Người Nhật đã định hình Trà đạo thành đạo lý của dân tộc, một nghệ thuật sống được truyền tải qua việc thưởng lãm một tách trà. Trong khi đó, Việt Nam – một cường quốc cà phê nhất nhì thế giới, có hạt cà phê Robusta ngon nhất thế giới, có một bề dày lịch sử văn hóa thưởng lãm cà phê hàng trăm năm, nhưng đến nay, giá trị cà phê Việt Nam vẫn thuộc phân khúc thấp, chủ yếu xuất thô và chưa được định hình đúng vị thế vốn có của ngành, của quốc gia. Với mong muốn đưa ngành cà phê Việt Nam lên một tầm cao mới, nâng cao giá trị cà phê không chỉ là một thức uống thông thường mà còn ở tầm mức cà phê văn hóa, cà phê nghệ thuật, cà phê tinh thần… đến cà phê triết đạo, xứng đáng với vị thế của cường quốc cà phê của thế giới - Tập đoàn Trung Nguyên Legend đã dành thời gian và tâm huyết trong nhiều năm để nghiên cứu lịch sử, văn hóa, nghệ thuật…của cà phê trong mọi lĩnh vực của đời sống để cà phê trở thành “Cà Phê Triết Đạo”. Trong suốt hành trình sáng tạo và phát triển của Trung Nguyên Legend thì tinh thần dấn thân phụng sự cộng đồng luôn là hạt nhân xuyên suốt bằng nhiều chương trình hành động để Kiến tạo khát vọng lớn, Chí hướng lớn cho quốc gia; để xây dựng vị thế mới cho ngành cà phê Việt Nam trên bản đồ cà phê thế giới và trên Hành trình này, Trung Nguyên Legend mong muốn cùng chung tay với các nhà hoạch định sách lược quốc gia để Việt Nam sớm trở thành quốc gia hùng mạnh và ảnh hưởng toàn diện thế giới! Người Nhật đã làm được! Người Việt mình cũng làm được và làm tốt hơn! |
Trong lịch sử, cà phê đã được coi là chất xúc tác để tạo ra hầu hết các phát minh, sáng chế, đồng thời là loại hàng hóa làm thay đổi toàn bộ cục diện nền kinh tế các quốc gia. Và ngày nay, cà phê thực sự đã được xem là nguồn năng lượng của bộ não, là máu của nền kinh tế trí thức, kinh tế sáng tạo của các xã hội.
Vai trò của Châu Á trong lịch sử cà phê
Năm 1616, người Hà Lan lúc này đang thống trị thương mại hàng hải khắp thế giới, họ mang được một cây cà phê từ Eden (thành phố cảng của Yemen) về trồng ở Ceylon (Sri Lanka). Tuy nhiên, do điều kiện thổ nhưỡng và khí hậu không phù hợp, họ thất bại trong cuộc thử nghiệm đầu tiên. Sau đó, người Hà Lan tiếp tục mang hạt cà phê quý giá trồng tại quần đảo Java-Indonesia. Cây cà phê phát triển tốt và mở rộng canh tác đến Sumatra, Celebes, Timor, Bali. Sản lượng cà phê từ châu Á giúp cho đế chế Hà Lan kiểm soát phần lớn nguồn cung cà phê toàn cầu trong thế kỷ 17.
Chinh phục và làm thay đổi châu Âu
Du nhập vào châu Âu từ thế kỷ 17, thức uống đặc biệt của vùng Ả Rập gặp phải sự lên án mạnh mẽ của giáo sĩ Kito. Giáo hoàng Clement VIII đã nếm thử thức uống của người Hồi giáo và thốt lên “Tại sao cái thức uống của quỷ Satan này lại quá tuyệt vời như vậy, thật là đáng tiếc nếu để cho những kẻ vô đạo được độc quyền sử dụng nó”. Tiếp đó, Giáo hoàng thực hiện nghi thức rửa tội và tuyên bố cà phê là thức uống của Cơ đốc giáo.
Người Châu Âu nhanh chóng khám phá ra lợi ích về mặt xã hội cũng như năng lượng giúp tinh thần tỉnh táo, sáng tạo của cà phê. Quán cà phê đầu tiên được mở ở Venice (Ý) vào năm 1645 đánh dấu cho sự bùng nổ của cà phê trên lục địa Châu Âu.
Băng Đại Tây Dương tiến vào Châu Mỹ
Năm 1714, cây cà phê được người Hà Lan dùng làm quà ngoại giao tặng vua Louis XIV của Pháp và được Pháp trồng trong Vườn Bách thảo Hoàng gia Paris. Một thuyền trưởng của Hải quân Pháp đóng quân ở Martinique tình cờ đến thăm Paris. Vị thuyền trưởng đã mang cây cà phê giống đến vùng biển Caribbean, nơi có điều kiện trồng cà phê lý tưởng. Trải qua vô số thách thức: cướp biển, bão tố, khí hậu vùng xích đạo… trên hành trình vượt đại tây dương, cuối cùng cây cà phê đã bám rễ trên đất Martinique, chính thức được canh tác trên lãnh thổ Trung và Nam Mỹ.
* Đón đọc kỳ sau: Con người cà phê