VĂN HÓA

Hoàng Trang có hát sai lời nhạc Trịnh Công Sơn?

Mai Bá Ấn • 24-03-2020 • Lượt xem: 3040
Hoàng Trang có hát sai lời nhạc Trịnh Công Sơn?

Vừa qua, trên DDVN có giới thiệu một số video, clip về ca sĩ Hoàng Trang guitarist Nguyễn Đông biểu diễn một số ca khúc của "Da Vàng" của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn như "Ta đã thấy gì đêm nay?", "Níu tay nghìn trùng"... trong đêm sinh nhật nhà báo Nguyễn Công Khế. Những bài hát này được bạn đọc yêu thích, truy cập nhiều, độ lan tỏa cao. Chúng tôi vừa nhận được bài viết của ông Mai Bá Ấn, hiện là TS Văn học, Hội viên Hội Nhà văn VN, Chi hội trưởng Chi hội NVVN tại Quảng Ngãi, Phó Chủ tịch Hội VHNT Quảng Ngãi kiêm Tổng Biên tập Tạp chí Sông Trà, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Tài chính - Kế toán (Bộ Tài chính) trao đổi về một số câu từ trong nhạc Trịnh Công Sơn liệu có phải đang bị Hoàng Trang hát sai? Xin giới thiệu để rộng đường dư luận...

Tin, bài liên quan:

Một tiếng hát nhạc Trịnh Công Sơn mới

Hát và vẽ Trịnh Công Sơn: Khó hay dễ?

Trịnh Công Sơn, 'Cõi thực' và 19 bước chân đến vườn địa đàng

Khác với các tình khúc của Trịnh Công Sơn, dòng nhạc “phản chiến” của ông, cho đến nay rất ít những bài được chính thức công bố qua bản in. Chính vì lẽ đó, các ca sĩ và cả người bình dân hát nhạc “phản chiến” của ông đều dựa theo lời của các băng nhạc do Khánh Ly thể hiện (kể cả lời trên các trang mạng, lời karaoke…).

1. Nhân bài hát “Ta thấy gì trong đêm nay” do cô nữ sinh Hoàng Trang trình bày được giới thiệu trên Duyên Dáng Việt Nam đang trở thành một hiện tượng mới, đưa bản nhạc “hót” trở lại như thời đấu tranh của học sinh, sinh viên, Phật tử Miền Nam cách nay trên 45 năm, tôi nhận thấy, lời hát của Hoàng Trang vẫn đúng như lời hát của Khánh Ly.

Có nghĩa là, theo tôi, ngay từ đầu, ca sĩ Khánh Ly vì một lý do nào đó đã có sự lẫn lộn giữa các lời trong bài hát này. Sở dĩ, tôi nói lẫn lộn (sai lời) một vài câu trong bài hát là bởi, tôi đã thuộc lời bài hát này từ lúc còn sinh hoạt trong Gia đình Phật tử trước 1975 dù đến bây giờ, bản thân tôi cũng như mọi người không có bản nhạc gốc của Trịnh Công Sơn để đối chiếu. Nói thế, sẽ có người bảo: Vậy lời của tôi thuộc hồi nhỏ (trước 1975) là sai thì sao? Nhưng tôi mạnh dạn viết những dòng này là vì tôi tin lời hát tôi thuộc trước nay là đúng với tư duy nghệ thuật siêu việt, nhất là phần lời của Trịnh Công Sơn. Cụ thể như sau:

Hoàng Trang và Nguyễn Đông hát "Ta đã thấy gì đêm nay?" trong sinh nhật nhà báo Nguyễn Công Khế. Ông là một người bạn thân của Trịnh Công Sơn. 

“Ta thấy gì trong đêm nay” có 4 lời và 01 điệp khúc. Bài hát lưu hành hiện nay đúng như lời bài hát tôi đã thuộc, riêng lời 3 và lời 4 thì có sự lẫn lộn. Đó là: Lấy cụm từ “cờ bay trăm ngọn cờ bay” ở Lời 1 mang xuống Lời 3 (lặp lại) và lấy Lời 3 “đèn soi trăm ngọn đèn soi” mang xuống Lời 4, thiếu hẳn cụm từ “Bàn chân muôn vạn bàn chân” của Lời 4. Giải trình cho việc lẫn lộn và thiếu lời này, tôi xin minh chứng như sau:

- Lời 1: Lời bản nhạc đang lưu hành: Ta đã thấy gì trong đêm nay/ Cờ bay trăm ngọn cờ bay/ Rừng núi loan tin đến mọi miền… Lô-gic nội dung của lời này là đúng, vì Cờ bay trăm ngọn cờ bay để tiếp theo là Rừng núi loan tin đến mọi miền… Nghĩa là “Cờ bay” để “loan tin”.

- Lời 2: Lời bản nhạc đang lưu hành: Ta đã thấy gì trong đêm nay/ Bàn tay muôn vạn bàn tay/ Những ngón tay thơm nối tật nguyền… là đúng, vì Bàn tay muôn vạn bàn tay để tiếp theo là Những ngón tay thơm nối tật nguyền… Nghĩa là: “Bàn tay” đến “Những ngón tay thơm”.

- Lời 3: Lời bản nhạc đang lưu hành: Ta đã thấy gì trong đêm nay/ Cờ bay trăm ngọn cờ bay/ Đường phố hôm nay sáng rực đèn… là sai lô-gic về nội dung vì: “Cờ bay” thì không thể tiếp theo là sáng rực đèn… được. Lời đúng, theo tôi phải là: Ta đã thấy gì trong đêm nay/ Đèn soi trăm ngọn đèn soi/ Đường phố hôm nay sáng rực đèn… Nghĩa là “Đèn soi” đến “sáng rực đèn”.

- Lời 4: Lời bản nhạc đang lưu hành: Ta đã thấy gì trong đêm nay/ Đèn soi trăm ngọn đèn soi/ Mặt đất rung rinh bước triệu người… là sai lô-gic nội dung vì: “Đèn soi” thì không thể tiếp theo là bước triệu người… được. Lời đúng theo tôi phải là: Ta đã thấy gì trong đêm nay/ Bàn chân muôn vạn bàn chân/ Mặt đất rung rinh bước triệu người… Nghĩa là: “Bàn chân” đến “rung rinh bước triệu người”.

Từ những lý giải trên, chúng ta thấy rằng: Lời nhạc đang lưu hành sai ở Lời 3 và Lời 4 như đã giải thích trên. Mà với nhạc Trịnh thì sai một lời là mất đi tính nhất quán trong tư duy nghệ thuật và lô-gic nội dung của lời ca, ảnh hưởng đến cái hay của toàn bài hát. Nếu không sớm sửa chữa những sai sót này thì nhất định lời hát hiện nay sẽ tiếp tục còn được các thế hệ sau hát sai. Vì thế rất cần sự đính chính chính thức của những người có trách nhiệm.

Nhà báo Nguyễn Công Khế chụp ảnh cùng  Hoàng Trang - Nguyễn Đông, những tâm hồn trẻ làm sống lại ca khúc Trịnh Công Sơn trong tinh thần mới.

2. Nhân đây, tôi cũng xin mạo muội nêu lên ý nghĩ của tôi về một từ trong một đoạn lời bài hát “Tôi đã mất” của Trịnh Công Sơn. Đó là từ kép “Việt Nam” (tôi gạch chân) ở đoạn 2 thuộc Lời 1 của bài hát:

Tôi mất trong chiến tranh này

bao nhiêu bao nhiêu người tình

Người tình Việt Nam ôi dịu dàng,

người tình Việt Nam quá hùng anh.

Với hai từ này, tôi nghĩ, có lẽ, vào thời đó Trịnh không muốn công bố lời đúng của nó vì những lý do tế nhị của dòng nhạc “phản chiến”, và nữa là chế độ kiểm duyệt của chính quyền, nên phải dùng chung (lặp lại) Người tình Việt Nam. Còn theo tôi nghĩ, có lẽ, lời Trịnh muốn thể hiện lại là:

Người tình Miền Nam ôi dịu dàng,

người tình Miền Bắc quá hùng anh.

Xin lỗi, để phỏng đoán của tôi không phải là vô cớ, tôi xin phép lý giải đôi điều như sau: Sở dĩ tôi phỏng đoán như vậy là tôi dựa vào lô-gic về những lời hát trước đó và sau đó trong toàn bài. Mở đầu bài hát, Trịnh Công Sơn viết:

Tôi mất trong chiến tranh này

bao nhiêu bao nhiêu người tình

Người tình của tôi lớn lên trên khắp ba miền

Một ngày đạn bom giết em

người tình Việt Nam lớn lên chưa gặp một lần.

Ca sĩ trẻ Hoàng Trang (Ảnh; Duy Ngô)

Nghĩa là “người tình” ở đây là của cả “ba miền”. Nhưng nếu lấy vĩ tuyến 17 phân chia đất nước thời ấy thì chỉ còn hai miền: Nam - Bắc đứng hai đầu chiến tuyến đối địch nhau. Trong khi đó, Lời 2 tương ứng với đoạn 2 của Lời 1 nói trên, Trịnh lại viết rõ là “Miền Nam” và “Miền Bắc”. Để tiện theo dõi, tôi xin trích lại 2 lời tương ứng như sau:

Đoạn của Lời 1:

Tôi mất trong chiến tranh này

bao nhiêu bao nhiêu người tình

Người tình Việt Nam (Miền Nam) ôi dịu dàng,

người tình Việt Nam (Miền Bắc) quá hùng anh.

Đoạn của Lời 2:

 Tôi mất trong chiến tranh này

 bao nhiêu bao nhiêu hẹn hò

 Từng ngày Miền Nam dấu đạn mù

 Từng ngày Miền Bắc những đợi lo

Theo lôgic nội dung và nghệ thuật trong đầu tôi thì khi hát Người tình Miền Nam ôi dịu dàng, người tình Miền Bắc quá hùng anh chất “phản chiến” cao hơn nhiều so với lời hiện tại: Người tình Việt Nam ôi dịu dàng, người tình Việt Nam quá hùng anh...

Đây chỉ là phỏng đoán của tôi vì không có gì làm minh chứng, nếu có gì chủ quan mong bạn đọc lượng thứ và có ý kiến. Và cũng xin một nén nhang tạ lỗi cùng hương hồn nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Tất cả những điều tôi nói đây cũng chỉ xuất phát từ chỗ quá yêu dòng nhạc phản chiến của Trịnh mà thôi.

Quảng Ngãi, ngày 23/3/2020.

Mai Bá Ấn