VĂN HÓA

Hướng về Tổ quốc: Đời đời nhớ ơn Mẹ Việt Nam Anh hùng

HaoKhanh • 29-04-2025 • Lượt xem: 82
Hướng về Tổ quốc: Đời đời nhớ ơn Mẹ Việt Nam Anh hùng

Những ngày gần đây, hoà chung không khí vui mừng, phấn khởi của Lễ Kỷ niệm 50 năm Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, chúng ta cũng không thể nào quên được những đau thương, mất mát của một thời khói lửa chiến tranh đã qua. Và trong đó, vẫn hằng cảm ơn những người Mẹ Việt Nam anh hùng đã kiên cường, nhận về nỗi đau cho riêng mình để góp phần mang hòa bình cho Tổ quốc.

Tôi đã từng đọc ở đâu đó có câu ví von rằng: “Mẹ là suối nguồn bao la vô tận, là linh hồn đất nước. Mẹ sinh ra từ mảnh đất anh hùng, rồi sinh ra những người con anh hùng và sẽ lại hoá thân vào đất, vào non nước Việt Nam”. Và câu nói đó khiến tôi xúc không kiềm được nước mắt khi nhớ về những người Mẹ của dân tộc.

Hình ảnh mẹ Nguyễn Thị Thứ (Nguồn: Internet)

Mỗi người con trên mảnh đất hình chữ S này đã từng đau xót biết bao khi nghe câu chuyện về Mẹ Nguyễn Thị Thứ - Người đã gánh chịu nhiều đau thương trong hai cuộc chiến tranh của dân tộc với chín người con, hai cháu ngoại và một người con rể hi sinh. Giặc ngoại xâm đánh chiếm, bà gạt dòng nước mắt, ủng hộ động viên các con ra mặt trận chiến đấu để bảo vệ Tổ quốc. Thế rồi mỗi lần nhận giấy báo tử của con, mẹ lại nghẹn đắng khóc thầm:

“Chín bát hương, chín khúc ruột tái tê

Chín con ra đi không một đứa trở về

Giọt lệ chảy dài như dòng sông quê mẹ

Nỗi đau chất chồng cao tựa Trường Sơn”

(Trích “Người mẹ Quảng Nam”, nhạc sĩ Doãn Nho)

Hình ảnh mẹ Thứ tóc bạc phơ, ngồi bên chín ngọn nến, chín cái bát, chín đôi đũa giữa làn khói hương ngun ngút trong căn nhà nhỏ và tưởng nhớ chín người con hi sinh đã chạm đến trái tim của triệu triệu người dân trong cả nước về những mất mát không thể nào nguôi.

“Ở nước tôi, Cụ Hồ đã dạy là “Không có gì quý hơn độc lập tự do” nên cứ là người Việt Nam, trong đó có các con, các cháu tôi đều sẵn sàng chiến đấu, hy sinh để giành lấy độc lập, tự do. Nếu còn chiến tranh, các con tôi, rồi cháu tôi vẫn sẽ tiếp tục ra trận để giành độc lập, tự do, bình yên mà hôm nay chúng tôi đang hưởng”

Lời nói của mẹ Thứ khiến chúng ta vô cùng xúc động, bà là tượng đài người mẹ kiên cường, hiên ngang, bất khuất, sống mãi trong lòng mỗi người dân Việt Nam.

Hay còn đó là nỗi ám ảnh kinh hoàng, không bao giờ nguôi ngoai của Mẹ Lê Thị Nghê (tỉnh Quảng Nam). Trong chiến tranh, bị giặc truy sát, tàn phá xóm làng, bà ôm chặt đứa con mới tròn 3 tháng tuổi vào lòng theo chân mọi người đi ẩn trú. Tiếng mưa rơi, tiếng pháo rền, tiếng đạn nổ vang vọng cả đất trời. Đứa trẻ khóc vì đói vì hoảng. Sợ tiếng khóc của con kinh động đến giặc, làm nơi trú ẩn của dân làng bị phát hiện, bà cắn chặt răng để không bật ra tiếng khóc, dùng hai tay móc đất ướt lạnh chôn sống đứa con để bảo vệ dân làng. Có nỗi đau đớn nào thấu bằng nỗi đau mất đi đứa con mà chín tháng mang nặng đẻ đau. Đến cuối cuộc đời, bà vẫn ngày ngày ôm chiếc khăn từng quấn con, lang thang khắp các ngõ nhỏ để tìm mộ của đứa con nhỏ bị thất lạc. Cả cuộc đời người mẹ ấy sống trong sự đau khổ, dằn vặt, là những mất mát và hi sinh.


Hình ảnh minh họa (Internet)

Vẫn còn đâu đó những thước phim dạt dào cảm xúc, ghi lại cuộc đời đầy thăng trầm, thấm đẫm nước mắt của nhiều Bà mẹ Việt Nam Anh hùng. Trong những bản làng, có người mẹ, người chị bám trụ từng tấc đất, không quản ngày đêm vất vả, cực nhọc, vừa cày cấy, sản xuất vừa nuôi bộ đội. Trong khu vườn nhỏ là những căn hầm bí mật, mẹ đưa tin tình báo, bảo vệ chở che cho bộ đội. Bên bờ sông, mẹ vững tay chèo đưa các anh qua sông đi đánh giặc. Trong góc bếp nhỏ, mẹ lặng lẽ khóc thầm động viên chồng con yên tâm lên đường làm nhiệm vụ mà không hẹn ngày trở lại bởi mẹ vẫn biết rằng “Ngày ấy chiến tranh ác liệt, để con đi thì tôi dễ mất con nhưng giữ con lại thì mất nước, để cho hắn đi” (Trích lời Mẹ Việt Nam Anh hùng Ngô Thị Lang).

Hình ảnh minh họa (Internet)

Hay còn đâu đó những người mẹ mạnh mẽ, bất khuất dù bị giặc dùng mọi thủ đoạn từ đe doạ, uy hiếp, đánh đập dã man đến dùng lời ngon tiếng ngọt dụ dỗ nhưng vẫn kiên cường, thà hi sinh chứ không chỉ chỗ ẩn trú của bộ đội, không trở thành tay sai cho giặc. Đó là những tấm gương sáng ngời trong sự nghiệp Cách mạng để cho thế hệ sau noi theo.

Lịch sử đã khép lại, bao năm tháng đã đi qua, nhưng sự hy sinh lớn lao của những Bà mẹ Việt Nam Anh hùng vẫn còn sống mãi trong lòng thế hệ mai sau. Để chúng ta thấy được rằng: Để có nền hoà bình, độc lập, tự do như ngày hôm nay là biết bao mồ hôi, nước mắt và sương máu của thế hệ đi trước đã ngã xuống để đánh đổi. Và thế hệ sau tự nhắc nhở bản thân mình cần biết tri ân thế hệ đi trước, trân trọng và giữ gìn nền hoà bình độc lập, có trách nhiệm phấn đấu để xây dựng Tổ quốc.

Và tự đáy lòng, chúng con vẫn luôn muốn ngân nga tiếng hát, như một niềm tự hào và gửi lòng biết ơn chân thành sâu sắc đến những người Mẹ của dân tộc:

“Hát về những người mẹ Việt Nam

Hát về những người mẹ anh hùng

Đời dâng hiến giống nòi

Mẹ sống giữa gian lao

Vì đất nước hi sinh cả cuộc đời

 

Mẹ đã có ngàn đứa con, mẹ đã có cả nước non

Thoả nỗi những sầu đau tháng ngày

Và chúng con hôm nay như ùa vào lòng mẹ

Giặc tan hết ta xây quê hương

Như ý Bác một đời hằng mong để rực rỡ, rực rỡ Việt Nam

Trọn tình nước non mẹ Việt Nam anh hùng

Tự hào chúng con có mẹ Việt Nam anh hùng.”

(Trích “Mẹ Việt Nam Anh hùng", nhạc sĩ An Thuyên)


 

Tag: