Kỳ 13: Cà phê thức tỉnh nhân tình: Đẳng cấp Pháp

Người Nhật đã định hình Trà đạo thành đạo lý của dân tộc, một nghệ thuật sống được truyền tải qua việc thưởng lãm một tách trà. Trong khi đó, Việt Nam – một cường quốc cà phê nhất nhì thế giới, có hạt cà phê Robusta ngon nhất thế giới, có một bề dày lịch sử văn hóa thưởng lãm cà phê hàng trăm năm, nhưng đến nay, giá trị cà phê Việt Nam vẫn thuộc phân khúc thấp, chủ yếu xuất thô và chưa được định hình đúng vị thế vốn có của ngành, của quốc gia.

Với mong muốn đưa ngành cà phê Việt Nam lên một tầm cao mới, nâng cao giá trị cà phê không chỉ là một thức uống thông thường mà còn ở tầm mức cà phê văn hóa, cà phê nghệ thuật, cà phê tinh thần… đến cà phê triết đạo, xứng đáng với vị thế của cường quốc cà phê của thế giới - Tập đoàn Trung Nguyên Legend đã dành thời gian và tâm huyết trong nhiều năm để nghiên cứu lịch sử, văn hóa, nghệ thuật…của cà phê trong mọi lĩnh vực của đời sống để cà phê trở thành “Cà Phê Triết Đạo”.

Trong suốt hành trình sáng tạo và phát triển của Trung Nguyên Legend thì tinh thần dấn thân phụng sự cộng đồng luôn là hạt nhân xuyên suốt bằng nhiều chương trình hành động để Kiến tạo khát vọng lớn, Chí hướng lớn cho quốc gia; để xây dựng vị thế mới cho ngành cà phê Việt Nam trên bản đồ cà phê thế giới và trên Hành trình này, Trung Nguyên Legend mong muốn cùng chung tay với các nhà hoạch định sách lược quốc gia để Việt Nam sớm trở thành quốc gia hùng mạnh và ảnh hưởng toàn diện thế giới!

Người Nhật đã làm được!

Người Việt mình cũng làm được và làm tốt hơn!

Sự phát triển của xã hội cà phê góp phần tạo nên cấu hình bản tính Tây Âu, khởi xuất với vai trò “tỉnh thức nhân tình” của cà phê và hàng quán cà phê.

 “Thưởng thức và Tận hưởng” “Delectare et Prodesse” vốn là kim chỉ nam đặt nền móng cho sự định hình của “văn hóa cà phê Tây Âu lục địa” với sự phân vùng và tương tác giữa ba tố chất nổi bật là “French Class” (Đẳng cấp Pháp), “Italian Style” (Phong cách Ý) và “Viennese Spirit” (Tâm thức Viên).

“Thưởng thức” (Delectare) chủ yếu liên quan đến thuộc tính của cà phê. “Tận hưởng (Prodesse) lại cơ bản nói về “Khí quyển của cà phê” - không gian, thời gian và con người bao quanh việc uống cà phê. Trong diễn trình ấy, tính chất của thức uống không thể tách rời với sự vận hành phát triển của hàng quán cũng như tư tưởng, ước vọng của khách hàng.

“Đẳng cấp Pháp” trong lĩnh vực “Thưởng thức và Tận hưởng” cà phê khởi phát từ thế kỷ XVIII. Sau cách mạng lật đổ phong kiến 1789, Pháp trở thành ngọn hải đăng sáng chói của Tây Âu. Biểu trưng cho Pháp kể từ thời ấy là thủ đô Paris với đặc trưng là các hàng quán cà phê được nhìn nhận như những “nơi chốn của lịch sử và thời sự”.

Khởi đầu với khu Carrefour de Buci ở tả ngạn sông Seine và nhất là quần thể thuộc vườn thượng uyển Cung điện Hoàng gia (Les Jardins Du Palais Royal) là nơi chốn của những hàng quán cà phê “ngoại hạng”, nội thất hoành tráng được gọi là Mirrored Luxury Coffee (gương treo bốn mặt) để khách hàng “tự chiêm ngưỡng và phô diễn hình ảnh bản thân”! Đây cũng là thời kỳ vàng son của những hàng quán cà phê mái che lộng lẫy ngoài trời (Coffee Pavilion, Coffee Tent).

 

Đến 80 năm đầu của thế kỷ XIX là sự đăng quang của các khu đại lộ hữu ngạn sông Seine với những quán cà phê lịch thiệp, sang trọng theo kiến trúc và trang trí tân kỳ, đổi mới theo cuộc cách mạng công nghệ. Paris hưng phấn hướng về tương lai mà biểu tượng là những đại lộ rộng lớn và sáng chói, những giao tuyến được xây dựng ngay trong lòng thành phố.

Sự mở rộng của các khu đại lộ song hành với sự thịnh hành của các thành phần mới nổi trong xã hội muốn khẳng định mình cũng đã tạo điều kiện cho sự phát triển của hai thể loại quán cà phê Cà Phê Nhạc (Café Concert) và Cà Phê Kịch (Café Théatre)

 

Từ thập niên 80 của thế kỷ XIX sang đến 1914 - năm thế chiến đầu tiên bùng nổ - lại là thời kỳ hoàng kim của những quán “Cà Phê Họa” ở Montmartre, vùng cao nhất phía Bắc Paris. Montmartre được những danh họa Van Gogh, Picasso, Toulouse Lautrec, Modigliani, Pisarro… chọn làm nơi ngụ cư, tạm trú. Các họa sĩ ấy đã tự tổ chức những cuộc triển lãm tranh tại quán cà phê và dần dần biến hàng quán cà phê Montmartre thành cái nôi vang danh của nghệ thuật hội họa Tây Âu đầu thế kỷ XX.  

Từ đó, hàng quán cà phê Montmartre còn thu hút cả giới thi nhân, biến thành “trụ sở hoạt động” của các nhóm được gọi chung là các “Nhà thơ Montmartre”, tập hợp xung quanh tạp chí “Vers et Proses” (Thơ và Văn) với hai tên tuổi lừng danh là Guillaume Apollinaire và Max Jacob.

Đón đọc kỳ sau: Cà phê thức tỉnh nhân tình: Cà phê trong “Những năm tháng thét gào”