VĂN HÓA

'Giới' liệu có đơn giản như ta tưởng?

Yellowly • 21-02-2023 • Lượt xem: 1043
'Giới' liệu có đơn giản như ta tưởng?

Sáng ngày 18/2/2023, tại Đường sách Nguyễn Văn Bình TP. HCM, đã diễn ra sự kiện “Giới rắc rối hơn ta tưởng”. Sự kiện do NXB Phụ nữ Việt Nam tổ chức, có sự tham gia của TS. Hồ Khánh Vân, Phó trưởng khoa Văn học, Đại học KHXH&NV; TS. Phạm Quốc Lộc, Hiệu trưởng Đại học Thái Bình Dương và TS. Dương Hiền Hạnh cùng đông đảo các độc giả cả lớn tuổi lẫn trẻ tuổi tham dự.

 

Sự kiện "Giới rắc rối hơn ta tưởng" diễn ra với sự tham dự của đông đảo khán giả

Những năm trở lại đây, vấn đề liên quan đến giới và giới tính rất được quan tâm và phổ biến nhiều hơn đến công chúng. Chương trình đã đề cập đến các vấn đề về giới/ giới tính, những khái niệm, diễn giải liên quan, các vấn đề về giới nói chung đang hiện diện quanh ta. Từ đó chỉ ra những vấn đề liên quan đến bình đẳng giới, nữ quyền, những rắc rối về giới trong cuộc sống đời thường, trong doanh nghiệp để cùng tranh luận và giải quyết.

Những khái niệm, quan điểm tưởng chừng như đơn giản, nhưng khi được mổ xẻ, ta sẽ thấy với mỗi nền văn hóa, mỗi lĩnh vực, mỗi góc nhìn, sẽ đưa ra các định nghĩa khác nhau. Từ đó nhận thấy rằng những chuẩn mực, định kiến mà xã hội, cộng đồng đặt ra từ trước đến nay về giới, nó không hoàn toàn chính xác. Ví dụ như “giới” và “giới tính”, chắc hẳn những người quan tâm đến vấn đề này cũng đã từng nghe qua các thuật ngữ trên. Tuy nhiên không phải ai cũng có thể hiểu đúng ý nghĩa của nó. Có thể hiểu rằng “giới” để chỉ hành vi, hành động, vai trò mà xã hội quy định là của nam giới hoặc nữ giới. “Giới tính” để chỉ những đặc điểm sinh học, sinh lý để xác định một các thể thuộc giống đực hay giống cái. 

Vấn đề liên quan đến giới và giới tính được quan tâm và phổ biến nhiều hơn mấy năm gần đây

Bên cạnh đó, khán giả tham dự cũng đã đặt ra không ít câu hỏi xoay quanh vấn đề “giới” và “bình đẳng giới”, các diễn giả với những kiến thức và kinh nghiệm trong lĩnh vực đã phần nào giúp người nghe tháo gỡ được những băn khoăn đó.

Các diễn giả đều đồng ý rằng: “Nếu để chúng ta phát triển tự do theo đúng con người chúng ta cảm nhận thì không cần định danh, định nghĩa, định tính, chúng ta là nam hay là nữ, là nam tính hay nữ tính”. Chúng ta yêu ai, chúng ta ăn mặc thế nào, đều là quyền tự do cá nhân, khi một người có biểu hiện khác biệt, thì liệu họ đang đi ngược với chuẩn mực xã hội, hay chính xã hội đã đặt ra những định kiến đó để gò ép cá nhân vào khuôn mẫu được định sẵn.

Sự kiện cũng đề cập đến những nghiên cứu, triết lý của các nhà chuyên môn, học giả nghiên cứu về giới để giúp khán giả có cái nhìn sâu hơn về vấn đề giới và giới tính. Trong đó có Judith Butler – tác giả của cuốn sách “Rắc rối giới”, đồng thời cũng là một nhà nghiên cứu giới nổi tiếng. Cuốn sách cũng được xem như một công trình nghiên cứu của bà, xuất hiện năm 1990 và đã tạo nên một cú nổ lớn dù ban đầu, nó không được kỳ vọng đến vậy. Và vào năm 2022, sau 32 năm kể từ khi cuốn sách ra đời, Việt Nam trở thành quốc gia đầu tiên ở Đông Nam Á xuất bản bản dịch công trình quan trọng này.

Cuốn sách giúp công chúng hiểu rõ hơn về các khái niệm liên quan đến "giới", "giới tính"

 Sự kiện đã mang đến nhiều thông tin bổ ích và khoa học, giúp các khái niệm về “giới” và “giới tính” được phổ cập rộng hơn đến công chúng. Đồng thời, nó cũng gợi mở các vấn đề về bình đẳng giới và nữ quyền, để công chúng sẽ là những người hành động, tiến đến một xã hội bình đẳng cho mọi giới, không chỉ riêng nam và nữ.