Khám phá

Con ngoan trò giỏi liệu có phải là cách học đúng đắn?

Dã Quỳ • 03-12-2017 • Lượt xem: 7737
Con ngoan trò giỏi liệu có phải là cách học đúng đắn?

Tôi là một người mà nói dễ nghe chút thì là ngoan hiền và trầm tính, còn nói khó nghe hơn thì là thụ động và không hòa đồng. Từ ngày nhỏ tôi luôn là con ngoan, trò giỏi, vâng lời người lớn. Tôi đã luôn nghĩ như thế là tốt cho đến khi rời xa ghế nhà trường và bước chân vào xã hội, lúc đó tôi mới biết : “Ôi trời ơi, sao trên đời lại có đứa như mình cơ chứ”.

Hồi còn đi học, mỗi lần ra chơi bạn thân tôi luôn níu tay và lôi kéo tôi tham gia vào mọi trò chơi: đá cầu, tú lơ khơ, đuổi bắt… Tuy nhiên với bản tính thụ động trong mọi việc và lười, tôi chẳng bao giờ tham gia cùng các bạn, luôn kiếm lý do để từ chối, kể cả các hoạt động do trường lớp tổ chức. Và dần dần tôi trở thành đứa khó bắt chuyện, sống thu mình, và tất nhiên đến ngày rời xa trường lớp, bản thân tôi cũng chẳng để lại ấn tượng gì sâu sắc trong lòng các bạn.

Người ta nói những năm tháng học sinh, sinh viên là những năm tháng đẹp nhất bởi chúng ta sẽ được sống trọn từng phút giây với cái gọi là tuổi trẻ. Cái tuổi mà chẳng cần phải lo toan từng thứ vụn vặn một, chỉ cần biết hôm nay tôi đã từng sống. Cái tuổi mà chúng ta được ngông nghênh hát nên những khúc ca cho riêng mình. Nhưng tôi lại làm cho bản nhạc đó của mình trầm đi một nốt. Những trang lưu bút viết về nhau, bao giờ người ta cũng có đủ chuyện trên trời dưới biển, có đủ suy nghĩ về nhau với muôn hình vạn dạng. Nhưng còn tôi trong lưu bút chỉ là cô gái nhỏ ít hòa động, thụ động.

Học xong đại học ra trường với tấm bằng loại ưu, nghe “chảnh” lắm nhưng thực lòng đi làm rồi tôi mới nhận mình thật cô đơn. Cái gì cũng quen một mình giải quyết, mỗi lần nhìn mọi người líu lo trò chuyện từ chồng con đến điện ảnh rồi cuộc sống hàng ngày tôi cũng muốn chen vào nói chuyện nhưng nhận ra mình chẳng biết bắt đầu thế nào với họ cả. 

Có người từng khuyên để được sếp và đồng nghiệp yêu quý hãy cho họ tham gia vào công việc của mình bằng cách hỏi họ chuyện gì đó dù là đơn giản nhất. Mặc dù biết rõ điều đó nhưng mỗi khi sếp giao việc tôi chỉ nhận và tự mình hoàn thành mà chẳng bao giờ biết tận dụng nó để hỏi chuyện sếp, đồng nghiệp, để rút ngắn khoảng cách với mọi người vì nghĩ sẽ mọi người bận. Mỗi khi công ty có tiệc tùng tôi luôn tham gia đến giữa chừng hay xin về sớm với lý do có việc bận, vì cảm thấy cô đơn, không hòa nhập được. 


Chán nản, thất vọng và sau 3 lần liên tiếp đổi công ty tình trạng vẫn vậy, tôi chợt nhận ra mình cần làm một cuộc cách mạng cho chính mình. Tôi tham gia nhiều khóa học về kỹ năng mềm hơn, tham gia nhiều câu lạc bộ thiện nguyện, các tố chức phi chính phủ… Dần dần tôi thấy mọi thứ khá hơn, tôi bắt đầu biết cách gợi chuyện với người khác. Bắt đầu chủ động hơn trong mọi thứ từ việc nhờ đồng nghiệp giúp đỡ thay vì cứ một mình suy ngẫm mấy ngày rồi tìm phương án đến việc tự tin đề nghị tăng lương, tham gia dự án mình thấy hứng thú thay vì chỉ biết sếp nói gì, giao cho việc gì thì nghe đó như trước kia.
Tóm lại các bạn ạ, tôi rút ra được một điểu sau khi lăn qua lăn lại trong cái xã hội vốn dĩ chứa đầy bất công và cạnh tranh khốc liệt này, đó là: “Sống đừng nên lúc nào cũng diễn mãi vai con ngoan trò giỏi, thụ động trong mọi thứ. Hãy bước ra khỏi ranh giới và vỏ bọc của mình chúng ta mới trưởng thành và tồn tại được. 

Nhiều khi căng thẳng quá, bạn thậm chí có thể chửi thề, làm việc gì đó điên rồ, miễn là không quá giới hạn và bản thân phải thấy thật thoải mái. Việc đó không hề xấu, đơn giản đó là cách bạn sống thật với bản thân mình, giúp cuộc sống tràn đầy năng lượng hơn. Hãy học hỏi hết mình, nhưng học thật đúng cách, học như thế nào để “nhạc nào cũng nhảy”, từ quý tộc thanh cao đến bụi đời chợ lớn.