thải Hong Kong.

Cộng thêm thực tế ngày càng nhiều các thương hiệu nhảy vào cuộc chạy đua sáng tạo vỏ hộp mới mỗi năm, giờ đây thị trường bánh trung thu đã đầy ắp các thiết kế hộp gấp và thậm chí là cả một “tủ” bánh với thiết kế hộp dày dặn, dùng nhiều vật liệu hơn bao giờ hết. Tất cả đều không thể tái chế và khó phân hủy.

Thị trường trầm trồ với những thiết kế mới lạ và sang trọng bao nhiêu, thì việc mua tặng những hộp bánh trung thu bị đóng gói thừa thãi quá mức lại vô trách nhiệm với môi trường bấy nhiêu, nhất là trong thời kỳ hậu quả của biến đổi khí hậu do môi trường hiển hiện ngày một rõ.

Đèn trung thu điện tử và đồi chơi nhựa

Đã nhắc đến trung thu, không thể không kể đến lồng đèn. Thay vì hình ảnh những chiếc đèn ông sao bằng giấy khung tre truyền thống với cây nến đốt bên trong, giờ đây tất cả đều bằng nhựa và pin. Từ những chiếc mặt nạ nhựa, các loại phụ kiện, gậy phản quang và đèn trung thu hình các con vật.. đều bằng nhựa rẻ tiền.

Theo tổ chức môi trường Geen Power, có tới 1/3 số gia đình Hong Kong chọn những đồ chơi phát sáng bằng nhựa dùng một lần thay cho lồng đèn giấy cổ truyền. Một thực tế gây sốc là, có tới khoảng 40 triệu gậy phản quang bị thải ra môi trường mỗi năm. Đây không chỉ là một sự lãng phí khủng khiếp, mà nó còn là một thực trạng đáng lo. Gậy phát sáng chứa một chất hóa học nổi tiếng là khó bị phân giải bởi các chất xử lý rác thải. Mặt khác, loại hợp chất này cực kỳ độc hại, gây nhiễm độc đất trồng và nguồn nước nghiêm trọng.

Một mùa trung thu xanh

Tất cả những thực tế trên không phải là để ngăn chúng ta đón chào lễ trung thu, mà ngược lại, khuyến khích mọi người chào đón mùa trung thu năm nay, một cách bền vững hơn.

Nếu xét đến tất cả những sự lãng phí và ô nhiễm mà sự lựa chọn của chúng ta có thể gây ra cho môi trường, lễ trung thu của người châu Á nói chung và người Việt nói riêng sẽ ý nghĩa biết mấy khi chúng ta chọn những nhãn hiệu bánh với thiết kế nhẹ nhàng, đơn giản, tiết chế trong việc sử dụng cả vật liệu giấy, nilong và nhựa.

Trong gia đình, con trẻ có thể sẽ học được nhiều hơn nếu được trải nghiệm một mùa trung thu xanh, được học làm lồng đèn giấy, trang trí mâm ngũ quả và nếu được học làm bánh trung thu thì còn ý nghĩa hơn nữa.

Quan trọng hơn tất cả, đừng quên rằng trung thu không phải dịp để thể hiện sự đủ đầy về vật chất, mà nó vẫn luôn là một ngày Tết thiếu nhi, để con trẻ được vui chơi, để gia đình quây quần trò chuyện bên miếng bánh tách trà và để học cách yêu thương nhau. Hãy lan truyền tình yêu thương rộng hơn, cho cả môi trường và trái đất, để con trẻ học được cách sống khiêm tốn và bền vững bạn nhé.

Theo Green Queen