GIẢI TRÍ

Ca sĩ Long Nhật: ‘Người lớn có nói sai, nói oan thì cắn răng mà chịu chứ không được cải lại, oan thì cắn răng khóc’

Bảo An Nguyễn • 08-09-2022 • Lượt xem: 575
Ca sĩ Long Nhật: ‘Người lớn có nói sai, nói oan thì cắn răng mà chịu chứ không được cải lại, oan thì cắn răng khóc’

Long Nhật có tiêu chí làm nghề như này, người lớn có nói sai, nói oan thì cắn răng mà chịu chứ không được cải lại, oan thì cắn răng khóc còn nếu họ sai là chuyện của họ còn mình nhỏ là không được cải lại”, Long Nhật trải lòng về tiêu chí làm nghề của mình, song đây cũng là lời nhắn nhủ của anh dành cho các bạn trẻ đã, đang và sẽ tham gia con đường nghệ thuật. 
 

Sáng ngày 7/9 (tức 12/8 âm lịch), Long Nhật đã có mặt tại sân khấu Trịnh Kim Chi thắp hương Tổ nghề. Xuất hiện trong ngày đặc biệt quan trọng, nam ca sĩ diện trang phục vô cùng trang nghiêm với áo dài, khăn đóng. Được biết, anh vừa đáp chuyến bay từ Hà Nội vào Thành phố Hồ Chí Minh và nhanh chóng sắp xếp để xuất hiện tại sân khấu của người đồng nghiệp thân thương.


Ca sĩ Long Nhật diện trang phục nghiêm trang đến dâng hương Tổ nghiệp tại sân khấu Trịnh Kim Chi.

Tại đây, Duyên dáng Việt Nam cũng đã có cơ hội lắng nghe Long Nhật chia sẻ về những câu chuyện thú vị về ngày Giỗ Tổ. Đồng thời, anh cũng có đôi lời gửi gắm đến thế hệ trẻ đang, đã và sẽ hoạt động nghệ thuật.

- Trở lại sân khấu cúng Tổ sau gần 2 năm dịch bệnh, cảm xúc hiện tại của Long Nhật như thế nào?

Lần đầu trong cuộc đời đi hát hơn 30 mấy năm của Long Nhật được chứng kiến Giỗ Tổ lịch sử khi ai giỗ nhà nấy vì ảnh hưởng của dịch bệnh. Còn ngày hôm nay, được đứng tại sân khấu này thắp nhang cho Tổ là tôi không dám mơ. Năm ngoái có nằm mơ, Long Nhật cũng không dám mơ giấc mơ đẹp như thế này, một cuộc sống bình yên, trời quang mây tạnh. Trải qua 2 năm dịch bệnh, hiện tại Long Nhật đang rất xúc động.

Sáng nay (ngày 7/9), Long Nhật bay từ Hà Nội vô Sài Gòn rất sớm, năm nào cũng vậy, sân khấu Trịnh Kim Chi luôn đặt lên đầu tiên. Ngày mai, Long Nhật sẽ đến sân khấu của Hồng Vân, Minh Nhí và đây cũng là 2 người thầy của tôi để thắp hương, dâng Tổ. 

- Làm nghề nhiều năm vậy anh có biết câu chuyện thú vị về Tổ nghiệp không?

Tổ nghiệp là một đức tin của người nghệ sĩ, dù người đó là tôn giáo gì nhưng một khi đã bước vào thế giới nghệ sĩ, tất cả đều ăn chung một chén cơm Tổ, chúng tôi thờ Tam vị Thánh Tổ. Có một câu chuyện Long Nhật được nghe từ những người xưa kể lại, ngài là một hoàng tử rất đẹp, rất thích nghe hát và rất thương nghệ sĩ. Có một lần ngài trốn học, trốn gia đình đi theo đoàn hát và vua cha lật đã tung đoàn hát để tìm cho được ngài, bắt ngài phải đi học thì lúc đó, ngài đã nhảy vào trong cây vong (hiện tại hầu hết tất cả các tượng thờ Tổ đều được làm từ cây vong). Lúc này, quân lính triều đình hầm hổ cho rằng nếu đoàn hát không giao nộp hoàng tử ra thì họ sẽ phóng lửa đốt đoàn và ngài đã bị đốt cháy.

Từ đó, linh hồn của ngài đi theo đoàn hát để phù hộ cho anh em văn nghệ sĩ. Trong dân gian, những nghệ sĩ lớn truyền tai nhau rằng ngài rất mê mùi thơm của trái thị và rất thích cây mía. Thế nên, trong sân khấu tuyệt đối không một ai được đem hai loại trái cây đấy bởi ngài sẽ chạy theo mùi thơm đó bỏ sân khấu đi. 

Mọi người có niềm tin rằng, trước khi ra sân khấu mà không bái Tổ kĩ sẽ gặp nhiều trục trặc. Bản thân Long Nhật cũng vậy, một ca khúc hát mười mấy năm nhưng không bái Tổ chắc chắn sẽ quên lời, không quên lời thì trật nhịp hoặc sẽ gặp một vấn đề gì đó không mong muốn xảy ra. Vì vậy, trước khi ra sân khấu phải bái Tổ cho kĩ. 


Long Nhật hào hứng chia sẻ về câu chuyện Tổ nghề.

- Anh có nhắn nhủ với những thế hệ mai sau đang và sắp sẽ bước vô nghề về niềm tin Tổ nghề?

Nghề nào cũng có Tổ và nghệ sĩ cũng không ngoại lệ, đó là tâm linh để thờ phụng. Long Nhật tự nhận bản thân mình được Tổ thương và được cưng khi đã cho được nổi tiếng sớm. Sự thờ phụng đó làm cho mình đẹp lên, biết kính trên nhường dưới, biết yêu thương, biết hòa thuận nên nhắn với các em khi bước vào nghệ thuật nên biết theo lề lối, người xưa làm sao mình làm vậy, thương bạn bè đồng nghiệp, kính trọng thầy cô giáo.

Long Nhật có tiêu chí làm nghề như này, người lớn có nói sai, nói oan thì cắn răng mà chịu chứ không được cải lại, oan thì cắn răng khóc còn nếu họ sai là chuyện của họ còn mình nhỏ là không được cải lại. Chờ đến khi họ nguội, lúc đó mình ngồi lại ví dụ như cô Hồng Vân, thầy Minh Nhí hay anh Thành Lộc la em như vậy là oan cho em. Tuy nhiên, lúc đang dầu sôi lửa bỏng là không được cải lại, còn lúc bước ra sân khấu là một lòng theo thầy “một chữ cũng thầy, nửa chữ cũng thầy”. Đó là đạo lý làm nghề mà Long Nhật muốn chia sẻ. 

Long Nhật đã biết cúng Tổ từ rất bé, bởi vì được tiếp xúc với nhiều đoán hát bội, ca kịch Huế, cải lương sông Hương,... tại đó có bàn thờ Tổ rất lớn. Long Nhật hay nguyện ước khi đứng trước bàn thờ Tổ: “Đã sinh làm kiếp con tằm. Không vương tơ nữa vẫn nằm trong tơ”, bái Tam vị Thánh Tổ trọn đời theo nghệ thuật, không biết làm gì khác ngoài biết hát, đóng phim, diễn kịch. Mong ngài phù hộ cho con đẹp, có giọng hát hay, sau này có thể đi dạy, làm đạo diễn,... làm gì cũng được miễn trọn đời được theo nghề. 


Sở hữu sự nghiệp thành công như hiện tại, Long Nhật thựa nhận bản thân may mắn khi được Tổ cưng, Tổ đãi. 

- Long Nhật có thể chia sẻ về những kế hoạch trong thời gian sắp tới? 

Long Nhật đang tham gia dự án kịch mang tên “Dưới ánh đèn”. Dù bản thân xuất thân là một ca sĩ, không được học qua các trường lớp về diễn viên cùng như diễn kịch, may mắn được cô Hồng Vân, thầy Minh Nhí dạy qua từng vai diễn khi diễn kịch. Về điện ảnh, Long Nhật nhận sự giúp đỡ từ đạo diễn Nguyễn Chánh Tín, Lê Công Tuấn Anh,... từ đó, Long Nhật cũng nhận thấy bản thân được Tổ cưng. Không những thế, khi được mời tham gia phim, kịch, tất cả đều được góp mặt trong những vai diễn chính. Hiện tại, Long Nhật cũng đang diễn cho sân khấu kịch Hồng Vân, sân khấu kịch Minh Nhí.