Kết nối bạn đọc

Kỳ 36: Một thời nhạc trẻ - Trường Kỳ

Phúc Thụy • 21-03-2019 • Lượt xem: 16566
Kỳ 36: Một thời nhạc trẻ - Trường Kỳ

Ban nhạc có tên Việt Nam duy nhất hôm đó là “Hải Âu” (trước đó dùng tên “The Seagulls”) đã mang lại một không khí mới lạ cho chương trình. Trưởng ban nhạc này không ai khác hơn là Lê Hựu Hà của ban nhạc Phượng Hoàng 6 năm sau đó. Nhạc phẩm “Hương” do Lê Hựu Hà sáng tác (cảm hứng từ tên người tình đầu đời của tay nhạc sĩ này) cũng là nhạc phẩm thuần túy Việt Nam duy nhất được trình bày hôm đó trước khán giả. Tuy mang một sắc thái mới mẻ nhưng gặp phải sự lấn át nặng nề của những nhạc phẩm ngoại quốc quen thuộc nên phần trình diễn của “Hải Âu” chỉ nhận được một sự tán thưởng ở mức trung bình.

Nhưng chỉ 6 năm sau, những bài hát nhạc trẻ có tính cách thuần túy của Việt Nam của Lê Hựu Hà và Nguyễn Trung Cang đã đánh dấu một khúc quanh quan trọng của nhạc trẻ Việt Nam với sự xuất hiện của ban nhạc Phượng Hoàng, được trình bầy bằng tiếng hát của Elvis Phương. Dù sao chăng nữa thì lần thí nghiệm đưa một sáng tác trẻ hoàn toàn Việt Nam vào một buổi trình diễn gồm toàn nhạc trẻ ngoại quốc cũng là một sự táo bạo. Sau phần trình diễn của “Hải Âu”, Lê Hựu Hà nói với tôi là đã rất hồi hộp khi đưa sáng tác của mình ra trước công chúng, gồm toàn giới trẻ yêu thích nhạc ngoại quốc. Tuy chưa “cạnh tranh” nổi với nhạc Pháp, nhạc Mỹ đang chiếm lĩnh thị trường, nhưng anh hy vọng dần dần việc làm của mình sẽ được để ý. Việc đó đã xảy ra khi ban nhạc Phượng Hoàng xuất hiện.

 

Trường Kỳ và Lê Hựu Hà tập niên 60

 

Theo dự định, sư huynh hiệu trưởng chỉ ngồi lại trong một thời gian ngắn sau khi mở màn, nhưng hình như ngài cũng bị không khí trẻ trung, vui nhộn lôi cuốn nên đến quá nửa chương trình mới đứng dậy đi ra. Trong khi những sư huynh khác vẫn nán lại cho đến phút cuối cùng trong một bầu không khí càng ngày càng gia tăng cường độ vui tươi và sống động, với sự hòa nhập của khán giả qua những màn trình diễn trên sân khấu. Không một sự hỗn độn nào xảy ra, trái lại ai ở đâu, ở yên đó, trừ khi đi... tè. Không một màn uýnh lộn, uýnh lạo hay “kên sì tin” nhau một cách dữ dội nào được ghi nhận.

 

Ngoài ban trật tự về phía học sinh, còn có những bộ áo dòng đen lừng lững đi qua, đi lại. Bố bảo cũng chẳng có anh nào dám lạng quạng. Vẻ lo lắng đã biến mất nơi sư huynh Vial, thay vào đó là một khuôn mặt tươi rói và hồ hởi khi gần đến giờ bế mạc.

 

Ban nhạc Hải Âu thời mới thành lập

 

Tôi nhìn sư huynh: “Đó, em bảo đảm mà! Có gì lộn xộn xẩy ra đâu mà frère lo”. Sư huynh Vial đáp lại: “Bon! Bon! Tốt lắm, tốt lắm. Bây giờ thì frère hết lo rồi”. Tôi được thể làm tới luôn: “Nếu vậy năm tới mình tổ chức nữa, phải không frère?”. Sư huynh vẫn còn ngần ngừ trả lời: “On verra! On verra!”. Cái sự “on verra” tức là sẽ tính sau của sư huynh Vial đã mang lại niềm hy vọng lớn lao cho chúng tôi để lo tìm kiếm một mục đích có “chính nghĩa” nào đó hầu có dịp tổ chức một Đại Hội Nhạc Trẻ khác vào năm tới. Sự huynh Vial hiện đang cư ngụ tại Úc với số tuổi đã trên dưới 80, nếu có đọc được những dòng này, xin coi như là những kỷ niệm đẹp, nhắc đến sự đóng góp của mình cho nền nhạc trẻ Việt Nam. Mặc dù khởi đầu sư huynh chỉ là nạn nhân của một sự... dụ dỗ đến từ lòng say mê ca nhạc.

 

Đại Hội Nhạc Trẻ Taberd đã gây được một tiếng vang lớn mạnh trong giới trẻ Sài Gòn, để những năm kế tiếp là 66, 67, 68 những chương trình nhạc trẻ tổ chức tại đây luôn luôn tạo được dư luận rất xôn xao nơi giới trẻ và được coi như một nơi tranh tài của các ban nhạc trẻ Việt Nam, càng ngày càng xuất hiện nhiều. Với những mục đích như “Cứu Trợ Nạn Lụt Miền Trung”, “Gây Quỹ Giúp Nạn Nhân Hỏa Hoạn”, “Cứu Trợ Nạn Nhân Chiến Cuộc”, những Đại Hội Nhạc Trẻ Taberd sau đó đã được tổ chức và dĩ nhiên luôn luôn thành công mỹ mãn. Tất cả những số tiền lời thu được đều được ban giám đốc trường trao cho các cơ quan từ thiện liên hệ để trao tận tay đồng bào nạn nhân. Bọn chúng tôi do đó đã có ý thức được những việc làm hữu ích để không phải do lòng ham vui thúc đẩy mới bắt tay vào việc tổ chức, mà thật sự đã thông cảm được với hoàn cảnh khó khăn của những người kém may mắn.

 

Những ban nhạc hay ca sĩ những năm sau đó – mà một số đông đã bắt đầu bước qua giai đoạn nhà nghề bằng cách đi show cho các clubs Mỹ – đều tỏ ra rất có thiện chí đóng góp vào những mục đích từ thiện này. Chơi ở Club Mỹ dĩ nhiên là phải nói chuyện phải quấy về tiền bạc. Ông bầu nào keo kiệt, bóc lột mà hay... thiếu nợ là không có được. Phải đâu ra đó, nếu không ta sẽ ca bài “ò e con ma uýnh đu” là phải sợ ngay. Nhưng với Đại Hội Nhạc Trẻ Taberd thì nhất định vấn đề tiền bạc không bao giờ được đặt ra, ngay cả đối với những bạn nổi tiếng mè nheo về phương diện này nhất. Ý thức của những ban nhạc thời đó đáng được coi là một điểm son đỏ chót cho nhạc trẻ Việt Nam. Dĩ nhiên không thể chối là có sự ham vui trong việc nhận lời hoặc có dịp để tranh tài hay “nổ” lia lịa với bà con cô bác, nhưng chắc chắn không phải chỉ vì vậy mà các ban nhac và ca sĩ nhận lời trình diễn trong khi phải từ chối show với những món tiền rủng rỉnh để có mặt “chùa” tại thính đường Taberd. Tuy nhiên sức chứa của thính đường của trường có giới hạn nên không sao đáp ứng được với số lượng khán giả quá sức đông đảo, trong số có những người đến từ xa như Đà Nẵng, Đà Lạt, Nha Trang... để tham dự hàng năm.

 

Trước sự kiện đó, ban giám đốc sau nhiều lần bàn thảo đã đi đến quyết định ngưng tổ chức trong thính đường một thời gian để tìm một giải pháp. Hơn nữa, tình trang chiến tranh càng ngày càng leo thang, nên ban giám đốc trường không muốn thấy có những hình ảnh có vẻ như vui chơi, đàn đúm, ca hát ỏm tỏm thường thấy qua những buổi tố chức nên đã đi đến quyết định như vậy.

(Còn tiếp)