Gắn kết tình thân qua chiếc bánh đoàn viên

Ngày bé, Tết Trung Thu luôn là dịp bọn trẻ con chúng mình được mua cho những chiếc lồng đèn ông sao, con cá, chiếc tàu.. xanh đỏ lấp loáng ánh nến sau lớp giấy kiếng. Các cô các chị tấp nập đi chợ, chuẩn bị làm cỗ, làm bánh cúng rằm. Những mâm cỗ được bày với bánh trái hình mặt trăng, hình đàn heo con bên heo mẹ, bánh nướng bánh dẻo thơm thơm, mâm quả có tạo hình chú chó lông xù từ quả bưởi, treo đèn kết hoa. Trong đêm rằm, mặt đất ngập tràn ánh trăng vàng, xóm làng cùng nhau tụ họp uống nước chè xanh, ăn bánh, ngắm trăng. Bọn trẻ con thì vui chơi, rước đèn, múa Lân, trông trăng, phá cỗ…

Bánh Trung Thu thể hiện sự tròn vẹn, sung túc và đoàn viên của gia đình. Bánh nướng thơm thảo với nhân thập cẩm, nhân đậu xanh,... Bánh dẻo ngọt lành nhân đậu, nhân hạt sen bùi bùi thanh thanh… 

Mình tin đây là loại bánh cần nhiều kiên nhẫn và tình yêu để làm hơn tất thảy các loại bánh khác. Trung thu năm nay mình cũng thử sức với một loại bánh dẻo tuyết lạnh cùng hai loại nhân vừa quen vừa ‘lạ’. Bánh hoàn toàn thuần chay với các nguyên liệu quen thuộc dễ tìm thấy. 

Tiết thu khoan khoái, người thân, bạn bè tụ họp, mỗi người một công đoạn, quây quần làm nên những chiếc bánh xinh ngon để chia sẻ với nhau mùa trăng này. Điều đó hẳn là sự đủ đầy nhất rồi.
 

NGUYÊN LIỆU 

CÁCH LÀM (ĐỊNH LƯỢNG KHUNG BÁNH 50G)

Trong công thức này mình sử dụng sữa hạt điều tự nấu. Tuỳ vào loại sữa sử dụng mà độ béo ngậy của vỏ bánh có thể sẽ khác, hoàn toàn có thể dùng sữa bò nếu không ăn thuần chay.

1- Rây bột và trộn đều với tất cả các nguyên liệu khác cho thật mịn. 

2- Tiếp tục rây hỗn hợp trên một lần nữa vào khuôn/khay/tô thuỷ tinh có quét sẵn một lớp dầu ăn chống dính. 

3- Bọc màng thực phẩm, chọc các lỗ khí nhỏ trên bề mặt rồi đem đi hấp trong khoảng 25-30 phút cho bột chín hoàn toàn. Mình đợi lúc nước sôi mới cho khay bột vào hấp thì sẽ chín đều và nhanh hơn.

4- Múc bột bánh ra, để nguội và nhào lại bằng tay cho đến khi có một khối bột nhuyễn mịn chắc tay, không dính quá nữa.

5- Chia khối bột làm đôi, chia tiếp mỗi khối bột với tỉ lệ ⅓ và ⅔. Trộn mỗi khối bột ⅔ với lần lượt 5g bột khoai môn tím và 5g bột trà xanh, nhào đều tay đến khi hoà quyện và có màu. 

6- Lăn 4 khối bột cho dài đều nhau rồi tết xoắn mỗi cặp bột trắng tím hoặc trắng xanh vào với nhau. Chia đều thành các viên 20g. Lưu ý không nhào 2 màu với nhau kĩ quá sẽ mất vân màu khi tạo hình bánh.

1- Khoai môn và khoai lang tím gọt vỏ, cắt miếng vừa, đem hấp hoặc luộc chín mềm, để nguội.

2- Bột bắp và bột mì trộn với nước lạnh (để ý không cho quá nhiều nước)

3- Xay nhuyễn hỗn hợp khoai cho thật sánh mịn, vét thành và đáy trong lúc khuấy tránh cháy đáy. Khuấy cho đến khi thấy nhân hơi sệt lại, hơi nước bay lên. 

4- Rót từng chút dầu ăn vào nhân, khuấy hoà quyện. Làm dần dần cho đến khi hết dầu. Tiếp tục khuấy cho sệt hơn. Sau đó đổ hỗn hợp bột vào chảo, tiếp tục khuấy. Nhân đạt là lúc thấy quyện vào thành một khối, áp ngón tay vào thấy khô và không dính. 

5- Quá trình này đòi hỏi sự tập trung và kiên nhẫn, lửa nhỏ đều, tránh ra dầu và cháy nhân hay lợn cợn bột.

6- Nhân để nguội hoàn toàn, chia viên 20g vo tròn. Bọc màng thực phẩm che khay để tránh nhân bị khô.
 

1- Trộn dừa non bào sợi với đường, cốt dừa, ngâm 30 phút cho ngấm. Cốm ngâm với nước cốt lá dứa hoặc tinh chất lá dứa. 

2- Sên dừa trên chảo với lửa nhỏ đến khi dừa chuyển hơi trong. Tiếp tục cho cốm vào đảo quyện đều lại với nhau. Khi hỗn hợp hơi khô lại, đổ từ từ dầu ăn vào và đảo đều đến lúc hoàn toàn quyện lại, khô róc lên, tạo thành khối. Quá trình sên nhân cốm sẽ nhanh hơn so với các loại nhân đậu khác.

3- Tắt bếp, để nhân nghỉ một chút cho bớt nóng. Mình dùng bột nếp rang sẵn tiếp tục nhào dần vào khối nhân đến khi thu được nhân khô đứng, không bị chảy xệ. Bọc màng thực phẩm cho nhân không bị khô, cất vào tủ mát khoảng 30 phút sẽ giúp cho việc vo viên nhân dễ dàng hơn. Mình cũng chia 20g nhân cho công thức này.

TẠO HÌNH BÁNH 

1- Chuẩn bị khoảng 50g bột nếp rang sẵn để làm lớp áo bánh.

2- Dàn viên bột vỏ bánh thành hình tròn dẹp, bọc kín lấy viên nhân. Quá trình này sẽ dễ dàng hơn khi có một bát nước cùng một ít dầu ăn ở bên cạnh để xoa tay giúp bột mịn màng hơn. Lăn viên bánh qua bột nếp rang, phủi bớt bột đi chỉ để lại lớp thật mỏng. 

3- Bỏ vào khuôn, ấn xuống tạo hình bánh. Công đoạn ấn tạo hình bánh nên chắc tay, không ấn quá nhiều lần tránh xê xích làm méo bánh.

4- Bánh có thể để tủ mát 2-3 ngày, trước khi ăn rã lạnh trước cho mềm. Kích thước bánh nhỏ nên có thể làm một công thức này cho gia đình nhiều người cùng dễ chia sẻ, thưởng thức với trà ấm sẽ rất hợp.


Bài viết: Kuma no Kitchen (Bếp của Gấu)  

Hình ảnh: Kuma no Kitchen (Bếp của Gấu)

Thiết kế: Dang.T