Bí mật thứ 9 của đất nước khiến người Việt nể phục: Thói xấu tệ hại nhất, ngấm ngầm trong mỗi người là gì?

"Việc xây dựng xã hội tự do không chỉ là việc của chính phủ, chính trong nhân dân cũng đang thải ra nhiều thứ độc hại. Nếu chỉ cải cách chính trị không thôi cũng không thể gột sạch những thứ độc hại đó ngay được. Cội rễ của nó phải bắt nguồn từ nền dân khí quốc gia" - Fukuzawa Yukichi.

LTS: Chủ tịch Trung Nguyên Legend - Đặng Lê Nguyên Vũ trong "Thư ngỏ" mở đầu sách "Khuyến học" viết rằng: Nhật Bản có vị trí địa lý không thuận lợi (khan hiếm tài nguyên, nhiều thiên tai, thảm họa), diện tích không lớn, dân số không đông, nhưng nhờ có nền dân khí tốt đã trở nên hùng cường.

Tác giả Đào Trinh Nhất, trong sách "Nhật Bản duy tân 30 năm", ca ngợi: "Thử mở hết lịch sử nhân loại ra mà coi, đông tây kim cổ, có dân tộc nào rong ruổi 30 năm mà theo kịp người ta trên con đường văn minh người ta đã đi cả 3, 4 thế kỷ không? Ai cũng phải nói rằng không... Xưa nay chỉ duy nhất có một mình Nhật Bản làm được vậy mà thôi."

Với người Việt hiện nay, khi nhắc tới tính cách Nhật, ý chí Nhật, công nghệ Nhật... đa số chúng ta đều ghi nhận họ là một dân tộc rất đáng để nể phục, học hỏi nhiều điều.

Vậy "nền dân khí" mà Đặng Lê Nguyên Vũ nói đến đã bắt nguồn từ đâu, gồm có những gì? Cuốn sách "Khuyến học" ra đời cách đây 150 năm của Fukuzawa Yukichi chính là điểm khởi đầu đó. Nó đã thôi thúc cả dân tộc Nhật Bản tự nhận thức lại chính mình mạnh gì, yếu gì, và đặc biệt là cần tôi luyện những phẩm chất gì, để đưa đất nước trở nên hùng cường.

Điều vĩ đại của cuốn sách là ở chỗ, sau gần 2 thế kỷ, hầu hết những giá trị tư tưởng mà Fukuzawa Yukichi nêu ra cho người Nhật vẫn còn nguyên giá trị và vượt khỏi phạm vi nước Nhật. Đó chính là lý do vì sao Đặng Lê Nguyên Vũ đã vô cùng trân trọng, xếp đây là một trong 5 cuốn sách quý nền tảng đổi đời đem tặng hàng triệu thanh niên Việt Nam, với tâm nguyện rằng nó sẽ giúp giới trẻ Việt tự rèn luyện để tự cường, từ tư tưởng đến hành động.

Đồng hành với Hành trình Từ Trái Tim, loạt bài viết dưới đây sẽ tiết lộ NHỮNG BÍ MẬT VỀ NỀN DÂN KHÍ NHẬT BẢN mà Fukuzawa Yukichi đã truyền tải trong "Khuyến học". Chúng tôi xin trân trọng giới thiệu tới quý độc giả loạt bài viết chắt lọc từ cuốn sách được xem là "kho báu" vô cùng quý giá của nước Nhật.

* Bài 1: Bí mật của đất nước khiến người Việt nể phục: Không lo xa, ắt có họa gần!

* Bài 2: Bí mật thứ 3 trong 'kho báu' của người được in trên tờ tiền mệnh giá lớn nhất Nhật Bản

* Bài 3: Từ bí mật của Nhật Bản 150 năm trước đến thứ 'vũ khí sắc bén' sẽ giúp Việt Nam thành dân tộc dẫn dắt

* Bài 4: Bí mật của đất nước khiến người Việt nể phục: 'Đừng tin những lời nói bậy của Chu Tử'

* Bài 5: Bí mật của đất nước khiến người Việt nể phục: Điều gì xảy ra khi chính quyền và người dân thiếu can đảm với nhau?

* Bài 6: Bí mật thứ 7 của đất nước khiến người Việt nể phục: Vì sao 1000 tỉ thất lạc có tới 750 tỉ được trả về cảnh sát?

* Bài 7: Vì sao Hoa hậu Mai Phương Thúy nói tuổi trẻ "nên sống điên rồ hơn một chút"?

Bí mật thứ chín

DIỆT TRỪ THÓI XẤU

Để vực dậy nền dân khí quốc gia, Fukuzawa Yukichi không chỉ khuyến khích và bám chắc vào các giá trị truyền thống, ông còn dành nhiều thời gian để đả kích các thói hư tật xấu kìm hãm sự phát triển của xã hội Nhật Bản thời bấy giờ. Mặt khác, ông đề ra những biện pháp triệt tiêu thói xấu một cách tích cực, để mỗi người dân Nhật Bản nhìn vào đó mà thay đổi bản thân. Vì theo ông, chỉ riêng Chính phủ Nhật thay đổi là không đủ, mà phải xuất phát từ nền dân khí của quốc gia. 

Những điều Yukichi viết sâu sắc đến mức sau gần 200 năm vẫn còn nguyên tính thời sự, đúng với cả xã hội hiện đại. Điều đó cũng càng cho thấy, Khuyến học xứng đáng là một trong 5 cuốn sách nền tảng đổi đời mà mỗi người Việt trẻ cần đọc và hiểu thấu.

Tham lam - Cội nguồn của mọi thói hư tật xấu

Trong quan hệ giữa người với người, Yukichi xếp tham lam vào hạng thói xấu tệ hại nhất. 

Giải thích về điều này, Yukichi cho rằng, đã là con người, sinh ra ai cũng có dục vọng. Ví như, không ai lại không ham muốn, quý trọng tiền bạc. Nếu rêu rao những khẩu hiệu phú quý tựa chiêm bao, không màng danh lợi thì quả là không thực tế và chính nó đã khiến con người không dám bộc lộ nhu cầu, không có tinh thần vươn lên, xã hội không sao phát triển.

Nhưng nếu không phân biệt đúng sai, để cho mức độ ham muốn tiền bạc vượt quá giới hạn và có sự lầm lẫn mục đích tìm kiếm tiền thì sẽ dẫn tới việc chạy theo đồng tiền trái đạo lý. Và khi đó, dục vọng sẽ trở thành thói xấu: thói tham lam.

Để phân biệt giữa ham muốn chính đáng và thói tham lam cần xác lập một ranh giới. Nếu không vượt qua ranh giới đó thì là đức tính tốt, đáng khen ngợi. Điều đó căn cứ vào việc họ có trung thực sống theo đúng năng lực, khả năng của mình hay không?

Ví như mong có tấm áo lành để mặc, ngôi nhà thoáng mát khang trang để ở là dục vọng đương nhiên của con người, không thể gọi là xa xỉ. Tích lũy tiền bạc, chi tiêu chừng mực, sống đúng với địa vị của mình không thể coi là keo kiệt, bủn xỉn! Thế nhưng, vì để có ngôi nhà to đẹp hơn nhiều lần khả năng chi trả của mình, dùng thủ đoạn để có được sẽ là thói tham lam. Sống quá keo kiệt, không muốn bỏ ra hào cắt nào, ấy cũng là tham lam.

Ranh giới giữa thói xấu và đức tốt chỉ cách nhau một sợi tóc. Nhưng chúng ta cần hiểu rằng, vốn dĩ tố chất gốc đã là xấu thì dù ở mức độ nào và nhằm mục đích ra sao, xuất hiện ở đâu thì nó vẫn cứ là thói xấu.

Yukichi nhận định rằng, thói tham lam thường ngấm ngầm nảy sinh trong lòng mỗi người, từ đó sinh ra đủ mọi thói xấu như: ghen ghét, đố kỵ, gièm pha, ngờ vực, bất mãn, hèn nhát, tranh đoạt. Những hành vi thậm thụt, mật đàm, mưu mô cho đến việc lôi kéo bè cánh, ám sát, nổi loạn… tất cả đều phát sinh từ tham lam. Nếu chúng ta không thể kiểm soát, nhận biết nó thì sẽ bị dục vọng sai khiến, không hề đóng góp gì mà chỉ phá hoại hạnh phúc xã hội. 

Trên phạm vi quốc gia, những tai họa do lòng tham gây ra khiến cho dân chúng đều trở thành nạn nhân. Khi đó thì mọi lợi ích công đều biến thành lợi ích riêng của một nhóm người.

Á hậu Hoàng My, trong một Hành trình trao tặng sách quý, nói về những thói xấu mà nhiều người Việt mắc phải như xả rác, leo xe lên vỉa hè... Dưới quan điểm của Yukichi, mọi thói hư tật xấu trên đời này đều xuất phát từ tham lam

Sự nghèo khổ không phải nguyên nhân sinh ra thói tham lam. Lòng tham có thể xuất hiện ở bất cứ ai, bất kể địa vị, tầng lớp. Nó sẽ hoành hành khắp xã hội khi sự phát triển tự do về tinh thần, hành động của con người bị cản trở, khi niềm hạnh phúc cũng như nỗi bất hạnh đều ngẫu nhiên mà xảy ra.

Bàn về gốc gác của thói tham lam, Yukichi chỉ ra rằng, thói xấu này chính là đã sinh ra từ xã hội phong kiến với nền Nho học cổ hủ. Khổng Tử khi xưa có than rằng: "Đàn bà con gái và trẻ con là những kẻ khó dạy. Thân với họ thì họ nhờn, mà nghiêm với họ thì họ oán". Khổng Tử không hiểu rằng, tâm hồn con người dù là nam hay là nữ đều giống nhau. Hơn nữa, không có đạo lý nào quy định rằng đứa trẻ do người hạ đẳng sinh ra nhất định sẽ trở thành hạ đẳng. Chính chủ trương phân biệt địa vị, đẳng cấp đã tước đoạt tự do, bình đẳng, kìm hãm sự phát triển, gây ra biết bao đau khổ trong xã hội cũ. Và kết cục là ngay cả Đức Khổng Tử cũng chỉ còn biết than trời. 

Theo Yukichi, trước hết phải hiểu rằng, con người vốn dĩ nếu bị ai đó cướp đi tự do thể chất cũng như tinh thần thì sẽ căm tức người đó. Phụ nữ, những người bị áp đặt ở tầng lớp hạ đẳng, những con người bị trói buộc tự do tự khắc sẽ tìm cách phản kháng, xã hội sẽ phát sinh lòng tham tham. Đó chính là quy luật gieo nhân nào gặt quả ấy. 

Nguồn gốc của tham lam là ở chỗ trói buộc tự do. Vì thế, ngôn luận phải được tự do. Hoạt động của con người không thể bị cản trở. Có như thế, xã hội mới triệt tiêu thói tham, vững vàng phát triển.

Lời nhận định của PGS.TS Trần Hữu Đức cũng rất trùng khớp với quan điểm của Fukuzawa Yukichi về mục đích của việc kiếm tiền.

Lòng tham lam gây ra bao hậu quả khủng khiếp. Vậy mà xã hội Nhật Bản thời Minh Trị theo góc nhìn của Yukichi cũng chẳng khác gì chốn hậu cung. "Con người văn minh sẽ không đến nỗi ghen tức hạnh phúc của người khác, ngấm ngầm mong cho người khác gặp bất hạnh như con người trong xã hội Nhật Bản", Yukichi viết.

Gièm pha, phán xét - Những thói xấu nguy hiểm cần bài trừ

Nhiều người thường lầm lẫn giữa gièm pha và phê phán. Thực tế, gièm pha là việc nói xấu và chê bai người khác, phê phán là sự nhận định về những cái dở và phê bình người khác dựa trên cơ sở đạo lý mà mình tin.

PGS.TS Trần Hữu Đức thẳng thắn chỉ ra thói gièm pha của nhiều người Việt Nam.

"Tuy vậy, khi chưa tìm ra được cái đúng tuyệt đối trong xã hội, khi trong cuộc sống "chính nghĩa mang tính tuyệt đối" vẫn chưa tồn tại thì khó có thể phán định ngay đúng sai. Vì lẽ đó, mới nhìn thấy người này gièm pha người khác lập tức quy kết cho anh ta là kẻ thất đức thì thật vô lý. Khi quy kết việc tranh cãi là sự gièm pha, hay là sự phê phán nghiêm túc về một vấn đề thì phải tìm cho ra chính nghĩa mang tính tuyệt đối, chân lý mang tính phổ biển trong cuộc sống trước đã".

Theo Yukichi, thói gièm pha dễ xuất hiện nhất ở nhóm người chỉ có suy nghĩ cao xa mà không có năng lực hành động. Nhóm này thường cô độc, bị mọi người ghét bỏ xa lánh bởi khả năng đã không bằng ai nhưng lại hay đem cái lý tưởng của mình ra soi rọi vào hành động của người khác và xem thường khinh miệt họ. 

"Ở đời, coi thường người một cách hồ đồ cũng sẽ bị người khác coi thường lại. Có những kẻ bị người đời ghét bỏ vì tự cao tự đại, vì chỉ muốn giành phần hơn cho mình, vì toàn đòi hỏi ở người khác thật nhiều mà mình thì chẳng chịu nỗ lực, vì cứ mở miệng ra là nói xấu người khác. Nếu cứ luôn lấy cái lý tưởng cao xa tự cho là đúng của bản thân mình ra làm thước đo để bình phẩm chê bai người ta, và còn tùy tiện mang cái không tưởng áp đặt cho người ta thì sẽ tự chuốc lấy cảnh bị người ta ghét. Và kết cục là sẽ rơi vào tình cảnh tự mình xa lánh mọi người, tự mình cô lập mình", Yukichi viết.

Để tránh xa thói phán xét, mỗi người, dù là việc gì, từ việc nhỏ trong gia đình hay ngoài xã hội, trước hết phải đứng vào vị trí của người khác, suy nghĩ và làm thử trước đã rồi có định góp ý gì thì hãy góp ý. Cần phải suy nghĩ cho kín kẽ, cho thấu đáo về độ khó dễ, về sự nặng nhẹ của công việc người khác rồi hãy bình phẩm. Con người phải lấy công việc làm thước đo để tránh  lầm lẫn đáng tiếc khi so sánh chỗ đứng của bản thân mình với vị trí của người khác.

Biết mình, biết người, tôn trọng quyền độc lập, tự do, bình đẳng là cách để triệt tiêu thói phán xét, lòng tham lam ghen tức vì hạnh phúc của người khác. Ấy cũng là những tiền đề để con người tập trung vào tháp nhu cầu cống hiến và mong mỏi được xã hội ghi nhận.

Trao tặng tự do, tăng cường giao tiếp mặt đối mặt là cách triệt tiêu tất cả thói hư, tật xấu

Để gột rửa tất cả thói hư tật xấu khỏi con người, văn hóa Nhật Bản, Yukichi cho rằng trước hết cần tiêu trừ thói tham lam. Muốn tiêu trừ thói xấu này, cần tạo môi trường tự do phát triển. Ý nghĩa của chữ tự do, chúng tôi đã phân tích ở bài thứ 2.

Việc xây dựng xã hội tự do theo Yukichi không chỉ là việc của chính phủ. Ông nhận ra, chính trong nhân dân cũng đang thải ra nhiều thứ độc hại. Nếu chỉ cải cách chính trị không thôi cũng không thể gột sạch những thứ độc hại đó ngay được. Cội rễ của nó phải bắt nguồn từ nền dân khí quốc gia.

Các cuốn sách mà Trung Nguyên trao tặng, trong đó có Khuyến học, rất được các bạn trẻ Việt Nam yêu thích.

Theo ông, xã hội cần có lòng yêu thương giữa người với người. Con người cần tăng cường giao tiếp mặt đối mặt để có sự thấu hiểu.

"Văn bản thư từ nhiều khi không giải quyết được vấn đề bản thảo mà còn gây hiểu sai, hiểu lầm. Nhưng khi gặp gỡ trực tiếp thì lại giải quyết được mọi thứ. Lúc đó con người mới vỡ lẽ "vậy mà cứ nghĩ xấu về nhau…", hoặc "không gặp trực tiếp thì đúng là sẽ gây nên tai họa cho nhau…".

Lo lắng, quan tâm lẫn nhau vốn là tình cảm bẩm sinh ở trong con người. Sự thật tình, thật lòng sẽ làm hai phía xích lại với nhau. Và chỉ khi đó thì sự đố kỵ, lòng ghen tức mới biến mất.

Từ xưa tới nay có vô số những vụ ám sát. Tôi vẫn thường nói thế này: "Nếu như cả hai phía ám sát và bị ám sát cùng ngồi lại với nhau, có cơ hội trao đổi thẳng thắn, không che giấu, không úp mở những suy nghĩ của cả hai bên, thì cho dù có là kẻ thù không đội trời chung của nhau, họ nhất định sẽ hòa giải và không những thế mà có khi lại trở thành bạn hữu", Yukichi viết.

Năng lượng làm cuộc đời sống động khó có thể sinh ra nếu không tiếp xúc, tiếp cận với sự vật. Phải làm sao trong các mối quan hệ, các cuộc giao tiếp mọi người đều tự do nói lên suy nghĩ của mình một cách thật lòng, tự do hành động. Và sự suy nghĩ ấy, hành động ấy là kết quả của việc tự lựa chọn bất kể con người đó thuộc đẳng cấp nào, quý tộc, giàu có hay hạ đẳng, nghèo hèn. Có như thế, thói tham lam mới tiêu trừ, xã hội mới giàu lòng yêu thương giữa người với người.

Minh bạch, rõ ràng trong quan hệ xã hội

Trong khi xây dựng quan hệ xã hội, rất nhiều người thường rao giảng điều tuyệt vời rằng: Xã hội cũng như một gia đình, quan hệ sếp nhân viên như những người anh em hay thậm chí là như cha con... 

Theo Yukichi, thực tế, đó đều là điều hết sức hoang đường. Những người chủ trương một xã hội phân thành đẳng cấp, có trên có dưới, luôn ước ao quan hệ xã hội cũng được như quan hệ cha con trong một nhà - mong ước đó rất hay. Nhưng có một vấn đề lớn phải suy nghĩ. Vì cho dù là con mình đẻ ra, khi tới độ tuổi nhất định thì bậc cha mẹ nào cũng cảm thấy chúng bắt đầu khó bảo. Và mối quan hệ cha con bất hòa dần theo thời gian. Với con cái nhà mình còn khó ôn hòa, huống chi là với con cái nhà người.

Nhìn nhận bản chất quan hệ xã hội, phải thấy rõ đất nước vốn là xã hội của những người đã trưởng thành, không có quan hệ huyết thống với nhau. Bởi thế, cách giải quyết mối quan hệ này là dựa trên tinh thần tôn trọng lẫn nhau: tôn trọng sự độc lập, tự do, bình đẳng, nguyện vọng cống hiến và được ghi nhận. Tiếp đến là phải có những thỏa thuận, ràng buộc rõ ràng, nhất là thỏa thuận được luật pháp bảo hộ.

Nguồn: Nhật Bản duy tân 30 năm - Đào Trinh Nhất

Chẳng hạn, quan hệ giữa chính phủ và nhân dân vốn là mối quan hệ giữa những người xa lạ với nhau. Vì thế, nhất thiết phải ràng buộc nhau bằng khế ước, hợp đồng. Cả hai phía cùng tôn trọng hợp đồng, điểm nào chưa được thì phải tranh luận dàn xếp rồi thống nhất thực hiện. Luật pháp của một quốc gia cũng được hình thành trên cơ sở đó.

Cá nhân khi thuê nhà, khi buôn bán, làm ăn, khi làm thuê cho doanh nghiệp, tất nhiên cũng cần phải có hợp đồng, chứng từ.

Trong quan hệ sếp với nhân viên, cần bài trừ khuynh hướng dựa vào đẳng cấp, địa vị để ra lệnh mà không cần biết nhân viên nghĩ gì.

Chẳng hạn, có một cửa hiệu do một ông chủ tự bỏ tiền kinh doanh. Ông ta tin rằng tất cả nhân viên đều nhất mực trung thành, nghiêm túc, coi tập thể cơ quan như đại gia đình. Tiếc thay, trong số nhân viên có cả kẻ lợi dụng sự sơ hở của chủ, giấu nhẹm doanh số, biển thủ tiền bán hàng. Chỉ đến khi kẻ đó tự nhiên biến mất hoặc lâm bệnh chết, cho kiểm tra sổ sách, thấy số tiền bị cuỗm quá lớn, ông chủ mới tá hỏa lên.

Phó thác hoàn toàn cho người khác chẳng dễ chút nào! Tin vào mối quan hệ ngoài xã hội cũng như anh em trong một nhà là quá sai lầm. Yukichi thẳng thắn cho rằng, nhân viên có trung thành đến mấy thì họ cũng chỉ là người dưng. Trong quan hệ với người dưng, phải thỏa thuận rõ ràng chuyện tiền nong, kiểm tra định kỳ chứ không thể cư xử theo kiểu con cháu trong nhà để rồi mang vạ vào thân.

GS Võ Tòng Xuân nhận định về giá trị của Hành trình tặng sách do Đặng Lê Nguyên vũ khởi xướng, đem những cuốn sách quý đổi đời trao tặng khắp cả nước, trong đó có Khuyến học.

Chơi với bạn mới nhưng không quên bạn cũ

Trong văn hóa ứng xử với các mối quan hệ xã hội, để thệ hiện lòng trung thành, Yukichi cũng khuyên người dân nên có tinh thần chơi với bạn mới nhưng không quên bạn cũ.

Ông phân tích, bước đầu của việc giao tiếp là "biết người và được người biết". Trước hết cứ làm sao để càng có nhiều bạn càng tốt. Xã hội có đủ mọi hạng người, có người tốt kẻ xấu nhưng đừng vì thế mà quá cả nghĩ hay sợ hãi, đừng khách sáo, phải giao tiếp thẳng thắn và thực tình.

Điều quan trọng trong việc mở rộng giao tiếp là phải có tấm lòng rộng mở, quan hệ với mọi giới trong xã hội, không bó hẹp. Xã hội vô cùng rộng lớn, quan hệ giữa người với người cũng vô cùng phức tạp nên để có bạn thân thì không đơn giản. Chơi với mười người có được một người làm bạn tâm giao là tốt rồi. Vì thế, người có sự tin cậy, trung thành chính là ở chỗ chơi với bạn mới mà không quên bạn cũ, nhận được ân huệ từ người đi trước thì phải có lòng biết ơn.

Những quan điểm về lòng trung thành nếu nhìn nhận ở phạm vi cá nhân thì đó chính là biết yêu thương, tôn trọng gia đình, bạn bè thân tình, biết tuân thủ quy định ở công ty, các tổ chức mà mình tham gia vào. Đối với quốc gia thì đó là tinh thần tôn trọng chính quyền, sống và làm việc theo pháp luật, không kích động, bạo lực, đóng thuế và giám sát chính quyền, đấu tranh chống cái ác cái xấu, cống hiến điều tích cực cho xã hội.

LỜI KẾT CHO TUYẾN BÀI

Với sự trình bày có chọn lọc những giá trị đáng quý trong cuốn sách Khuyến học, chúng tôi hy vọng loạt 8 bài lý giải NHỮNG BÍ MẬT VỀ NỀN DÂN KHÍ NHẬT BẢN đã phần nào giúp lý giải câu hỏi vì sao nước Nhật cũng là "châu Á da vàng" nhưng chỉ mất 30 năm duy tân đã vượt xa phần còn lại của châu Á cả trăm năm. 

Vì sao họ đã làm nên thành công khiến thế giới nể phục, và người Việt có thể học hỏi gì từ một quốc gia như vậy? Đây cũng là những dụng ý sâu xa khi Chủ tịch Đặng Lê Nguyên Vũ chọn cuốn sách này để gửi đến tận tay người dân cả nước thông qua chương trình Hành trình Từ Trái Tim nhằm hun đúc nền dân khí quốc gia, khát vọng cùng xây dựng đất nước hùng cường.

So sánh Việt Nam với Nhật Bản, Chủ tịch Đặng Lê Nguyên Vũ cũng cho rằng: "Nước Việt ta xét về chí khí, chúng ta còn là con Rồng cháu Tiên. Vậy nên, Việt Nam không có lý do gì để thua kém Nhật Bản.

Dân tộc Việt chúng ta là Con của Rồng Tiên, đừng quên chúng ta có nguồn cội là Rồng Tiên. Vậy mà trong 4000 năm qua, dân tộc ta đã hy sinh và đổ biết bao xương máu nhưng trong tiềm thức của dân tộc chỉ dừng lại ở trạng thái "dựng nước và giữ nước". Đây là thời khắc thứ ba, thời khắc chúng ta hãy cùng nhau lập Chí Tự Cường – Chí Đua Tranh – Chí Dẫn Dắt và Chí Vĩ Đại. Dân tộc ta phải Vĩ Đại và nhất định sẽ vĩ đại, dân tộc ta phải xứng đáng là Con của Rồng Tiên, đúng phẩm chất Con của Rồng Tiên. Đúng với phẩm chất vĩ đại của dân tộc Việt".

Nội dung loạt bài NHỮNG BÍ MẬT VỀ NỀN DÂN KHÍ NHẬT BẢN được rút ra từ sách "Khuyến học" của các tác giả Fukuzawa Yukichi, cùng nhiều tài liệu tham khảo khác. Đây là 1 trong 5 cuốn sách quý nền tảng đổi đời được Chủ tịch Tập đoàn Trung Nguyên Legend Đặng Lê Nguyên Vũ tự tay tuyển chọn, viết thư ngỏ, với mong mỏi sách sẽ đến tay tất cả các bạn trẻ và nhân dân cả nước, để hun đúc nền dân khí quốc gia, khát vọng cùng xây dựng đất nước hùng cường.