Khó có thể tìm thấy một người thứ hai như Đức Trí hiện nay trong đời sống âm nhạc đương đại khi vai trò nào với anh cũng khá vừa vặn, thậm chí là xuất sắc: Một nhạc sĩ, nhà soạn nhạc, ông bầu, nhà sản xuất.
Phiên bản 1: Đức Trí, đó là chưa kể nhiều linh tinh liên quan khác như nghệ sĩ biểu diễn - anh chơi được nhiều nhạc cụ như piano, guitar, trống, đàn bầu, đàn nguyệt, rồi tác giả đắc dụng hiệu quả khi viết hòa âm phối khí, viết nhạc phim, tổ chức các đêm diễn, chương trình, các show ca nhạc. Hàng loạt tên tuổi ca sĩ “qua tay” đã trở thành các ngôi sao nổi tiếng có thể kể như Hồ Quỳnh Hương, Thanh Thảo, Phương Vy, Quốc Thiên, Phạm Anh Khoa… mà đặc biệt là Hồ Ngọc Hà, showbiz mệnh danh là “Nữ hoàng giải trí” kèm theo cuộc tình nhiều dư vị trong một loạt ca khúc anh viết cho cô hát được nhiều giới thưởng thức yêu thích như Hôm nay anh đến, Đêm nghe tiếng mưa, Có bao giờ, Giấc mơ chỉ là giấc mơ, Yêu thương mong manh… cùng một số bài khác thu trong hai album “Hai bốn giờ bảy ngày’ và “Và em đã yêu”. Một cuộc tình được giới thiệu từ nhạc sĩ Huy Tuấn khi Đức Trí vừa tốt nghiệp trường nhạc nổi tiếng nhất ở Mỹ về như đã đưa thị trường âm nhạc Việt bước qua một cách nhìn khác.
Nhạc sĩ Đức Trí đang chỉ đạo ca sĩ trong một chương trình tập Duyên Dáng Việt Nam. Ngồi phía sau anh là Saxophone Xuân Hiếu (đã mất) - Ảnh: Nguyên Trương
Cố nhạc sĩ Trần Văn Khê đã từng dành những lời khen ưu ái nhất cho Đức Trí. Vì từ nhỏ anh đã tập chơi được hai nhạc cụ đàn bầu và đàn nguyệt, linh hồn của âm nhạc cổ truyền Việt. Nếu có dịp ngồi thưởng thức Đức Trí biểu diễn đàn nguyệt bài bài Dạ Cổ Hoài Lang, của nhạc của Cao Văn Lầu hát theo giọng Bắc mới thấy hết nét tài tình cổ độ, réo rắc của Từ là từ phu tướng / Báu kiếm xuất chinh lên đáng / Vào ra ngóng trông tin nhạn / Năm canh mơ màng”. Thầy Khê nói rằng đa số các nhạc sĩ hiện đại tự hào cho rằng mình có thể hiểu được giao hưởng thế giới nhưng thực sự rất ít người hiểu cặn kẽ âm nhạc truyền thống, cội nguồn tâm hồn dân tộc mình. Đức Trí có đầy đủ nhiều phiên bản dưỡng chất trần gian ấy.
*
Phiên bản 2. Có lẽ vì thế, gặp Đức Trí cực khó. Gần như con người này được lập trình trước cho mỗi công việc và mọi thứ cứ phải trình tự theo lịch mà đến. Nhưng dù nhiều show, bao giờ Đức Trí cũng dành cho chương trình Duyên Dáng Việt Nam một vị trí đặc biệt. Nếu tôi nhớ không nhầm. Anh đã nhiều lần, nhiều năm đảm nhận vai trò vị trí nhạc trưởng, chỉ huy âm nhạc, viết hòa âm phối khí cho live show. Và mỗi lần đều tạo được nét mới, sang trọng, đánh giá cao trong đồng nghiệp lẫn người thưởng thức. Chúng tôi cũng đã nhiều lần gặp nhau ở sân khấu, sân tập để chứng kiến cách làm việc rất “uy dũng” của Đức Trí khi làm việc cho các ca sĩ, nghệ sĩ. Sau mỗi chương trình, mà như cách anh nói vui là “thoát”, đều có một buổi nhà báo Nguyễn Công Khế, linh hồn của DDVN, người sáng lập thương hiệu và đau đáu duy trì, chất lượng uy tín chất lượng nghệ thuật của DDVN gần 30 năm qua đã mời tất cả anh em nghệ sĩ xuống thăm và liên hoan tại biệt thự Quế Mì ở quận 9 chúng tôi đã có nhiều trao đổi. nói chuyện bên lề với nhau. Lúc này lúc khác. Tôi cảm giác phía sau sự lặng lẽ là một bộ óc thông minh, tinh tế mà cũng không kém phần quyết liệt, tàn nhẫn khi nói về công việc, phát triển thị trường âm nhạc. Nói cách khác, Đức Trí có những suy nghĩ về nghề, về người, cách nhìn và thẩm tài năng rất khác người, độc sáng, hoàn toàn không giống ai. Đó là một nghị lực “tổng phổ” của nhiều phương diện kết hợp từ góc độ một nhà sản xuất, soạn nhạc, sáng tác qua ông bầu, tổ chức biểu diễn. Thị trường âm nhạc Việt như đã có biến động, lên xuống theo đũa chỉ huy của tâm hồn tài hoa ấy.
Nhạc sĩ Đức Trí chăm chú, trầm tư nghe tác phẩm. Quan sát anh là ca sĩ Ánh Tuyết. Hai tâm hồn chím đắm trong cái hay, cái đẹp của âm nhạc. (Ảnh: Nguyên Trương)
*
Phiên bản 3. Đức Trí nói anh luôn giữ tâm thế dao động ở trong trạng thái không ổn định để đi tìm sự ổn định. Chứ ổn định rồi thì đi tìm cái gì nữa? Chẳng lẽ lại đì cái không ổn định. Muốn làm một người ít thành công để luôn luôn cố gắng tìm đến sự thành công. Anh cười không ché giấu bí mật “Tôi không phải là người làm gì cũng thành công mà chỉ là kẻ giỏi che giấu những thất bại của mình”.
Trong sáng tác âm nhạc phải cảm xúc thật, đến và ra. Phải có sự tự nhiên, thoải mái. Chính điều này sẽ dẫn tới thành công chứ không thể nào cố gắng, gồng lên mà có tác phẩm tốt được. Ở công việc anh luôn luôn mâu thuẫn, rất ghét áp lực nhưng phải đối đầu sống trong áp lực. Vì sợ nên phải luôn luôn nhìn thấy nó. Từ nó mà ra công việc. Nhưng nhiều khi ‘căng' quá không làm việc được thì cũng nên tìm cách trốn, đào thoát ra khỏi nó cho thư giãn rồi tìm cách bất ngờ tiếp tục quay lại với công việc. Sáng tạo thường vậy.
Đức Trí phủ nhận vai trò mình là một nghệ sĩ. “Tôi nhận thấy mình nghiêng về công việc là nhiều hơn là một nghệ sĩ. Bời nghệ sĩ thì sống tự do, không cần quan tâm hay không chịu được áp lực. Bởi họ có đi lạc bao giờ đâu? Nghệ sĩ việc họ cứ đi thôi. Không cần đích đến. Trong khi tôi là người của công việc. biết vậy nên chưa bao giờ tôi nghĩ mình là một nghệ sĩ thuần túy…”.
Về công việc của ngành giải trí Việt Nam hiện nay, thực ra vẫn còn rất phù phiếm và không như mọi người vẫn nghĩ. Đức Trí khiêm tốn nói, ngay như anh chỉ có thể gọi là kinh tế đủ sống, mới là tốt chứ nói giàu thì phải còn phấn đấu, rất khó khăn. Trên sân khấu, nghệ sĩ chỉ cần một cây piano nhưng phải đánh được. Vì thế không thể chỉ giá ngàn đô mà ít nhất phải là hai đến ba ngàn. Cái giá ấy không dễ thực hiện với đời sống thu nhập hiện nay của họ trong một thị trường phân khúc chưa rõ ràng. Còn làm sản xuất như anh đang đeo đuổi thì phải luôn cập nhập, nâng cao, hay nói cách khác thay ‘đổi xoành xoạch' đồ phòng thu. phần mềm, công nghệ… mà giá đồ hiện đại cao ngất ngưỡng, không dễ chạm tới. Cảm giác như đầu ra của ngành giải trí Việt đã mở toang mọi cánh cửa nhưng đầu vào vẫn còn rất là hẹp. Bài toán khó giải như thế với người mang tham vọng sản xuất âm nhạc như anh.
Nhạc sĩ Đức Trí và ca sĩ Ánh Tuyết đang trao đổi về một tác phẩm trong giờ nghỉ giữa chương trình tập DDVN. (Ảnh: Nguyên Trương)
*
Phiên bản 4. Bản thân con người Đức Trí và công việc đầy sự mâu thuẫn. Nhưng chính đó tạo những chiều trái ngược nhau, tạo đà, xúc tác động lực. Nó nhanh như thể một điều gì đó về thị trường mình nghĩ mới đúng ngày hôm qua thì hôm nay đã thay đổi, không còn thấy đúng nữa. Mình lại thay đổi và thanh thản bước tiếp như thế.
Anh từng tuyên bố mình không thể nào viết theo đơn đặt hàng. Bao nhiêu tiền cũng không viết được, Nhưng theo tìm hiểu của tôi bài hát Ước mơ trong đời do ca sĩ Hồ Quỳnh Hương hát là một ca khúc đặt hàng cho nhạc phim. Đức Trí không phủ nhận. Anh chỉ cho biết ngay từ đầu khi đoàn phim đặt yêu cầu anh từ chối. Nhưng sau đó cảm xúc đến muộn. Và thế, do rung động thật nên vài hát đã có lời rất đẹp, chau chuốt thơ mộng “Một ngày em mơ / Bao giấc mơ tươi đẹp / Nào đâu có mấy giấc mơ / Đến như em mong chờ / Những nỗi đau vô bờ / Chờ anh đến xóa hết những đau thương / Biết anh bây giờ chắc cũng mong chờ / Thôi thì anh cứ mong chờ / Những phút vui nào / Có đến bao giờ / Yêu nhau trong mơ thế thôi…”
Bản thân người nghệ sĩ không có chân lý nào giữ mãi cả. Luôn thay đổi như cuộc sống đan xen. Đôi khi tìm thấy những giá trị đích thực trong áp lực tuôn chảy.
*
Phiên bản 5. Đức Trí là nhạc sĩ Việt Nam đầu tiên từng tu nghiệp chính quy ngành biên soạn và sản xuất Âm nhạc đương đại tại trường nhạc danh tiếng Berklee College of Music ở Boston - Mỹ. Về nước, bên cạnh công việc sáng tác, anh đi vào hoạt động sản xuất âm nhạc chuyên nghiệp với công ty giải trí Music Faces. Nhưng ít ai biết một điều khá quan trọng đối với tài năng này đó là anh được sống, hàm dưỡng, tiếp xúc với nhạc dân tộc, cổ truyền Việt Nam từ rất sớm, khi mới là cậu bé bốn, năm tuổi. Sau đó theo Nhạc viện, học nhạc bác học cổ điển, và bây giờ làm nhạc hiện đại. Anh hiểu cây đàn piano có thể giúp anh tư duy của cả một dàn nhạc. Nhưng đàn bầu Việt Nam mang cái đẹp lộng lẫy của trong giai điệu. Là sự kết tinh, bồi âm. Một kết hợp đặc biệt về vật lý. Còn đàn nguyệt, Đức Trí nhận ra có vai trò quan trọng như ông thầy giữ tiết tấu, giữ nhịp trong những bài hát, xen thức cải lương. Từ những vốn quý vô hình góp nhặt tuổi thơ ở gia đình có văn hóa, anh đã tiếp xúc với các nghệ nhân chơi đàn tài tử để học cách phiêu, phóng túng, thảo dân, điệu nghệ của họ để lưu giữ trong tâm hồn chất dân dã cao quý sau này, Khi hòa cùng âm nhạc hiện đại.
Thế mới biết tại sao giáo sư, nhạc sĩ Trần Văn Khê, người cả một đời nghiên cứu, phát huy, bảo tồn âm nhạc dân tộc, quảng bá cái hay, độc đáo của ngũ cung Việt Nam ra khắp thế giới yêu quý Đức Trí như vậy. Bởi về nguồn và giữ nguồn bao giờ cũng quan trọng cho điểm xuất phát. Nó như mỏ neo trong lòng biển cho con tàu trong nghiêng ngữa trên đầu bão táp phong tố. Để chảy cùng thế giới những cung bậc giai điệu mê đắm. Cũng là dấu ấn không đánh mất chính mình trong một nền âm nhạc công nghiệp đang tha hóa biết bao tâm hồn vì sự gào thét vô cảm…
Phác họa 5 phiên bản về một Đức Trí cũng là những cộng cảm của tôi về một tài năng âm nhạc đương đại…