VĂN HÓA

Giải thưởng VNHT Nguyễn Đình Thi trao giải 'Thành tựu trọn đời' cho nhà thơ Đỗ Nam Cao

Trần Thu Hồng • 08-12-2021 • Lượt xem: 523
Giải thưởng VNHT Nguyễn Đình Thi trao giải 'Thành tựu trọn đời' cho nhà thơ Đỗ Nam Cao

Giải thưởng văn học nghệ thuật Nguyễn Đình Thi vừa trao giải "Thành tựu trọn đời" cho nhà thơ Đỗ Nam Cao (1948 - 2011). Theo nhiều nhận xét, thi phẩm "Hỡi cô cắt cỏ" của nhà thơ Đỗ Nam Cao "nổi bật với những cách tân thơ vừa dân tộc vừa hiện đại". DDVN giới thiệu bài của bà Trần Thu Hồng vợ cố thi sĩ, trước giải thưởng vinh dự này dành cho chồng bà.   

Tin và bài liên quan: 

Tháng ngày không tọa độ - Thơ Nguyễn Hữu Hồng Minh

Ruồi Nhiệt Đới - Tiểu thuyết Nguyễn Hữu Hồng Minh (Kỳ 1)

Mùi hương, Ánh sáng & Bóng tối qua bút pháp Nguyễn Hữu Hồng Minh

‘Mặt trời soi vết thương yêu’ - đêm nhạc mới của Nguyễn Hữu Hồng Minh 

Nhà văn Jesús Rodríguez Castellano giới thiệu 'Vỉa Từ' bản tiếng Tây Ban Nha

Năm nay, Giải thưởng Nguyễn Đình Thi (12.2021) về hội họa, lần đầu tiên đã được trao cho họa sĩ Bùi Hoàng Dương với những bức tranh có nhiều tìm tòi để gần với đời sống đương đại. Về văn học, Giải thưởng "Thành tựu trọn đời" được trao cho nhà thơ Đỗ Nam Cao (1948-2011) và nhà thơ Hoàng Vũ Thuật (sinh năm 1945). Đây là hai nhà thơ nổi bật với những cách tân thơ vừa dân tộc vừa hiện đại, nhất là với hai tập thơ "Hỡi cô cắt cỏ" của nhà thơ Đỗ Nam Cao và "Một mai gió chở tôi về" của nhà thơ Hoàng Vũ Thuật.

Vì điều kiện dịch dã, chấp hành việc không tập trung đông người, lễ trao Giải cho hai nhà thơ Đỗ Nam Cao và Hoàng Vũ Thuật tổ chức tại nhà nhà văn Nguyễn Đình Chính bên bờ sông Hồng với một vài bạn bè. Nhà thơ Hoàng Vũ Thuật đã 76 tuổi ở Quảng Bình không ra được có thư và phát biểu đáp từ cám ơn Ban tổ chức Giải. Vợ nhà thơ Đỗ Nam Cao, chị Trần Thu Hồng ở TPHCM không ra được nhận giải thay chồng cũng đã viết một bức thư dài rất xúc động gửi Ban tổ chức.

DDVN trân trọng giới thiệu bức thư của chị Trần Thu Hồng gửi cho Ban tổ chức giải thưởng Nguyễn Đình Thi. 

PHÁT BIỂU CỦA BÀ TRẦN THU HỒNG, VỢ NHÀ THƠ ĐỖ NAM CAO TẠI LỄ TRAO GIẢI THƯỞNG NGUYỄN ĐÌNH THI

Tôi vô cùng xúc động khi nhận được tin, nhà thơ Đỗ Nam Cao, người chồng quá cố của tôi được trao tặng giải thưởng văn học – nghệ thuật Nguyễn Đình Thi. Niềm vinh dự này đến với tôi và các con, cháu đúng dịp kỷ niệm 10 năm ngày mất nhà thơ Đỗ Nam Cao. Trong niềm xúc động sâu sắc, tôi xin chân thành cảm ơn gia đình nhà thơ, nhà văn hóa Nguyễn Đình Thi và Ban tổ chức giải đã trao cho chồng tôi giải thưởng văn học vinh dự này. Sinh thời, Đỗ Nam Cao rất yêu thích, trân quý tác phẩm và sự nghiệp, nhân cách nhà thơ Nguyễn Đình Thi. Tôi nghĩ rằng ở nơi chín suối, hương hồn chồng tôi sẽ rất vui mừng và tự hào khi được trao giải thưởng này.

Có một sự trùng hợp rất ý nghĩa là nhân ngày giỗ đầu của nhà thơ Đỗ Nam Cao (tháng 11-2012), tại Hà Nội, Hội Nhà văn Việt Nam đã tổ chức cuộc tọa đàm “Đỗ Nam Cao một con đường thơ”. Cuộc tọa đàm bàn sâu về giá trị nội dung, nghệ thuật trong thơ Đỗ Nam Cao và những cống hiến của anh cho nền thi ca cách mạng. Trong nhiều áng thơ xuất sắc anh để lại cho đời, có bóng dáng của người con gái, người phụ nữ là bạn đời của ông. Tôi thực lòng rất hạnh phúc vì điều đó. Năm nay, nhân ngày giỗ lần thứ 10 của Đỗ Nam Cao, chúng tôi lại được thay anh đón nhận giải thưởng Nguyễn Đình Thi dành cho nhà thơ Đỗ Nam Cao. Niềm xúc động, hạnh phúc được nhân lên. 10 năm đã qua, cuộc sống trải qua bao nhiêu xoay vần, biến đổi, nhưng tôi vẫn thấy như anh đang ở đây với nụ cười thường trực trên môi và mái tóc lòa xòa sau làn khói thuốc...

Nhà thơ Đỗ Nam Cao sinh ngày 8-6-1948 tại làng Mỹ Lâm, xã Liên Hòa, huyện Phú Xuyên, tỉnh Hà Tây (nay là thành phố Hà Nội). Anh tốt nghiệp khoa Ngữ văn, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội năm 1970. Sau khi tham dự lớp viết văn khóa IV của Hội Nhà văn VN, Đỗ Nam Cao cùng nhiều văn nghệ sĩ tình nguyện vượt Trường Sơn vào chiến trường miền Nam. Bước chân anh đã đặt đến những địa danh ác liệt nhất của vùng đất Nam Bộ viết về cuộc chiến đấu của quân dân ta cho đến ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng.

Tôi sinh ra ở vùng quê Điện Bàn, Quảng Nam trong một gia đình là cơ sở của cách mạng. Ba mẹ và các anh chị em tôi đều được giác ngộ tham gia cách mạng từ rất sớm. Lên 10 tuổi, tôi đã làm giao liên. Năm 13 tuổi tôi bị địch bắt, bị giam ở nhà tù Non Nước (Đà Nẵng), sau đó bị biệt giam trong “chuồng cọp” ở nhà tù Phú Tài (Quy Nhơn) rồi chuyển vào giam trong hầm cấm cố ở nhà tù Cần Thơ. Đầu năm 1973, tôi cùng các bạn tù được trao trả tự do theo Hiệp định Pa-ri. Tôi gặp anh ở sân bay Lộc Ninh. Duyên phận đã gắn kết hai chúng tôi với nhau từ đấy.

Đó là một buổi chiều mùa Xuân năm 1973. Chuyến bay chở các tù nhân từ Cần Thơ về Lộc Ninh vừa hạ cánh, lập tức hàng trăm người ùa tới. Trong số các nữ tù trở về, tôi là người trẻ nhất nên nhận được sự quan tâm đặc biệt. Tôi bối rối khi thấy rất nhiều ống kính máy ảnh, máy quay phim hướng về mình. Tôi được các nhà báo, nhà văn gặp gỡ, phỏng vấn, trong đó có nhà thơ Đỗ Nam Cao. Anh Cao đã viết một bài thơ tặng tôi, sau đó được đọc trên Đài Tiếng nói Việt Nam. Anh nói, anh rất khâm phục sự gan góc của tôi và rất yêu quý cô gái bé bỏng nơi tôi nên muốn được chăm sóc, bù đắp cho tôi.

Hồi ấy tôi có nhiều người theo đuổi nhưng Đỗ Nam Cao đã trở thành một người rất đặc biệt với tôi. Vẻ phong trần, từng trải, trái tim đa cảm, nhân hậu, lãng mạn của anh mang đến cho tôi cảm giác bình yên, tin tưởng. Sau khi trở về rừng một thời gian, Đỗ Nam Cao viết thư ngỏ lời. Tôi bối rối chẳng biết trả lời sao nên cứ im lặng.

Năm 1974, tôi cùng các chị cựu tù binh được tổ chức cho ra Bắc an dưỡng, chữa bệnh và học văn hóa. Trước khi đi, Đỗ Nam Cao nhờ một người bạn chuyển đến tặng tôi một chiếc áo ấm. Chiếc áo có 2 màu xanh, tím đan xen nhau, như là một thông điệp, màu xanh hòa bình và màu tím thủy chung.

Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, nhà thơ Đỗ Nam Cao về công tác ở Viện Văn học tại TP.Hồ Chí Minh. Cuối năm 1975, tôi trở lại miền Nam. Chúng tôi gặp lại nhau sau những tháng năm xa cách, đợi chờ. Năm 1977, chúng tôi tổ chức lễ cưới.

Chúng tôi có với nhau hai người con, một trai, một gái. Nay các cháu đều đã có gia đình riêng. Tôi đã “lên chức” bà ngoại, bà nội. Càng nghĩ càng tiếc thương và nhớ anh. Anh mất đi khi chưa kịp nhìn thấy mặt cháu nội, cháu ngoại. Sự nghiệp sáng tác còn bỏ dở. Từ khi căn nhà vắng tiếng anh, tôi thấy chông chênh. Nhiều lúc thèm cảm giác được anh nâng niu, che chở như thuở mới yêu nhau.

Trong cuộc tọa đàm “Đỗ Nam Cao một con đường thơ” năm 2012, các nhà thơ, nhà phê bình văn học đều đánh giá cao tài năng và những cống hiến của nhà thơ Đỗ Nam Cao. Bạn viết gọi anh là một tài thơ lặng lẽ, lặng lẽ như chính cuộc đời và phong cách sống của anh “Hữu xạ tự nhiên hương”. Đỗ Nam Cao lặng lẽ sống, lặng lẽ viết nhưng anh ít in thơ. Với sự nghiệp cầm bút, anh là người cầu toàn. “Rồi anh sẽ yên nằm dưới cỏ/ Thì tình yêu chưa thể đã yên nằm…”. Hai câu thơ ấy anh viết cho tôi. Anh đã yên nằm 10 năm rồi nhưng nỗi nhớ anh, tình yêu anh ở trong tôi thì mãi chưa thể yên nằm...

Một lần nữa, thay mặt nhà thơ Đỗ Nam Cao, tôi xin bày tỏ lời cảm ơn chân thành và sâu sắc tới gia đình nhà thơ, nhà văn hóa Nguyễn Đình Thi và Ban tổ chức giải đã trao cho anh giải thưởng văn học có ý nghĩa to lớn này!

Kính chúc quý vị và các bạn dồi dào sức khỏe, bình an và hạnh phúc!

-----

(*) Chú thích ảnh chính: Tác giả bài viết, bà Trần Thu Hồng bên tượng của chồng mình, Cố nhà thơ Đỗ Nam Cao. 

Trần Thu Hồng