Kết nối bạn đọc

Kỳ 35: Một thời nhạc trẻ - Trường Kỳ

DDVN • 20-03-2019 • Lượt xem: 12046
Kỳ 35: Một thời nhạc trẻ - Trường Kỳ

Chương trình Đại Hội Nhạc Trẻ Taberd được khai diễn ngay sau đó. Không cách chi nhớ được thứ tự ban nào ra trước ra sau. Chỉ biết rằng sau mỗi phần trình diễn là thiên hạ vỗ tay quá trời quá đất, huýt sáo tưng bừng, ái mộ quá cỡ. Nhưng khoái cách mấy cũng chưa có màn khán giả nhẩy lên sân khấu nhảy nhót với ca sĩ hoặc ôm hoa, ôm hoét lên tặng ban nhạc như thời buổi tân tiến hiện nay. Cũng không hề có những màn vò đầu, bứt tai, gào thét hoặc nhảy cẫng lên tại chỗ như điện giật thường thấy trong những cảnh phim các “teenagers” Hoa Kỳ xem The Beatles hay Elvis Presley trình diễn.

Có những cô cậu khoái chí quá sức, hò hét loạn xạ hết cả hơi rồi té xỉu, lăn đùng ra đất để rồi được mang ra xe Cambulance” đưa đi cấp cứu. Không! Giới trẻ Việt Nam thời đó còn hiền khô, dù ái mộ cách mấy cũng chỉ vỗ tay, dậm chân hay huýt sáo là cùng. Những ai từng tham dự buổi đại hội nhạc trẻ Taberd đầu tiên này khó quên được tiếng đàn organ lả lướt của Mario Cruz qua nhạc phẩm “A Whiter Shade Of  Pale” do ban nhạc The Spotlights trình bày. Mario chắc sáng hôm đó cũng đã lén lút “xúc miệng” bằng mấy “consommations” nên chơi hay quá cỡ. Tiếng đàn không khác gì Procol Harum là ban nhạc trình bầy nhạc phẩm này. Tiếng hát của Billy Shane cũng rất lả lướt, quyện với tiếng đàn của Mario trong nhạc phẩm bất hủ đã lôi cuốn người nghe từ đầu đến cuối. Billy Shane còn được vỗ tay vang dội hơn nữa khi vừa cất tiếng mở đầu cho bản “Cara Mia” của Jay And The Americans với phần phụ họa của toàn ban The Spotlights, được coi là ban nhạc ăn mặc lịch sự nhất trong ngày đại hội. Hai người bạn thân của tôi là Mario và Billy Shane kẻ trước, người sau đã kéo nhau đi lập ban nhạc ở... cõi âm. Những dòng chữ này được coi như một sự tưởng niệm về hai người bạn quá cố. Không sao quên được những lần cụng ly đến ngất ngư với Mario, cũng như sẽ còn nhớ mãi những năm tháng ngồi cạnh Billy trong nhiều niên khóa tại Taberd, cùng nhau rủ rỉ đủ mọi chuyện liên quan đến ca hát. Màn trình diễn của Les Vampires cũng đã là một màn trình diễn rất ngoạn mục, nhất là qua tiếng đàn guitar độc đáo của Văn Thái. Đây là một trong những tay lead guitar (lúc đó thường gọi là guitar solo) kỳ cựu nhất của nhạc trẻ Việt Nam, nổi tiếng với những nhạc phẩm hòa tấu của the Shadows như: Peace Pipe, Cozy, FBI, Sleep Walk...

Elvis Phương thời kỳ ở ban nhạc Les Vampires

Đây cũng là một đệ tử thứ dữ của thần Lưu Linh. Không có hơi men là y như rằng tiếng đàn nghe rất lạc quẻ. Trước khi bước ra sân khấu hôm đó, Thái đã cuống cuồng nhờ tôi tìm hộ chai xá xị có đựng whisky của anh để uống lấy hơi trước khi ra trình diễn. Sau khi ực một vài ngụm, Văn Thái nhà ta tươi tỉnh và sung sức hẳn lên đế sau đó cùng với Les Vampires bước ra sân khấu. Elvis Phương chắc khó thể nào quên được những tiếng vỗ tay vang rền tưởng như không dứt sau khi trình bày xong nhạc phẩm “Unchained Melody” rất điệu nghệ. Chàng sếu vườn Công Thành cũng đã khiến cho thính đường Taberd muốn rung rinh với nhạc phẩm “What'd I Say” bằng sự phụ họa của ban nhạc Les Fanatiques, đa số là học sinh Taberd như: Khiêm (mang kính như Hank Marvin của The Shadows, được anh em gọi với hỗn danh là “Khiêm Đui”!), Nhiệm và Lý.

Les Faucons Noirs cũng gây sôi nổi không kém với nhạc phẩm “Smoke Gets In Your Eyes” với tiếng hát Ngọc Tâm, đã từ rất lâu không nghe nhắc nhở đến. Tiếng đàn của Ngọc Hải (hiện làm nghề “thầy cãi” ở Houston) và tài đập trống của Hiệp San (hiện ở San Jose, một trong những nhạc sĩ trong giới nhạc trẻ có nhiều tí nhau nhất: 6 mạng!) cũng đã góp phần thành công cho ban nhạc “Phao Câu Đen” tức “Les Faucons Noirs” không ít. Tôi cũng rất hồi hộp khi con gà của mình là Kim Dung được giới thiệu ra sân khấu với ban nhạc Les Daltons để trổ tài ca hát. Cả tuần trước đó, "ông bầu” là tôi ngày nào cũng phải ghé qua nhà “con gà” Kim Dung để xem tập dượt, với sự có mặt của đông đảo các bạn bè Gia Long của cô ca sĩ này đến ủng hộ tinh thần. Kim Dung không có vẻ đẹp sắc nước hương trời mà chỉ ở trên mức trung bình chút đỉnh, trái lại còn có vẻ có da, có thịt... hơi nhiều. Nhưng có tính tình rất dễ mến, cởi mở, ăn nói lưu loát và nhất là ngổ ngáo như con trai nên rất được cảm tình của mọi người.

Ngoài ra “con gà” của tôi còn là “leader của một nhóm bạn Gia Long trong club của cô, nhờ đó còn lôi kéo thêm cả đống đực rựa tới lui, lổn nhổn đầy nhà trong những lần tập dượt. Tự nhiên được cô phong cho chức “ông bầu” để dìu dắt cô trong những bước đầu nên cũng thấy khoái chí mặc dù “dìu” cô cũng không nổi, mà “dắt” cô cũng chẳng xong. Nhưng cũng làm ra vẻ ta đây, chỉ có nên làm dáng điệu ra làm sao, quẹo đầu, quẹo cổ, bước tới bước lui như thế nào trong khi trình diễn. Bố khỉ! Thế mà cũng được “con gà” nghe lời răm rắp để khi bước ra sân khấu hôm đó diễn xuất y chang với nhạc phẩm “Locomotion” bằng lời Pháp, do Sylvie Vartan trình bầy. Thiên hạ vỗ tay rầm rộ khiến cô hứng khởi làm ngay thêm bổn Est-Ce Que Tu Le Sais?” (lời Pháp của “What'D I Say”, cũng của Sylvie Vartan). Với sự thành công như vậy, ngày hôm sau “ông bầu” đã được “con gà” Kim Dung đãi đằng một chầu ăn nhậu linh đình để thưởng cho công trạng to lớn. Sau trên hai chục năm mất liên lạc, gặp lại Kim Dung ở nam California những lần gần đây đã là một niềm vui rất lớn đối với tôi cũng như những bạn bè cũ của cô, với cách cư xử chí tình không khác gì thời “yeye” choai choai.

Một nữ ca sĩ khác là Françoise Hằng, lên sân khấu với ban nhạc The Sunshine – mà tay “leader” là Võ Châu hiện trong ban điều hành đoàn Hồng Lạc cùng với bà xã Tôn Nữ Lệ Ba ở Toronto với nghề... bẻ răng thiên hạ - cũng được vỗ tay kịch liệt với mái tóc dài và cặp kính cùng với dáng dấp không khác gì Françoise Hardy qua nhạc phẩm “tủ" "Tous Les Garçons Et Les Filles”. Gặp lại Françoise Hằng cách đây 18 năm ở San Jose, chúng tôi ôn lại những kỷ niệm cũ mà trong lòng cảm thấy nao nao, nhất là khi qua đến hải ngoại cô không còn có những liên quan đến sinh hoạt văn nghệ. Tất cả chỉ ở trong giai đoạn của “một thời nhạc trẻ” khó quên.

(còn tiếp)