VĂN HÓA

'Bông hồng cài áo': Từ lễ Vu Lan đến văn chương và âm nhạc

Tiểu Vũ • 02-09-2020 • Lượt xem: 2874
'Bông hồng cài áo': Từ lễ Vu Lan đến văn chương và âm nhạc

"Bông hồng cài áo" là một đoản văn tuyệt đẹp của Thiền sư Thích Nhất Hạnh viết vào năm 1962, từ đoản văn này một nghi thức đặc biệt mang tên “Bông hồng cài áo” trong dịp lễ Vu Lan cũng đã được ra đời. Áng văn chương bất hủ của thầy Thích Nhất Hạnh cũng được nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ phổ nhạc thành bài hát cùng tên.

Bắt đầu từ một đoản văn tuyêt đẹp

“Ngày Vu Lan ta nghe giảng và đọc sách nói về ngài Mục Liên và về sự hiếu đễ. Công cha, nghĩa mẹ, bổn phận làm con. Ta lạy Phật cầu cho mẹ sống lâu. Hoặc lạy mười phương tăng chú nguyện cho mẹ được tiêu diêu nơi cực lạc, nếu mẹ đã mất. Con mà không có hiếu là con bỏ đi. Nhưng hiếu thì cũng do tình thương mà có; không có tình thương, hiếu chỉ là giả tạo, khó khăn, vụng về, cố gắng mệt nhọc. Mà có tình thương là có đủ hết rồi. Cần chi nói đến bổn phận. Thương mẹ, như vậy là đủ. Mà thương mẹ không phải là một bổn phận. Thương mẹ là một cái gì rất tự nhiên. Như khát nước thì uống".

Đó là một đoạn được trích trong đoản văn Bông hồng cài áo của Thiền sư Thích Nhất Hạnh. Đoạn văn nói về tình mẫu tử thiêng liêng nhưng với một ngôn ngữ vô cùng giản dị chân thật ấm áp. Sau này, đoản văn Bông hồng cài áo của Thiền sư Thích Nhất Hạnh không chỉ dành cho giới phật tử mà bất cứ ai đọc cũng đều lay động con tim bởi câu chuyện cảm động, mộc mạc, gần gũi, rất đỗi thân thương, chân thành về mẹ của ông.

Tại Việt Nam, mùa Vu Lan được xác định là nguyên cả tháng bảy âm lịch, nhưng lễ Vu Lan được diễn ra đúng vào ngày rằm. Đặc biệt trong dịp lễ này có một nghi thức mang tên Bông hồng cài áo, nghi thức này đã trở thành một hình ảnh tuyệt đẹp không chỉ đối với người theo phật giáo mà còn mang đậm bản sắc văn hóa của người Việt Nam. 

Cứ mỗi dịp lễ Vu Lan, các phật tử lên chùa và được vị sư trụ trì cài lên ngực họ một đóa hoa hồng. Nếu ai còn mẹ sẽ được cài một bông hoa màu hồng màu đỏ, còn ai không còn mẹ, thì được cài một bông hồng màu trắng lên ngực trái. Bông hồng bên trái tim mang ý nghĩa tưởng nhớ những bà mẹ đã khuất và vinh danh những bà mẹ còn tại thế với con cháu.

Cài bông hồng trắng lên ngực trong dịp lễ Vũ Lan để nhớ ơn nghĩa sinh thành
Cài bông hồng lên ngực trong dịp lễ Vũ Lan để nhớ ơn nghĩa sinh thành

Có thể nói Bông hồng cài áo là một nghi thức đặc biệt không chỉ giới hạn trong dịp lễ Vu Lan của những người theo đạo phật mà còn mang ý nghĩa giáo dục sâu sắc hướng con người nghĩ đến ơn nghĩa sinh thành dưỡng dục của cha mẹ - người hi sinh suốt đời cho con cháu. Đây cũng là một truyền thống đạo lý của người Việt từ ngàn đời nay truyền lại cho các thế hệ và đang tiếp tục duy trì mãi mãi trong đời sống của dân tộc không bao giờ đứt đoạn. 

Nghi lễ Bông hồng cài áo ra đời

Nghi lễ Bông hồng cài áo tại Việt Nam được xác định là ra đời vào năm 1962 tại Sài Gòn, điều đặc biệt là nó được khởi nguồn từ đoản văn Bông hồng cài áo của Thiền sư Thích Nhất Hạnh.

Theo như lời kể của Thiền sư Thích Nhất Hạnh, năm 1962 trong thời gian ông đang nghiên cứu tại Princeton University (Mỹ) sau đó thiền sư về nghỉ hè tại Camp Ockanickon, Medford thuộc tiểu bang New Jersey, Bông hồng cài áo được viết trong một căn lều bằng gỗ tại địa điểm này.

Trong đoản văn Bông hồng cài áo Thiền sư Thích Nhất hạnh giới thiệu tục lệ cài một bông hoa trên áo trong ngày Mother’s Day của người Nhật. Ông viết: “Người được hoa trắng sẽ thấy xót xa, nhớ thương, không quên mẹ, dù người đã khuất. Người được hoa hồng sẽ thấy sung sướng nhớ rằng mình còn mẹ, kẻo một mai người khuất núi, có khóc than cũng không còn kịp nữa. Tôi thấy cái tục lệ cài hoa đó đẹp và nghĩ rằng mình có thể bắt chước áp dụng trong ngày báo hiếu Vu Lan". Ông cho biết bông hoa mà cô sinh viên người Nhật cài cho ông trong ngày Mother’s Day ở Đông Kinh là hoa cẩm chướng, không phải hoa hồng.


Thiền sư Thích Nhất Hạnh với bông hồng trong ngày Vu Lan - Ảnh: Tư liệu

Về bản nhạc "Bông Hồng cài áo" của cố nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ

Trong tân nhạc Việt Nam, khi nói đến nhưng ca khúc về mẹ, không ai không biết đến bài hát Bông hồng cài áo của nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ. 

Bài hát được phổ biến rộng rãi với cộng đồng người Việt trong, ngoài nước. Giai điệu và ca từ của bài hát đã ăn sâu vào nhiều thế hệ người yêu âm nhạc Việt Nam. Khi nghe ca khúc này hình ảnh của người mẹ lại hiện lên lung linh tuyệt đẹp nhưng vô cùng gần gũi yêu thương xúc động đến rưng rưng... Đây chính là ca khúc được cố nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ lấy ý tưởng từ đoản văn Bông hồng cài áo của thiền sư Thích Nhất Hạnh.

Sau khi ra đời, Bông hồng cài áo trở thành một tác phẩm nổi tiếng về mẹ trong nền tân nhạc Việt Nam. Bài hát không chỉ dành riêng trong mùa Vu Lan mà còn được hát mọi lúc lúc mọi nơi để vinh danh sự hi sinh cao cả những người mẹ. Bông hồng cài áo cũng được nhiều thế hệ ca sĩ Việt Nam chọn để hát, trong số đó có danh ca Thái Thanh, Khánh Ly, Tuấn Ngọc, Nguyễn Hưng, Cẩm Vân, Quang Linh, Bằng Kiều, Đan Trường, Mạnh Quỳnh, Long Nhật…

"Bông hồng cài áo"  - Nhạc Phạm Thế Mỹ - Lời: Thích Nhất Hạnh - Biểu diễn: Thái Châu: