GIẢI TRÍ

DDVN Review ‘Cậu Vàng’: Uổng phí 96 phút xem phim

Tạ Doãn • 13-01-2021 • Lượt xem: 4694
DDVN Review ‘Cậu Vàng’: Uổng phí 96 phút xem phim

Gần 2 tiếng xem phim trên màn ảnh rộng, “Cậu Vàng” để lại cho khán giả nhiều tiếc nuối. Nội dung mang tính chắp vá quá nhiều đã khiến diễn xuất của dàn sao trong phim dù rất đồng đều nhưng lại không thể đem đến một bộ phim hay trọn vẹn. 

Xem thêm:

DDVN Review ‘Chị Mười Ba: 3 ngày sinh tử’: Tung ‘chiêu’ chuẩn và ra ‘đòn’ hay 

DDVN Review: ‘Người cần quên phải nhớ' chủ đề mới lạ nhưng lại quá dài dòng

DDVN Review: ‘Chồng người ta’ ôm đồm quá nhiều, giải quyết lơ lửng

DDVN Review: ‘Trái tim quái vật’ - Mọi thứ vừa đủ để tạo nên tổng thể đẹp

DDVN Review: ‘Sài Gòn trong cơn mưa’ bản tình ca tuổi trẻ nhẹ nhàng và đầy tiếc nuối

Phóng đại hình tượng Cậu Vàng

Tạm bỏ qua lùm xùm về “quốc tịch” của chú chó đóng vai Cậu Vàng trong phim, thì “Cậu Vàng” quả thật có rất nhiều điểm để bàn luận mà đầu tiên là vấn đề khắc họa chú chó Vàng. Được biết, “Cậu Vàng” lấy cảm hứng từ tác phẩm văn học của nhà văn Nam Cao và có sự thay đổi để phù hợp với chất điện ảnh. Kết quả, bộ phim quyết định lấy nhân vật cậu Vàng là tâm điểm và tất cả những biến cố hay sự thay đổi tâm lý những nhân vật khác đều chủ ý xoay quanh chú chó này. Đáng tiếc, tác phẩm không biết cách triển khai và lồng ghép phù hợp mà lại tạo nên hiệu ứng ngược, khiến người xem cảm thấy hình tượng cậu Vàng quá gượng ép.


“Cậu Vàng” là một trong những bộ phim điện ảnh Việt Nam được kỳ vọng nhất đầu năm nay nhưng khi công chiếu thì khán giả lại càng thất vọng vì sản phẩm quá nhiều "sạn"

Đúng nguyên tác, cậu Vàng là người bạn gần gũi nhất với Lão Hạc sau khi cậu con trai Cò của ông bỏ nhà đi làm rừng cao su. Vàng trong ấn tượng của đọc giả là một chú chó thông minh, hiểu chuyện và lương thiện. Song, đến lúc lên phim “Cậu Vàng”, cậu Vàng từ một chú chó thân thuộc với Lão Hạc bỗng biến thành một chú chó gan dạ và dũng mãnh, thậm chí còn là “nguồn cảm hứng” to lớn có thể cảm hóa hầu hết các nhân vật phản diện và khiến những kẻ ác độc phải trả giá đắt. 


Hình tượng chú chó Vàng bị thổi phòng quá mức, biết chiến đấu, chống lại kẻ ác, bảo vệ chủ, cảm hóa người gian và làm phe phản diện suy ngẫm về nhân sinh thế thái

Dù chỉ là một chú chó được nuôi ở miền đồng quê sông nước, nhưng cậu Vàng lại có phản xạ và khả năng sinh tồn cao như chó được huấn luyện. Cậu Vàng trên màn ảnh rộng năm 2021 một mình chống lại cả đám người hà hiếp Lão Hạc, có thể suýt nữa thoát khỏi bọn trộm chó khi bị rượt đuổi, biết dùng vật nhọn cứa đứt dây trói trốn thoát và dùng sức mạnh để trở thành thủ lĩnh của đàn chó hoang… Có thể nói, chú chó Vàng dân dã quen thuộc với khán giả đã được khắc họa một cách hoàn toàn xa lạ qua góc nhìn điện ảnh của đạo diễn Trần Vũ Thủy. Từ đầu đến cuối tác phẩm, Cậu Vàng được miêu tả như anh hùng “tả xung hữu đột” cứu chủ, cứu hàng xóm, cứu dân làng và cứu vớt cả những kẻ con người tội lỗi. 


Tình thế đường cùng của Lão Hạc được miêu tả nhạt nhòa

Tuy nhiên, tầm quan trọng của cậu Vàng trong phim dần dần vỡ vụng từ đoạn giữa đến cuối phim. Tần suất xuất hiện của chú chó trong “Cậu Vàng” dần giảm xuống đáng kể và còn không bằng cả các vai phản diện khác. Thậm chí, có đôi khi cậu Vàng chỉ được nhắc đến qua các câu thoại của nhân vật khác. 

Ôm đồm quá nhiều thứ

Không khó để nhìn ra mục đích của “Cậu Vàng” là dựa trên hình tượng chú chó Vàng để lồng ghép vào hàng loạt câu chuyện ý nghĩa cùng những mảnh đời gian truân của người dân thời quan liêu phong kiến. Thế nhưng, đạo diễn Trần Vũ Thủy không thể làm chủ được mạch truyện đứa con tinh thần của mình. Mọi thứ trong phim cứ hỗn loạn vào với nhau, âu một phần cũng là do Trần Vũ Thủy không nêu rõ bối cảnh chính của tác phẩm. Nói dễ hiểu hơn là bộ phim này hoàn toàn không định hình theo một giai đoạn lịch sử nào của Việt Nam. 

Trong “Cậu Vàng”, ở cảnh phim trước thì người dân còn đang vui vẻ tát nước trêu nhau trên đồng xanh thơ mộng, thì sang phân đoạn khác đã thấy họ đau đớn khi bị ép sưu thuế nặng nề. Sự tương phản khó hiểu và không một lời giải thích dễ làm khán giả bị rối. Hay như cuộc đời nghèo khổ của lão Hạc cũng bị diễn tả qua loa. Do đó, khi ông lựa chọn bán chó và tự sát chẳng tạo được đồng cảm nào từ khán giả. Rồi vì sao Binh Tư vào tù và suốt ngày ăn vạ cũng được lên phim một cách hời hợt. Bên cạnh đó, tính cách quái dị của Lý Cường là do ai mà thành, sự ganh ghét của ba bà vợ nhà Bá Kiến, mối tình của vợ ba với thanh mai trúc mã ở quê nhà… vẫn là một chi tiết hay nhưng lại không được khai thác tốt. 


Phe ác cũng bị lu mờ trước cách khai thác không tới của tác phẩm
 
Bối cảnh chính của “Cậu Vàng” không theo một thời kỳ lịch sử cụ thể nào

Trong “Cậu Vàng” nhân vật xuất hiện rất nhiều đảm nhận những mặt sáng - tối của con người như chất phác (lão Hạc), nhân từ (vợ chồng ông giáo), hiền lành (Cải), tham lam (Bá Kiến), dục vọng (Lý Cường)… Dù vậy, chẳng một ai được cho một “lý lịch” đầy đủ và cơ bản, cũng không hề có một sự giao nhau trong phát triển tác phẩm.

Màu phim và cách cắt ghép “Cậu Vàng” cũng là điểm trừ to lớn. Bức tranh đồng quê bát ngát tuyệt đẹp miền Bắc Việt Nam cũng không cứu nổi bộ phim. Sắc phim lúc sáng rực rỡ, khi lại tối, rồi lại nhòe… Đáng nói là hiệu ứng slow motion dùng một cách không cần thiết. Lối biên tập tác phẩm cũng như chuyển cảnh rất “nhát gừng” và thô. 


Bộ phim được khen ở điểm tái dựng được miền quê miền Bắc dân dã nhưng điểm nổi bật này chưa đủ sức để "cứu" cả bộ phim.

“Cậu Vàng” được đặt kỳ vọng rất nhiều để rồi gây thất vọng không ít. Sức sáng tạo của “Cậu Vàng” qua các tình tiết hay nhân vật mới đều thất bại. Khán giả xem xong chỉ mong được thưởng thức một sản phẩm thuần túy của nhà văn Nam Cao, còn hơn là một bộ phim có quá nhiều cái mới đầy kỳ lạ và khó chấp nhận. 

May thay, “Cậu Vàng” vẫn còn những điểm đáng khen ngợi. Yếu tố được đánh giá cao nhất đó chính là diễn xuất đồng đều của dàn diễn viên chính đình đám hai miền Bắc - Nam, như nghệ sĩ Viết Liên, nghệ sĩ Hữu Châu, nghệ sĩ Chiều Xuân, nghệ sĩ Khánh Huyền, Will, Băng Di… Hai tên tuổi kỳ cựu nghệ sĩ Viết Liên và nghệ sĩ Hữu Châu trở thành điểm sáng hiếm hoi của một bộ phim có quá nhiều sạn này. 

Kịch bản của “Cậu Vàng” được viết bởi cố NSND Bùi Cường và Trần Vũ Thủy làm đạo diễn. Phim đang chiếu trên các hệ thống rạp toàn quốc.