VĂN HÓA

Khi những rạp hát - chiếu bóng Sài Gòn xưa giờ chỉ còn là ký ức 

Ngân Nguyễn • 28-08-2023 • Lượt xem: 1609
Khi những rạp hát - chiếu bóng Sài Gòn xưa giờ chỉ còn là ký ức 

Có thể nói các con đường ở Sài Gòn là bức tranh chứa đựng vô số ký ức đẹp và đặc biệt về một thời xa xưa. Trong số những con đường ấy, con đường Trần Hưng Đạo nổi tiếng đã trở thành thế giới của những rạp hát xưa - thời hoàng kim của điện ảnh và giải trí.

Trong hồi ức của nhiều người dân Sài Gòn, những rạp hát trên con đường Trần Hưng Đạo, Trần Phú từng là những "Thiên đường giải trí" số 1. Đây là điểm hẹn của những tâm hồn khao khát được lạc vào thế giới tưởng tượng, nơi người người tìm đến để thoát khỏi cuộc sống hối hả và tận hưởng những giây phút thư giãn đáng nhớ cùng gia đình, bạn bè. Mỗi tấm vé là một chìa khóa mở cánh cửa đưa vào thế giới kỳ diệu của loại hình nghệ thuật thứ 7 này. Tuy nhiên giờ đây nó chỉ còn là những tòa nhà trống không, hoàng kim một thời chỉ còn nằm trong ký ức của nhiều người. 

"Tôi sinh ra vào thập niên 1960, khi tôi lớn lên, những rạp hát, xi nê xưa ở Sài Gòn chỉ còn trong ký ức của nhiều người. Riêng tôi phải chứng kiến những ngày cuối cùng thoi thóp của các rạp hát, xi nê này cho tới khi chúng biến mất hoàn toàn. Đau lòng lắm!", NSƯT Xuân Quang, 62 tuổi, cựu diễn viên hát bội chia sẻ.

Điển hình nhất có thể kể đến rạp Lao Động ở số 651 Trần Hưng Đạo. Trước đây, rạp được cho thuê làm vũ trường Monaco của ông trùm khét tiếng Năm Cam một thời. Sau đó, rạp đổi chủ và cũng đổi thành trung tâm giải trí “New 651”, rồi cũng đóng cửa đến nay. Hay như rạp Nhân Dân trên đường Trần Phú, ngày xưa là rạp Hào Huê trước 1975 chuyên chiếu phim, sau 1975 trở thành nơi đóng đô của nhiều đoàn cải lương, kịch nói nổi danh. Và đến hiện tại, sau nhiều thăng trầm, rạp giờ trở thành trụ sở làm việc của Nhà hát Nghệ thuật Phương Nam. 

Như một hình ảnh sống động về quá khứ, rạp Lệ Thanh từng là biểu tượng của Sài Gòn thập niên 1970-1990, đánh dấu những khoảnh khắc vĩ đại của sân khấu cải lương. Nơi đây từng tổ chức những buổi biểu diễn cải lương huyền thoại, nơi tập trung của những ngôi sao sân khấu đình đám. Những bước nhảy, những thanh âm, những biểu cảm đã tạo nên một thế giới tưởng tượng mang đậm truyền thống văn hóa dân tộc. 

Nhưng thời gian trôi qua với nhiều biến động và rạp Lệ Thanh cũng không thể tránh khỏi việc bị “thời gian lu mờ”. Thời gian đã để lại dấu vết không thể nào tẩy xóa trên tòa nhà này. Bên ngoài, bảng hiệu đã mờ mịt, chữ mất tích nhưng bên trong, những góc sân khấu vẫn còn ẩn chứa những ký ức đáng nhớ về ánh đèn, từng câu thoại hay từng tiếng vỗ tay của khán giả. 

"Rạp Lệ Thanh A vào năm 1973 từng làm náo động khu Chợ Lớn khi danh ca Đặng Lệ Quân đến biểu diễn. Sau năm 1975 cho tới thập niên 1990, rạp là nơi đóng đô của nhiều đoàn hát cải lương nổi danh Sài Gòn, khán phòng với hơn 1.000 ghế nhưng luôn cháy vé từ lúc 10 giờ sáng vì bị phe vé chợ đen gom mua rồi bán lại với giá cao ngất ngưởng", NSƯT Xuân Quang tâm sự.

Nhìn lại những rạp hát, chiếu bóng xưa, dường như ai đi ngang nó cũng cảm nhận được nhịp thời gian và tâm hồn của một Sài Gòn xưa cũ. Nó chứa đựng tất cả kỷ niệm tươi đẹp, dấu ấn đọng mãi trong tâm hồn của khán giả cũng như những giây phút thăng hoa của người nghệ sĩ bên trong những “màn nhung vĩ đại” một thời.