Sau khi đi qua các tỉnh miền Đông Nam Bộ và đồng bằng sông Cửu Long gồm TP.HCM, Đồng Nai, Bình Phước, Tây Ninh, Long An, Tiền Giang, Trà Vinh, Sóc Trăng. “Hành trình từ Trái Tim - Hành trình Lập Chí Vĩ Đại - Khởi Nghiệp Kiến Quốc cho 30 triệu Thanh niên Việt” do Tập đoàn Trung Nguyên Legend khởi xướng lại tiếp tục đến với sinh viên tỉnh Bạc Liêu và người dân tỉnh Cà Mau vùng cực nam của tổ quốc.
Sáng ngày 18.9, đoàn Hành trình từ trái tim đã đến với trường Đại học Bạc Liêu và thư viện tỉnh Bạc Liêu để tiếp tục trao tặng hàng ngàn cuốn sách quý trong 5 đầu sách do Chủ tịch Tập đoàn Trung Nguyên Legend Đặng Lê Nguyên Vũ dày công chắt lọc gồm Nghĩ Giàu Làm Giàu, Khuyến Học, Quốc Gia Khởi Nghiệp, Đắc Nhân Tâm, Không Bao Giờ Là Thất Bại - Tất Cả Chỉ Là Thử Thách. Không chỉ tặng những cuốn sách quý mà đoàn hành trình còn có 1 buổi tọa đàm về sách và vấn đề khởi nghiệp với các bạn sinh viên nơi đây.
Dù thời tiết mưa lớn nhưng các em sinh viên cùng Ban giám hiệu đã có mặt đông đủ tại hội trường từ sớm mong được giao lưu với diễn giả của chương trình và lắng nghe những chia sẻ PGS.TS. Trần Hữu Đức về hệ thức thành công.
Buổi giao lưu diễn ra sôi nổi, nhiều sinh viên đã mạnh dạn đặt câu hỏi với chương trình. Em Trần Thùy Trang - SV Khoa Kinh Tế hỏi: “Khi mở ra một cơ sở kinh doanh nhỏ thì có được coi là khởi nghiệp không?” PGS.TS. Trần Hữu Đức giải thích: “Các bạn trẻ thường hiểu sai về 2 chữ 'khởi nghiệp' vì cho rằng phải kinh doanh hoặc phải làm chủ thì mới coi là tạo lập sự nghiệp. Thực ra chữ 'nghiệp' chính là 'nghề', là con đường mình chọn, và chữ 'khởi' là sự bắt đầu. Đi học, chọn ngành học chính là sự chuẩn bị cho sự nghiệp sau này. Tuy nhiên, kinh doanh nhỏ lẻ cũng là cách để các bạn tìm ra chính mình, khơi dậy khát vọng và tìm được năng lực lõi của bản thân. Việc đi làm chính là làm giàu thêm sự trải nghiệm của mình”.
PGS.TS. Trần Hữu Đức khuyên các bạn sinh viên: “Hãy biến những cuốn sách quý thành bạn đồng hành. Hãy đọc cuốn Nghĩ giàu làm giàu nếu thiếu ý tưởng, đọc Đắc nhân tâm để kết nối nguồn lực, còn cuốn Khuyến học rất phù hợp với các bạn sinh viên sư phạm nói riêng, giới trẻ nói chung vì sách dạy về nhân phẩm làm người, bởi nếu bạn không tạo được uy tín cho mình thì rất khó có thể thành công”.
Trả lời câu hỏi của em Phạm Thùy Linh - SV Khoa Nuôi trồng Thuỷ sản là tại sao Trung Nguyên lại chọn 5 cuốn sách này trong hàng trăm cuốn sách thì PGS.TS. Trần Hữu Đức nói: “Chủ tịch của chúng tôi rất mê sách, ông luôn chọn cho mình những cuốn sách đặc biệt. Ông có 1 tủ sách khổng lồ bởi ông cho rằng tài sản quý nhất trong đời người chính là trí tuệ, tri thức. 5 cuốn mà ông dày công chọn lọc ra từ hàng trăm đầu sách là nền tảng, là sự khởi đầu cho mọi lĩnh vực của cuộc sống”.
Em Thân Ngọc Anh - SV Khoa GD tiểu học 1 đặt vấn đề: “Làm sao để vượt qua nỗi sợ ban đầu khi khởi nghiệp”. PGS.TS. Trần Hữu Đức khuyên em nên đọc cuốn Đắc nhân tâm bởi sách chia sẻ những kinh nghiệm về sự kết nối và ảnh hưởng đến người khác, đặc biệt là những nhân vật ưu tú để cộng hưởng, phát huy thế mạnh của mình. Đó chính là nghệ thuật kết nối thông minh và thuyết phục hiệu quả các nguồn lực. Đắc nhân tâm cũng sẽ giúp bạn nhận ra ưu nhược điểm của bản thân để từ đó vượt qua được chính mình”.
Khép lại buổi giao lưu với sinh viên trường ĐH Bạc Liêu và thư viện tỉnh Bạc Liêu, chiều cùng ngày đoàn Hành trình lại tiếp tục vượt qua màn mưa trắng xóa để đến với tỉnh Cà Mau, điểm cực nam của Tổ quốc tiếp tục sứ mệnh lan tỏa tri thức và sự yêu thương với học sinh và người dân nơi đây. Đoàn chia làm 2 đội, 1 đội đến tặng sách cho các em học sinh trường THCS Vồ Dơi còn 1 đội tiến vào rừng U Minh Hạ để tặng sách cho đoàn kiểm lâm.
Để đến được với trường THCS Vồ Dơi thuộc xã Trần Hợi, Huyện Trần Văn Thời tỉnh Cà Mau, đoàn hành trình đã đi qua những con đường nhỏ gập ghềnh ổ voi ổ gà, có đoạn ngập nước và sụt lún khiến cho việc di chuyển gặp nhiều khó khăn. Sau 2 giờ vất vả di chuyển, đoàn hành trình cũng đã có mặt tại ngôi trường nhỏ này.
Đồng hành cùng chương trình chiều nay có sự tham gia của các khách mời đặc biệt gồm Hoa hậu Hương Giang, Á hậu Hoàng My, Á hậu Mâu Thủy và ca sĩ Uyên Linh. Dù đường xa nhưng các người đẹp rất vui vẻ để đến thăm các em học sinh ở vùng đất xa xôi này.
Trường THCS Vồ Dơi ở rất xa trung tâm thành phố Cà Mau nên điều kiện vật chất rất khó khăn, thiếu thốn, chưa nói đến việc học hành của các của các em nhỏ mà nguồn nước sạch ở đây rất khan hiếm. Để con em được ngày ngày đến trường đó cũng là cố gắng lớn của các bậc phụ huynh tại địa phương này.
Bước chân vào trường, đoàn hành trình đã không khỏi xúc động khi thấy ngôi trường khá đơn sơ, mỗi khối chỉ có duy nhất 1 lớp học. Tuy nhiên sự đón tiếp của thầy và trò của trường dành cho đoàn rất nồng nhiệt. Cả trường đã chuẩn bị suốt buổi trưa, các em ngồi ngay ngắn xếp hàng trên sân trường với vẻ mặt hớn hở vui tươi bởi đây là lần đầu tiên trường em có một sự kiện lớn.
Sau phần tặng sách, Hành trình đã tổ chức buổi giao lưu với các em học sinh. Các em tỏ ra rất phấn khích khi lần đầu tiên được thấy mặt các hoa hậu, á hậu, ca sĩ, những người mà các em chỉ có thể được nhìn thấy trên truyền hình.
Dù là một trường vùng sâu vùng xa, nhưng học sinh ở đây rất thông minh, tư tin đặt ra những câu hỏi thú vị cho các vị khách mời.
Em Nguyễn Thúy Sa, học sinh lớp 9 chia sẻ suy nghĩ của em về khái niệm thất bại và thành công “Theo em, thách thức thất bại là khi vấp ngã vẫn có thể đứng lên và làm lại từ đầu, bắt đầu 1 hành trình mới với sự thận trọng và khôn ngoan hơn”.
Em Trần Hoa Mai lớp 9 trình bày suy nghĩa của mình về kỹ năng sống: “Đó là sự kết nối giữa các thành viên trong gia đình, bố mẹ và thầy cô giáo, bạn bè, hàng xóm láng giềng. Khi người với người hiểu được về ứng xử và sự yêu thương thì sẽ gần nhau hơn, từ đó giải quyết dễ dàng hơn trong mọi vấn đề”. Nhận định của Hoa Mai đã khiến ban tổ chức vỗ tay không ngớt về sự chín chắn của em.
Chia sẻ với các em học sinh, Á hậu Hoàng My nói: “Chị không ngờ các em còn nhỏ mà giao lưu tốt như vậy, ngay cả khi còn ở độ tuổi này chị cũng không được tự tin như thế”.
Ca sĩ Uyên Linh lần đầu tiên tham gia chương trình cũng như lần đầu tiên được gặp gỡ các em ở đây, Uyên Linh đã chia sẻ về những khó khăn mà cô từng trải với các em học sinh: “Chị từng thi trượt 7, 8 lần các cuộc thi về âm nhạc, nhưng vì đam mê chị đã không bỏ cuộc. Mỗi lần thất bại là 1 lần có kinh nghiệm, có sự vươn lên và vượt qua được bản thân, rút cuộc chị đã đạt được thành công trên con đường lập nghiệp của mình”.
Hoa hậu Hương Giang sau khi nhận được câu hỏi của em Nguyễn Lan Anh là chị giải quyết những khó khăn của mình bằng cách nào? Hương Giang nói rằng cô sinh ra ở 1 tỉnh lẻ, khi lên thành phố học Đại học đã từng bị kỳ thị nhưng cô không mặc cảm tự ti mà thay vào đó là trau dồi tri thức, chăm học để được các bạn nhìn nhận. “Trong cuốn Khuyến học có nói trời không tạo ra ai hơn ai mà hơn nhau ở tri thức, tri thức thì có thể trau dồi và cộng thêm sự lạc quan nữa thì chúng ta luôn vượt qua được mọi khó khăn”, Hương Giang nhấn mạnh.
Em Nguyễn Thanh Quang chia sẻ mong muốn được trở thành người như Á hậu Hoàng My để được đi đây đi đó, được đứng trên sân khấu và được là người có ích cho xã hội. Em còn mong muốn thật thành công trong sự nghiệp để có tiền xây cho xã 1 ngôi trường cấp 3. Còn em Hoàng Dương được mệnh danh ca sĩ của trường xin được song ca với ca sĩ Uyên Linh khiến không khí càng trở nên sôi động.
Khi nói về sách, Á hậu Mâu Thủy khuyên các em nên đọc cuốn Không có gì là thất bại - Tất cả chỉ là thử thách để biết vươn lên trong cuộc sống. Cô cũng không ngần ngại chia sẻ những vấp váp đầu đời, những lần thất bại trong nghề người mẫu và câu chuyện vượt khó của Mâu Thủy đã khiến các em học sinh hào hứng đặt nhiều câu hỏi.
Cô giáo Đỗ Hồng Nhân chia sẻ với phóng viên: “Đây là vùng đất rất khó khăn, trồng trọt chăn nuôi nên phần lớn cha mẹ của các em học thường đi làm công nhân ở Đồng Nai, Bình Dương. Tuy hoàn cảnh rất khó khăn nhưng các em rất ham học, nhiều học sinh phải đạp xe 7-8km để đến trường, có em phải đi học từ khi trời chưa sáng và em nào cũng phải có 1 cây đèn pin để rọi đường. Sáng nay học xong 5 tiết nhưng nghe thầy cô nói có Hành trình từ trái tim đến tặng sách, các em đã nhịn ăn trưa và ở lại trường để được dự chương trình, có em biết tin từ hôm trước thì đã mượn điện thoại của cha mẹ để chụp hình lưu niệm với các người đẹp và diễn giả”.
“Những cuốn sách này cả thầy cả trò chúng tôi cùng đọc. Chắc chắn chúng tôi sẽ thâu lượm thêm nhiều kiến thức để truyền lại cho các em, mong các em lớn lên trở thành người có ích xây dựng cho quê hương”, thầy Tuấn Hà nói tại buổi giao lưu.
Kết thúc chương trình tặng sách tại trường THCS Vồ Dơi với một ấn tượng sâu đậm với các em học sinh nơi đây, đoàn Hành trình Từ Trái tim sẽ tiếp tục đến với những địa phương khác ở vùng sông nước miền Tây Nam Bộ, vùng đồng bằng sông Cửu Long. Với quãng đường hơn 2.000km trong suốt 17 ngày, đi qua 18 tỉnh thành phố: HCM, Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh, Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, Hậu Giang, Kiên Giang, An Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long, Cần Thơ.“Hành trình Từ Trái Tim” vùng sâu - vùng xa miền Đông và vùng sông rạch Đồng Bằng Sông Cửu Long là điểm tiếp nối của hành trình vùng núi cao và biển đảo đã thực hiện vào tháng 4 và tháng 6.2019.