VĂN HÓA

Chưa quản lý hiệu quả di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO ghi danh

Khanh Khanh • 23-03-2023 • Lượt xem: 947
Chưa quản lý hiệu quả di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO ghi danh

Nhiều sản phẩm tinh thần của cộng đồng người Việt đáng tự hào khi được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể. Tuy nhiên, hầu hết số di sản trong danh sách lại chưa có biện pháp quản lý, bảo vệ cũng như phát huy giá trị di sản một cách rõ ràng và triệt để. 

Theo đó, để đảm bảo được tính lâu dài, liên tục và bền vững của di sản, Bộ Văn hóa Thể Thao và Du lịch đề xuất dự thảo về Nghị định quy định biện pháp quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể trong các Danh sách của Tổ chức Khoa học, Giáo dục và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) và Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Được biết, dự thảo hiện đang được triển khai lấy ý kiến trên cổng thông tin của Bộ cho đến thời gian tháng 5 năm 2023. 

Trong đó, dự thảo nêu rõ quy định về các đề án, dự án, báo cáo định kỳ, kế hoạch hành động, chương trình hành động quốc gia dành cho các di sản được ghi danh trong danh sách của UNESCO. Cho đến thời điểm hiện tại, Việt Nam có 14 di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO ghi danh. Trong đó, số di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại là 13 và số di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp là 1. Mặt khác, có khoảng 70.000 di sản văn hóa phi vật thể được kiểm kê, 443 di sản được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia phân bố rộng khắp trên cả nước. Những nội dung đóng góp trong dự thảo sẽ góp phần cho việc kiểm tra hiện trạng di sản diễn ra thường xuyên và có ngay biện pháp xử lý kịp thời nếu xuất hiện vấn đề. 

Bố cục Dự thảo Nghị định phân bổ làm 4 chương với 31 điều. Trước hết, dự thảo nêu rõ những cá nhân đóng vai trò nắm giữ di sản văn hoá phi vật thể là nghệ nhân nhân dân, nghệ nhân ưu tú cần đích thân đưa ra các tham vấn, đồng thời tham gia trực tiếp vào hoạt động bảo vệ và phát huy di sản. Kế đến, phát triển và phổ biến ra khắp cộng đồng, nhóm nắm giữ vai trò chủ chốt. Hạn chế tối đa các trường hợp trục lợi, mâu thuẫn ý kiến tập thể. Nếu có thì cần thảo luận để chọn ra phương án tối ưu thống nhất. 

Đảm bảo sao cho các giá trị, biểu đạt, kỹ thuật, kỹ năng, hiện vật, không gian văn hóa liên quan của di sản văn hoá phi vật thể được liên tục, truyền tải đúng bản sắc văn hoá. Nghiêm cấm những hành vi gây tổn hại, xâm phạm, xuyên tạc làm biến chất đi những giá trị vốn có của di sản. 

Giữa các cộng đồng, dân tộc, vùng miền cần tôn trọng nét đa dạng văn hóa lẫn nhau. Tất cả di sản văn hóa phi vật thể thuộc từng vùng đều phải được bảo vệ, phát huy ở mức độ bình đẳng như nhau. Bên cạnh đó, hiện trạng các đặc trưng, đặc thù của từng dân tộc, cộng đồng người bị phân biệt đối xử khi xuất hiện thì cần được loại bỏ triệt để. 

Đề ra phương hướng phát triển các hoạt động quản lý, bảo tồn di sản theo hướng dài hạn, liên tục, bền vững. Từ đó tạo điều kiện cho di sản văn hóa phi vật thể được thực hành lâu dài. Toàn diện các khía cạnh xã hội phát triển đầy đủ như: an ninh, môi trường, đời sống con người, bản sắc văn hoá, giá trị hòa bình….

Đặc biệt, đối với những di sản văn hóa phi vật thể thuộc nhóm nguy cơ bị mai một nguy cấp, nằm tại các vùng sâu vùng xa, hay di sản mang giá trị toàn cộng đồng xã hội nên có đề án bảo vệ ưu tiên.