VĂN HÓA

Hội chùa trong ký ức tuổi thơ tôi

Quyên Hà • 09-11-2020 • Lượt xem: 1927
Hội chùa trong ký ức tuổi thơ tôi

Tôi sinh ra và lớn lên ở Bắc Ninh, là tỉnh nhỏ nhất nhưng đồng thời cũng chính là tỉnh được mệnh danh có nhiều lễ hội nhất Việt Nam – hơn 300 lễ hội lớn nhỏ.

Quê ngoại tôi là làng Vạn Phúc, xã Vạn An, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh. Làng Vạn của tôi nằm ngay cạnh làng nghề làm rượu Đại Lâm vốn nổi tiếng một thời.

Làng Vạn và Đại Lâm cùng nằm một bên bờ sông. Chỉ cần bắt một chuyến đò ngang, ngay bên kia sông là Vân Hà, cũng là một làng nghề sản xuất rượu nổi tiếng. Ngay cạnh Vân Hà, lại chính là làng nghề gốm truyền thống nức danh một thời: Đại Lâm.

Tiện đây cũng cũng xin nhắc luôn, ngoài là tỉnh có nhiều lễ hội nhất cả nước, Bắc Ninh còn là tỉnh có nhiều làng nghề truyền thống nhất Việt Nam.

Nhắc đến lễ hội, chắc ai cũng sẽ nhớ ngay đến Hội Lim. Nhưng người Bắc Ninh có thể không phải ai cũng đến chảy Hội Lim, vì đơn giản, mỗi làng, mỗi Chùa đều có lễ hội riêng của mình. Đó là lý do tại sao số lượng lễ hội lại có thể lên tới con số 300.

Trong ký ức tuổi thơ tôi, tháng Giêng là tháng tuyệt vời nhất. Vì trong tháng Giêng, những đứa trẻ con chúng tôi chỉ có việc dắt tay nhau đi hết lễ hội này đến lễ hội khác.

Theo những gì tôi nhớ được, hội Thổ Hà có lẽ là lớn nhất, sau đó là hội làng Vân, hội Đại Lâm và cả hội Đình làng Vạn nữa. Cách làng Vân khoảng hơn chục cây còn có một lễ hội rất lớn mà thỉnh thoảng chúng tôi cũng được bố mẹ đưa đi – hội Chùa Bổ.

Mỗi hội Chùa thường diễn ra trong khoảng 3 – 4 ngày. Mọi hoạt động của hội thường xoay quanh một ngôi chùa hay đình làng nào đó.

Trong 3 ngày sẽ luôn có 1 ngày hội chính, đó là ngày đông vui nhất, và thường diễn ra các hoạt động dâng lễ lên Chùa và rước kiệu lễ vật đi diễu hành.

Ngày hội Chùa vốn mang ý nghĩa thu hút dân làng và phật tử xung quanh tới lễ Chùa, đóng góp lòng thành xây dựng Chùa.

Ngoài ra, đó còn là một dịp quan trọng để những người dân làng xa xứ quay về thăm làng, đoàn tụ với dân làng, với anh em.

Trong những ngày hội làng này, dân làng cũng thường mời anh em bạn bè ở làng khác tới ăn cơm, đi chảy hội, như một dịp tới thăm nhà và gặp gỡ nhau.

Vì ông bà ngoại tôi có một người con nuôi ở làng Vân, hội Chùa cũng là dịp tôi sang chơi với con của bác, là hai anh chị trạc tuổi tôi.

Trước khi chúng tôi dắt tay nhau đi trẩy Hội, ông bà, bố mẹ cô bác thường cho mỗi đứa một ít tiền, khi ấy có lẽ chỉ là vài ngàn, nhưng gộp lại cũng đủ để ăn vặt, chơi bời, mua sắm ở hội.

Các món ăn vặt xưa thật giản dị nhưng cũng thật khó quên, có thể là trứng cút luộc, bánh ngô, bánh khoai rán hay mấy chiếc kẹo bông. Đồ uồng thì không có trà sữa như bây giờ, mà chỉ là mấy lon nước ngọt đóng chai.

Cũng không như thời bây giờ, ngày xưa trẻ con chúng tôi không có máy tính, điện thoại, iPad để giải trí. Và mạng Internet chưa xuất hiện để đưa chúng tôi đi vòng quanh thế giới qua màn ảnh. Thế nên mấy trò chơi đu quay ở hội chùa mang đến cho chúng tôi một cảm giác hạnh phúc vô bờ bến.

Chúng tôi có thể lang thang ở hội cả ngày không chán, đi từ hàng quán này sang hàng quán khác. Bao giờ đi ở hội về, trên tay mỗi đứa cũng sẽ cầm một món quà lưu niệm nhỏ. Đó có thể là những chiếc vòng cổ mặt Quan Âm với dây chỉ đỏ, cũng có thể là những chiếc vòng giả cẩm thạch hoặc đá hổ phách.

Và chắc chắn hội hè nào cũng không thể thiếu những ông nặn tò he. Ôi tò he, cái hình ảnh tuổi thơ có lẽ giờ đây lũ trẻ không còn được biết.

Tò he là những hình ảnh các con vật hoặc các nhân vật trong phim ảnh như Tôn Ngộ Không, Chư Bát Giới hay Đường Tăng. Đó còn là con Rồng, con Phượng với màu sắc sặc sỡ bắt mắt. Chúng tôi có thể yêu cầu những “nghệ nhân nặn tò he” này nặn cho mình bất cứ con vật hay nhân vật nào chúng tôi thích như Đô-rê-mon hay mèo Kitty.

Chúng tôi mua tò-he vì nó đẹp, nhưng cũng không thể phủ nhận, tôi bị ngây ngất bởi cái mùi thơm như kẹo ấy. Thực ra đó là mùi cơm nếp, vì người ta nặn tò-he bằng cơm nếp trộn với màu.

Tôi yêu cái mùi thơm ngọt ngào ấy, mùi cơm nếp của tò he, mùi của những năm tháng tuổi thơ hạnh phúc.

Ngày xưa thật không giống ngày nay. Ngày xưa, tôi học cấp 1 là có thể tự do xin bà ngoại cho đi hội chùa, tự lên đò sang nhà bác ở bên kia sông và rủ nhau đi. Bởi vì ngày xưa ấy, thật quá đỗi yên bình, và cả làng này thậm chí là làng bên cạnh đều biết đứa nào là con cháu nhà ai.

Thế nên tôi cứ tự do đi, tự do về như thế.

Đến bây giờ trong nhà tôi vẫn còn lưu lại một bức ảnh tôi chụp chung với chị tôi ở Hội Chùa Bổ. Hội chùa Bổ khá xa, mà tôi không hiểu sao chúng tôi tự dắt nhau cuốc bộ lên ấy.

Rồi ở bất cứ hội Chùa nào cũng có người chụp ảnh lấy tiền. Hồi đó có ông thợ chụp ảnh ở làng biết bà tôi, vì bà tôi bán phở ngon nổi tiếng mấy làng. Ông thợ này tình cờ gặp 2 chị em tôi trên hội Chùa Bổ và chụp cho chúng tôi một kiểu ảnh.

Sau đó ông mang ảnh về tận nhà bảo bà tôi giả tiền.

Đó là một tuổi thơ tràn ngập những lễ hội. Tôi yêu thích những lễ hội vô cùng, tôi rủ tất cả anh chị em bạn bè trong xóm đi hội, lúc thì đi với người này, hôm thì đi với người khác.

Những ánh mắt trẻ thơ tò mò của chúng tôi cứ tròn xoe trước những thứ hàng hóa và trò chơi mới lạ mà người bán hàng từ tứ xứ mang tới ngôi làng yên bình của mình.

Bởi vì trẻ con thì ưa khám phá, và ngày ấy không ai được đi du lịch bây giờ, thậm chí là qua màn ảnh nhỏ cũng không. Nên những ngày hội Chùa ấy cứ như thể ô cửa sổ nhỏ cho chúng tôi nhòm ra một góc của thế giới rực rỡ của những điều mới lạ vậy.

Nhưng rồi sau khi đi mỏi chân, chúng tôi cũng trở về ngôi nhà bình yên của mình. Những đứa trẻ đi hội rồi trở về, cũng như những kẻ trưởng thành chúng tôi, ở nhà quê lên thành phố, rồi một ngày cũng trở về làng vào những ngày hội vậy.