Tác phẩm "Hiệu ứng điện áp" của giáo sư kinh tế học John A.List thể hiện góc nhìn đa chiều về điều kiện cần và đủ để những ý tưởng nhỏ có thể bứt tốc phát triển ở quy mô rộng hơn.
Ý tưởng bắt đầu từ “cơn đau” của người dùng
Câu hỏi quan trọng nhất đối với bất kỳ ai đang có ý định đặt cược tất cả vào ước mơ, kỳ vọng của mình là: “Tôi có thể phát triển ý tưởng của mình như thế nào, những thách thức và cơ hội khi tôi chuyển đổi quy mô kinh doanh từ nhỏ đến lớn sẽ là gì…”. Với kinh nghiệm nhiều năm nghiên cứu lĩnh vực kinh tế học, giáo sư John A. List đã đưa ra hàng loạt hướng dẫn cụ thể, giúp người đọc “gỡ rối” những ý tưởng chưa tốt và tận dụng tối đa cơ hội để phát huy những ý tưởng tuyệt vời.
"Hiệu ứng điện áp" không chỉ dành cho những độc giả quan tâm đến lĩnh vực kinh tế, mà còn hướng đến bất kỳ ai thích “vui chơi” cùng những ý tưởng mới. Tác giả cho rằng dù là nhà sáng lập, giám đốc điều hành, công nhân viên chức, nhà nghiên cứu, phụ huynh hay học sinh, sinh viên… thì mỗi chúng ta đều có thể viết ra “một bụng” ý tưởng mới, mang lại sự thay đổi tích cực trong cộng đồng.
John A. List là giáo sư ưu tú chuyên ngành kinh tế học của Kenneth C. Griffin thuộc Đại học Chicago.
Với lối viết dễ hiểu, ngắn gọn, John A. List giúp người đọc hiểu thêm về những bài học kinh doanh thực tiễn, các từ khóa trong lĩnh vực kinh tế như: dữ liệu thông tin, chi phí cơ hội, kinh tế học hành vi, văn hóa làm việc nhóm, xu hướng thế kỷ 21… Bên cạnh đó, tác phẩm còn lí giải những quyết định kinh doanh quan trọng trên thực tế như việc Disneyland có ý tưởng nên hay không khi áp dụng thu phí vào cổng ở các khu vực trò chơi, hay câu chuyện đằng sau sự thành công của Instagram với hơn 1 tỷ người dùng…
Không chỉ phân tích các trường hợp thành công, "Hiệu ứng điện áp" còn mổ xẻ cả những thất bại trong quá trình biến một ý tưởng thành bước đột phá. Đó có thể là bài học từ đầu bếp, doanh nhân nổi tiếng Jamie Oliver khi chuỗi nhà hàng của ông phải đóng cửa, McDonald’s với cú thất bại đầy “sang chảnh” khi thử nghiệm món burger phức tạp có tên – Arch Deluxe, nội tình trong việc Travis Kalanick tuyên bố từ chức CEO Uber…
Mỗi câu chuyện thành công hay thất bại được đề cập trong sách đều hé lộ hình mẫu cho những điều kiện cần và đủ nhằm giúp người đọc biết khi nào là thời điểm thích hợp để ứng dụng một ý tưởng trên quy mô lớn hoặc chỉ dừng lại ở việc phát triển trong phạm vi nhỏ. Dựa trên những nghiên cứu về tâm lý học và kinh tế học hành vi, John A. List chỉ ra rằng, một trong những yếu tố quan trọng giúp ý tưởng thành công là bạn phải hiểu rõ đối tượng và “pain point” (điểm đau) của khách hàng.
Học cách gạn lọc và dám buông bỏ những ý tưởng “khó nuốt”
Trong "Hiệu ứng điện áp", giáo sư John A.List dành hẳn một chương để chia sẻ về việc từ bỏ ước mơ hoặc lựa chọn chưa phù hợp để giành chiến thắng dài hạn. Tác giả lấy ví dụ thực tiễn từ chính câu chuyện thời trung học của mình.
Không chỉ phân tích các trường hợp thành công, "Hiệu ứng điện áp" còn mổ xẻ cả những thất bại trong quá trình biến một ý tưởng thành bước đột phá.
Thông qua những trải nghiệm của mình, John A. List cho rằng khi bạn thử sức ở bất kỳ một lĩnh vực nào cũng đều sẽ gặp khó khăn, thử thách để rồi phải đấu tranh với những hoài nghi, mệt mỏi quẩn quanh trong tâm trí. Và cũng sẽ có lúc, dù đã mãi cố gắng nhưng bạn vẫn không thể đạt được mục tiêu. Nếu công việc lựa chọn không khơi dậy được chút hứng thú hay đam mê nào trong con người bạn, liệu đó có phải là lúc để buông bỏ mọi thứ? Tác giả cho rằng trong trường hợp như thế, điều tốt nhất bạn có thể làm là từ bỏ. Đó vốn không phải là việc dễ dàng, nhưng đôi khi bạn cần phải biết cách thả đi những kỳ vọng vượt quá tầm với của bản thân.
Qua câu chuyện từ bỏ ước mơ của bản thân, khi bàn về tầm vĩ mô của việc doanh nghiệp từ bỏ một ý tưởng thiếu tính khả thi trong thực tiễn, John A. List cho rằng: Giải pháp từ bỏ tối ưu nên là một phần trong chiến lược khi mở rộng quy mô, chứ không phải là nút bấm hoảng loạn mà ta nhấn vào khi không còn lựa chọn nào khác.
Ở những chương cuối, "Hiệu ứng điện áp" còn cung cấp cho độc giả cái nhìn bao quát về văn hóa làm việc nhóm; cách trọng dụng nhân tài trong thời đại số; cách học hỏi, đánh giá và phân tích dữ liệu để nắm bắt những kiến thức mới trong mọi mặt đời sống xã hội. John A. List chia sẻ: "Bạn và tôi sẽ trải qua những trở ngại và thất bại khi phát triển ý tưởng của mình. Tuy nhiên, chúng ta đang có một cơ hội thực thụ để học hỏi từ những bước đi sai lầm và dành nặng lượng để phát triển những chương trình tiềm năng mang tới sự thay đổi trong đời sống
con người".
Dù "Hiệu ứng điện áp" là sách kinh tế có tiêu đề mang tính vật lý học, thế nhưng John A. List đã chọn góc nhìn dễ hiểu để kiến giải vấn đề theo hướng phù hợp với mọi đối tượng độc giả: những người thất bại trong việc kinh doanh, vừa mới nghỉ việc hoặc đang trong giai đoạn gap year, dù là bất cứ ai cũng đều sẽ có thêm nhiều góc nhìn để soi chiếu, chia sẻ.