Kết nối bạn đọc

Kỳ 40: Một thời nhạc trẻ - Trường Kỳ

DDVN • 25-03-2019 • Lượt xem: 14917
Kỳ 40: Một thời nhạc trẻ - Trường Kỳ

Tôi có tên bạn thân học cùng lớp từ những năm tiểu học cho đến hết trung học ở Taberd, nổi tiếng là... dâm. Hắn là chuyên gia sưu tầm những chuyện bị coi là cấm kỵ và những hình ảnh cùng “dâm thư” bị kết án là xâm phạm thuần phong mỹ tục nặng nề. Bất kỳ chuyện gì hắn cũng có thể lái qua những chuyện bí ẩn nơi phòng the, khiến anh em trong lớp rất khoái chí khi được nghe hắn kể chuyện, sau đó cùng nhau cười lên hô hố. Đầu óc hắn lúc nào cũng bị ám ảnh bởi “cái sự đời”, bởi những chuyện mây mưa, trăng gió; do đó luôn nuôi mộng trở thành một bác sĩ chuyên về... sản khoa!

Cuối cùng hắn cũng đạt được giấc mộng thành bác sĩ - hiện đang hành nghề ở Florida - nhưng tiếc là không chuyên về cái ngành như hắn mong muốn. Tên này bầy ra một trò được gọi là thi đua “cử tạ”. Quả tạ đây là những quyển sách dày cộm, đặt trên đùi và sau đó dùng... sức bật ở giữa nâng lên cho nhúc nhích. Những tên ngồi gần rất khoái chí tham dự màn thi đua này để biểu dương lực lượng. Hắn luôn luôn đoạt chức vô địch, với kỳ công là dùng nội lực làm nhúc nhích được cả quyển tự điển Larousse dầy cộm. Với trò “cử tạ” theo sáng kiến của tên bạn này, các thầy hay sư huynh phụ trách lớp cũng chịu thua vì không tài nào khám phá nổi. Cái tên “Đ. Mấp” của hắn từ đó đi vào lịch sử. Tuy có “năng khiếu” dâm tà từ khi còn nhóc, nhưng hắn lại là một tay nhát gái không ai bằng. Cho đến năm cuối trung học, hắn vẫn cứ cô đơn.

 

Xích lô đầu năm 1940 có thiết kế, hình dáng khác với xích lô sau này

 

Những sự thèm muốn bình thường của lớp tuổi thanh niên sung mãn đều được hắn tẩn mẩn giải quyết... một mình – thời buổi tân tiến gọi là “self serve” – lấy cớ là khỏi sợ bị bệnh hoạn, mặc dù mặt mày hắn có nhiều hôm thấy xanh lè, tuy thân xác hắn là một đống thịt kếch xù, núng nính những mỡ là mỡ. Hắn đúng là nạn nhân của chính... năm ngón tay của mình vì đã lạm dụng một cách quá cỡ. Sau ba mươi mấy năm, chẳng hiểu bây giờ “Đ.Mập” còn đủ nội lực để làm nhúc nhích nổi vài tờ toa thuốc hay không?

 

Xe Triporteur hiệu Peugeot năm 1950 tại Pháp trước khi chế tác lại làm xe xích lô máy

 

Vào hai năm cuối của bậc trung học thì cái món phim “con heo” – thường được gọi cho thanh nhã hơn là phim 8 ly – được anh em ta chiếu cố triệt để. Những cuốn phim đã có chiều tơi tả sau khi đã bị đứt và ráp nối nhiều lần, lúc chiếu lên thì hình ảnh đã bị nhạt nhòa, mờ ảo như “la valse dans l'ombre”. Nhưng thây kệ, cũng phải ráng giương mắt thao láo lên để coi, miễn là có cảnh ông tây bà đầm “vật lộn” với nhau huỳnh huỵch. Thời đó những phim 8 ly toàn là phim câm chưa có mầu mè gì cả. Tiếng động chẳng có gì ngoài tiếng máy quay phim chạy tạch tạch, xè xè, lâu lâu đến pha gay cấn lại đứt phim mới chán mớ đời, để trơ ra cái màn ảnh sáng trưng vô duyên hết sức. Nhưng lúc đó, nếu lắng nghe, ta sẽ thấy có nhiều tiếng nuốt nước miếng ừng ực tiếc rẻ, hoặc nhìn thấy những bộ mặt nghệch ra, thộn và “bư” vô cùng. Sau vài phút để “chuyên viên” dán đoạn phim bị đứt, ta lại tiếp tục chương trình để sau khi vãn tuồng, ít có anh nào dám đứng dậy ngay, hoặc có thì cũng đi lom khom, không giống ai hết sốt cả!

 

Xích lô máy thập niên 1950

 

Vì tò mò và muốn làm “dân chơi”, tôi đã nhờ một tên bạn dẫn đi tìm hiểu cái sự đời xem sao. Nhưng cái lần đầu tiên đó coi như... hỏng kiểu vì thiếu kinh nghiệm chiến trường, đạn dược đã sử dụng tùm lum trước khi chạm trán với địch quân. Sau đó cũng hơi ớn lạnh khi được nghe nói về những căn bệnh ghê gớm như “cù định, thiên pháo”, tim la, giang mai, hột xoài, ghê thấy mồ... Nghe hăm dọa nên hãi quá chừng. Chẳng may dính vào, chắc là khó còn đường dám mò về với gia đình. Cứ tưởng tượng đến cảnh phải đi... “thông nòng” ở bệnh viện Hoa Liễu là đủ nổi da gà. Nghe kể các cô y tá ở đây rất mạnh tay đối với các bệnh nhân nhóc tì chẳng may “dính trấu”. Các cô tỉnh bơ, cứ thắng cảnh thụt tới, thụt lui khiến bệnh nhân từng chập rú lên “hai tiếng kêu cha, ba tiếng kêu chó”: “Chaaa! Chaaa! chậc, chậc, chậc!” rất não nùng và ai oán.

 

Xe xích lô tại Sài Gòn 1961

 

Tên nào có điều kiện hơn thì nhờ mấy thầy chích thuốc dạo cho vài phát Penicilline vào mông đít thì thoát được cảnh rên la thảm thiết này. May mắn chưa phải vào bệnh viện Hoa Liễu bao giờ, nhưng thỉnh thoảng chúng tôi vẫn có mặt bên cạnh xe mà rất nổi tiếng của một chú Ba, ngay bên cạnh tường của cái bệnh viện cũng rất nối tiếng này, từ đó xe mì được đặt tên là mì Hoa Liễu luôn cho tiện. Những sợi mì dòn, điểm một vài miếng thịt mỏng dính với nước lèo nóng bỏng, rưới lên một chút tép mỡ, kèm theo vài cọng hẹ và một lá sà lách sao mà ngon quên chết, chả cần biết đến hàng tỷ con vi trùng ở phía sau bức tường sơn mầu vàng hoen ố, cỏ dại mọc tùm lum với mùi xú uế xông lên mỗi khi trời nắng gắt. Thế mà ta cứ xực tô mì Hoa Liễu một cách ngon lành, đu đưa trên chiếc ghế xọc xà, xọc xạch một cách tỉnh bơ.

 

Thập niên 60, xe lam xuất hiện thay thế xích lô

 

Đến khi đua đòi các “anh lớp lớn” hay những anh sinh viên đi trước chỉ giáo thì anh em ta sắm... “áo mưa” đồng loạt để khi đi hành quân được an toàn. Các địa danh như Ngã Ba Chú Úa, Ngã Năm Chuồng Chó, Thành Cổ Loa... hay tên các nhân vật như Chị Năm, Chị Tình... bắt đầu được nhắc nhở đến với một vẻ thành thạo, ra vẻ ta đây lão luyện trong nghề để “nổ” với anh em; nhưng thật tình vẫn còn rét khi theo chân các đàn anh xuống xóm gọi là để... xả xui. Thú thật, tôi chỉ lai vãng đến những nơi này vài phùa để từng được nghe em Lan ca vọng cổ trong khi hành nghề bằng cách cứ nằm trơ ra, gác tay lên trán tỉnh bơ ca sáu câu mùi mẫn để mặc tình quân ta thao túng. Lại còn bị em Liễu hối như giặc, khiến ta cuống quít cả lên. Lại còn em Tuyết vừa hành nghề, vừa ca nhạc tình “hổng phải tại em, mà hổng phải tại anh, tại trời xui khiến nên hai đứa mình...”. Cũng may là trời không xui khiến cho tôi bị cảnh sát bố ráp, tống lên xe cây một lần nào như những thằng bạn có số phận hẩm hiu khác.

 

(còn tiếp)