GIẢI TRÍ

Giọng của Édith Piaf sẽ được tái tạo để thực hiện bộ phim tiểu sử về bà

Anh Tuấn • 21-11-2023 • Lượt xem: 1141
Giọng của Édith Piaf sẽ được tái tạo để thực hiện bộ phim tiểu sử về bà

Bộ phim nói trên đang trong quá trình phát triển, thế nhưng nó đã cũng vấp phải tương đối chỉ trích, quanh việc tái tạo giọng nói của các ngôi sao thông qua trí tuệ nhân tạo (AI). Trước Piaf, bộ phim tiểu sử của vị đầu bếp danh tiếng quá cố Anthony Bourdain cũng từng chịu nhiều tranh cãi.

Theo tin của trang Variety, Warner Music Group (WMG) đã hợp tác với tập đoàn Piaf để sản xuất bộ phim phong cách hoạt hình dài tập “Edith”, nói về cuộc đời của nữ danh ca nổi tiếng người Pháp sau 60 năm từ khi mà bà qua đời. Trí tuệ nhân tạo đã được đào tạo để tái tạo giọng nói của Piaf bằng cách đưa vào hàng trăm clip thoại từ trong quá khứ. WMG hứa hẹn kết quả tái tạo sẽ “nâng cao hơn nữa tính xác thực và tác động cảm xúc trong câu chuyện của nữ danh ca vĩ đại này”.

Rất nhiều những đoạn phim mới sẽ được sử dụng để mang đến “cái nhìn hiện đại” về câu chuyện của nữ ca sĩ “La Vie en Rose”, “đồng thời thì các cảnh quay đã được lưu trữ, các buổi biểu diễn trên sân khấu và truyền hình, cảnh quay cá nhân và các cuộc phỏng vấn cũng sẽ mang đến cho khán giả cái nhìn chân thực về những khoảnh khắc quan trọng trong cuộc đời bà”.

Julie Veille, đạo diễn người Pháp của phim tài liệu về các sao lớn trước đó như Diana Ross, Sting và Stevie Wonder, đã nghĩ ra công nghệ này và cũng trực tiếp đảm nhận dự án. Cô nói trong một tuyên bố: “Khi thực hiện bộ phim, chúng tôi luôn tự hỏi: 'Nếu Édith vẫn còn ở bên chúng ta, bà ấy sẽ muốn truyền thông điệp gì đến thế hệ trẻ?' Câu chuyện của bà là một trong những thông điệp về sự kiên cường đáng kinh ngạc, vượt qua khó khăn và thách thức các chuẩn mực xã hội để đạt được sự vĩ đại – và vẫn còn rất phù hợp ngay trong hôm nay. Mục tiêu của chúng tôi là tận dụng những tiến bộ mới nhất để mang câu chuyện vượt thời gian này đến với khán giả ở mọi lứa tuổi”.

Một trong những cảnh đầu tiên về phim hoạt hình nói trên

Những người điều hành di sản của Piaf, Catherine Glavas và Christie Laume, cho biết: “Thật là một trải nghiệm đặc biệt và cảm động khi có thể nghe lại giọng nói của Édith – công nghệ khiến chúng tôi có cảm giác như đang quay lại chung một căn phòng với bà. Thông qua bộ phim này, chúng tôi có thể thể hiện khía cạnh thực sự tốt đẹp của Édith - tính cách vui vẻ, hài hước và tinh thần kiên định của bà.”

Đây không phải là lần đầu tiên một nghệ sĩ đã chết bất ngờ trở lại với vai trò người kể chuyện: vào năm 2022, giọng nói của Andy Warhol đã được tái tạo thông qua AI cho bộ phim tài liệu Netflix: “The Andy Warhol Diaries”. Các dòng nhật ký của ông đã được lồng tiếng, sau đó biến thành giọng nói bằng chương trình "AI Resemble".

Tuy vậy không phải người nào cũng đồng tình với cách làm nói trên. Một trong số đó là các tranh cãi quanh phim tài liệu "Roadrunner: A Film About Anthony Bourdain" (2021), kể về đầu bếp và nhà làm phim tài liệu quá cố Anthony Bourdain, người đã qua đời vào năm 2018. Theo đó đạo diễn Morgan Neville đã sử dụng phần mềm AI được đào tạo bằng giọng nói của Bourdain để tái tạo lại một tin nhắn thoại mà Bourdain đã gửi cho bạn của mình. Trong đó ông nói: “Cuộc sống của tôi bây giờ thật là tồi tệ. Anh thành công, tôi thành công nhưng tôi tự hỏi: Chúng ta có hạnh phúc không?"

Morgan nói rằng khán giả không nhất thiết phải nhận ra đâu là giọng nói thực, và đầu là ảo. Ông giải thích thêm: "Nếu khán giả xem phim… họ không cần biết những câu thoại nào do AI đảm nhận và đâu là câu mà Bourdain nói”. Một trong những người chỉ trích bao gồm vợ cũ của Bourdain, Ottavia, người đã tweet trên mạng xã hội X: "Tôi KHÔNG phải người nói rằng Tony sẽ hài lòng với điều đó."

Trong âm nhạc, giọng hát của John Lennon gần đây cũng được tách khỏi nhạc cụ thông qua phần mềm AI để giúp nhóm Beatles ra mắt đĩa đơn "Now and Then", bài hát cuối cùng có sự góp mặt của 4 thành viên. Paul McCartney nhấn mạnh rằng phần mềm này không được sử dụng để tạo ra màn trình diễn mới của Lennon: “Không có thứ gì mà được tạo ra một cách nhân tạo hoặc được chỉnh sửa,” ông nói. “Tất cả đều thật và chúng tôi đều góp phần mình trong bản thu đó. Chúng tôi chỉ tách những gì cần thiết từ bản ghi âm hiện có.”

Bức tượng của diva người Pháp - Edith Piaf đứng trước hội trường âm nhạc Olympia ở Paris 

Nhưng AI ngày càng được sử dụng để tạo ra những màn trình diễn hoàn toàn nguyên bản của các ca sĩ, những người có giọng hát được sử dụng để đào tạo AI, sau đó nó sẽ tạo ra bản sao chính xác – và bản thân các nghệ sĩ này thường phản đối điều đó.

Vào tháng 4 năm nay, nghệ sĩ người Canada - Drake cho biết “đây là giọt nước tràn ly” sau khi giọng hát tạo từ AI của bản thân anh bị nữ rapper đồng nghiệp Ice Spice sử dụng trong một phần trình diễn. Cũng trong tháng đó, Universal Music Group đã phàn nàn về "nội dung vi phạm được tạo bằng AI" với giọng của Drake và The Weeknd , và rút một số bài hát khỏi các dịch vụ phát trực tuyến.