Người Nhật đã định hình Trà đạo thành đạo lý của dân tộc, một nghệ thuật sống được truyền tải qua việc thưởng lãm một tách trà. Trong khi đó, Việt Nam – một cường quốc cà phê nhất nhì thế giới, có hạt cà phê Robusta ngon nhất thế giới, có một bề dày lịch sử văn hóa thưởng lãm cà phê hàng trăm năm, nhưng đến nay, giá trị cà phê Việt Nam vẫn thuộc phân khúc thấp, chủ yếu xuất thô và chưa được định hình đúng vị thế vốn có của ngành, của quốc gia. Với mong muốn đưa ngành cà phê Việt Nam lên một tầm cao mới, nâng cao giá trị cà phê không chỉ là một thức uống thông thường mà còn ở tầm mức cà phê văn hóa, cà phê nghệ thuật, cà phê tinh thần… đến cà phê triết đạo, xứng đáng với vị thế của cường quốc cà phê của thế giới - Tập đoàn Trung Nguyên Legend đã dành thời gian và tâm huyết trong nhiều năm để nghiên cứu lịch sử, văn hóa, nghệ thuật… của cà phê trong mọi lĩnh vực đời sống nhân loại để cà phê trở thành “Cà Phê Triết Đạo”. Trong suốt hành trình sáng tạo và phát triển của Trung Nguyên Legend thì tinh thần dấn thân phụng sự cộng đồng luôn là hạt nhân xuyên suốt bằng nhiều chương trình hành động để Kiến tạo khát vọng lớn, Chí hướng lớn cho quốc gia; để xây dựng vị thế mới cho ngành cà phê Việt Nam trên bản đồ cà phê thế giới và trên Hành trình này, Trung Nguyên Legend mong muốn cùng chung tay với các nhà hoạch định sách lược quốc gia để Việt Nam sớm trở thành quốc gia hùng mạnh và ảnh hưởng toàn diện thế giới! Người Nhật đã làm được! Người Việt mình cũng làm được và làm tốt hơn! |
Trong tiến trình phát triển khoa học, đã có sự liên hệ mật thiết giữa động năng sáng tạo của cà phê và hàng quán cà phê với khát vọng khám phá tri thức mới.
Hàng quán cà phê – khởi sự cuộc cách mạng khoa học
Trong thế kỷ 17, châu Âu trải qua một loạt thay đổi nhận thức về vai trò của khoa học đối với tự nhiên, bác bỏ các lý thuyết chưa được chứng minh, khát khao hiểu biết các quy luật vũ trụ dựa trên thực nghiệm. Những tiến bộ về tri thức dẫn đến một làn sóng nghiên cứu trên mọi lĩnh vực, tạo nên bước ngoặt lớn trong sự phát triển của xã hội. Lịch sử châu Âu gọi làn sóng này là cuộc cách mạng khoa học.
Giai đoạn đầu, những nhà khoa học tiên phong cho rằng trường đại học chỉ truyền tải kiến thức mang tính kinh viện, giáo điều. Tư tưởng độc đoán này cản trở sự thăng hoa tri thức. Vì thế cần có một hình thức tổ chức mới, nơi mọi người có thể thảo luận về tiến bộ khoa học, thúc đẩy nghiên cứu và tìm kiếm tri thức. Thời kỳ này, cà phê đã chính thức được biết đến tại Anh thông qua ghi chép của những nhà thám hiểm, nhà truyền giáo và các thương gia từng đến “phương Đông”. Năm 1623, Francis Bacon (1561 - 1626) cha đẻ của Chủ nghĩa Kinh nghiệm đã mô tả về cà phê trong cuốn Historia Vitae et Mortis: “Thức uống này làm não và tim dễ chịu, tinh thần trở nên mạnh mẽ”. Năm 1650, quán cà phê đầu tiên được thành lập tại Oxford và ngay sau đó là London.
Tại Anh, cho đến giữa thế kỷ 17, người dân vẫn say sưa trong quán bia, khi quán cà phê xuất hiện đã kích hoạt “bình minh của sự khai sáng”. Cà phê phát huy sự sáng tạo của trí năng, thăng hoa trí tuệ, thức tỉnh con người nhằm kiến tạo cuộc sống mới. Hàng quán cà phê đã được thiết lập như trung tâm nghiên cứu và học thuật, thu hút nhóm những nhà khoa học, trí thức có cùng chí hướng gặp gỡ, đọc tin tức cũng như học hỏi và tranh luận với nhau. Quán cà phê cung ứng một hình thức học tập mới, không độc đoán. Những người đến quán cà phê có tư tưởng cấp tiến và xu hướng chiết trung. Trong một xã hội còn đặt nặng giai cấp và địa vị kinh tế, quán cà phê là nơi duy nhất mà tất cả mọi người thuộc mọi giai cấp, chỉ cần có 1 xu để mua một ly cà phê đều có thể đến và tham gia vào những buổi chia sẻ tri thức.
Cà phê và hàng quán cà phê được tôn vinh như năng lượng khởi sự cho cuộc cách mạng khoa học còn bởi vai trò của quán cà phê trong sự hình thành các học viện và hiệp hội khoa học – xương sống của quá trình trưởng thành các ngành khoa học. Tại quán cà phê, nhiều nhóm học giả, nhà nghiên cứu đã định hình và phát triển các học thuyết nền tảng cho khoa học hiện đại thông qua việc cùng phân tích, thí nghiệm thực tiễn. Slaughter's Coffee nổi tiếng là trung tâm nghiên cứu toán học. Các triết gia thuộc câu lạc bộ Rota chia sẻ vấn đề chính trị và triết học tại quán cà phê Turk's Head. Nhà hóa học Peter Staehl tổ chức những buổi giảng dạy chuyên môn tại quán cà phê Tillyard's Coffee. Quán Button's Coffee là nơi William Whiston và Francis Hauksbee sử dụng như phòng thí nghiệm cơ khí, thủy tĩnh, khí nén, quang học,…
Cộng đồng các học giả này là cơ sở thành lập những hiệp hội khoa học chuyên ngành. Hội Hoàng Gia London (Royal Society, tiền thân Viện Hàn lâm Khoa học Vương quốc Anh) được phát triển từ nhóm các triết gia tự nhiên thường xuyên sinh hoạt tại câu lạc bộ cà phê Oxford. Hội Hoàng Gia London quy tụ các nhà khoa học, trí thức tinh hoa bao gồm nhà khoa học Hans Sloane, nhà thiên văn học Edmund Halley, nhà vật lý Isaac Newton, cha đẻ thuyết tiến hóa - Charles Darwin… Trước khi trở thành nhà khoa học vĩ đại, họ đơn thuần là những sinh viên tò mò khám phá các hiện tượng tự nhiên, nhiệt tình tham gia những buổi thí nghiệm trong quán cà phê.
William Shipley cũng đã thành lập Hiệp hội Nghệ thuật Hoàng gia vào năm 1754 tại Rawthmell’s Coffeen. Hội triết học Cambridge, Hội các nghiên cứu sinh St Andrews,… cũng được thành lập từ những quán cà phê quanh các trường đại học. Thành viên các Hội khoa học hoạt động theo hướng khám phá và tích hợp tất cả các loại nghiên cứu khoa học vào một hệ thống mạch lạc để thúc đẩy sự phát triển các ý tưởng mới. Các nghiên cứu thực nghiệm từ thiên văn, vật lý, giải phẫu học, khoa học thần kinh, sinh học, hóa học, đến kỹ thuật và toán học,… đã góp phần đáng kể trong việc mở rộng hiểu biết thế giới.
Isaac Newton và tác phẩm “Nguyên tắc toán học trong vạn vật học”
Isaac Newton (1642 - 1727) được công nhận là nhà bác học vĩ đại của mọi thời đại, có ảnh hưởng chủ chốt trong cuộc cách mạng khoa học. Ông được bầu làm chủ tịch của Hiệp hội Hoàng gia vào năm 1703 và thường cùng cộng sự của mình tổ chức thí nghiệm đối chứng ngay trên bàn cà phê. Những cuộc tranh luận diễn ra rất sôi nổi, các lý thuyết mới đua nhau ra đời.
Với trí tuệ sáng tạo và khả năng quan sát, tổng hợp đặc biệt, Isaac Newton đã có nhiều phát minh dựa trên nền tảng công trình của các nhà khoa học tiền bối. Phép vi tích phân là một cột mốc trong lịch sử toán học được xây dựng dựa trên công trình quan trọng trước đó của các nhà toán học Pierre de Fermat, Isaac Barrow, René Descartes, Christiaan Huygens, Blaise Pascal và John Wallis. Định luật chuyển động đặt cơ sở lý luận cho lực học kinh điển bắt nguồn từ định luật quán tính của Galileo Galilei và định luật về chuyển động của Giohanes Kepler. Ngoài ra, thông qua hoạt động thí nghiệm phân tích liên tục, Isaac Newton đã khám phá ra quang phổ, đóng một vai trò quan trọng trong sự phát triển vật lý và thiên văn học.
Thành tựu khiến tên tuổi ông trở thành bất tử chính là tác phẩm vĩ đại “Nguyên tắc toán học trong vạn vật học - Philosophiae Naturalis Principa Mathematica”. Các nhà khoa học cùng thời nỗ lực khám phá những bí mật lớn nhất của vũ trụ. Nhiều tranh luận diễn ra theo các chiều hướng đối trọng lẫn nhau. Nhà thiên văn học Edmund Halley thuyết phục Isaac Newton viết bộ sách khai triển bí ẩn vũ trụ thành lý thuyết toán học. Isaac Newton đã viết liên tục trong 18 tháng để hoàn thành bộ sách được đánh giá là công trình nền tảng quan trọng nhất cho vật lý của mọi thời đại.
“Nguyên tắc toán học trong vạn vật học” giải đáp sự chuyển động của các vật thể, định nghĩa về không gian tuyệt đối, thời gian tuyệt đối, luận bàn về hệ thống vũ trụ,... Sự thấu đạt vật lý học của Newton chính là đã hợp nhất triết học tự nhiên, suy luận thực nghiệm vào phương pháp khoa học của thời kỳ hiện đại, giải thích được quy luật vận hành của vũ trụ theo những định lý toán học. Nhà thiên văn học Pierre-Simon Laplace cho rằng: “Nguyên tắc toán học trong vạn vật học đã đạt đến giới hạn cao nhất mà khoa học vật lý có thể đạt tới, là kiệt tác vượt trên mọi sản phẩm của trí tuệ loài người”. Ludwig Eduard Boltzmann - nhà khoa học vật lý toán học hiện đại gọi cuốn sách là “tác phẩm đầu tiên và vĩ đại nhất về môn vật lý lý thuyết”.
Các nghiên cứu về sự chuyển động của Isaac Newton là cơ sở thúc đẩy sự phát triển của máy móc, ảnh hưởng đáng kể đến sự phát triển cách mạng công nghiệp. “Nguyên tắc toán học trong vạn vật học” còn có giá trị ở mặt tư tưởng triết học. Triết gia John Locke cho rằng trí tuệ con người cũng có thể lý giải theo phương cách nhất quán với động lực học của Newton. Kết quả, John Locke đưa ra lý thuyết về nhận thức luận. Và thậm chí, Freestyleons – một nhóm những nhà trí thức có niềm tin vào chân lý của Đấng tối cao đã thực hiện một số nghi thức tinh thần mô phỏng theo triết lý của “Nguyên tắc toán học trong vạn vật học”.
“Nguyên tắc toán học trong vạn vật học” - tác phẩm kinh điển nổi tiếng nhất của Isaac Newton - đã được Nhà sáng lập, Chủ Tịch Tập đoàn Trung Nguyên Legend Đặng Lê Nguyên Vũ tâm huyết cẩn trọng tuyển chọn để tạo lập nên Tủ sách Nền Tảng Đổi Đời. Tủ sách gồm hơn 100 cuốn sách thuộc 12 lĩnh vực căn cốt nhất của nhân loại nhằm xây dựng trí huệ và sự minh triết toàn diện, góp phần kiến tạo nên một dân tộc hình mẫu, dẫn dắt tinh thần toàn diện cho quốc gia và đi tới sự giàu có toàn diện về thể chất, vật chất, tinh thần.
Thành tựu khoa học đã đóng vai trò không nhỏ trong tiến bộ văn minh loài người. Giúp con người có thêm hiểu biết sâu rộng về bản chất sự vận hành của vũ trụ, và thực tế cũng là nền tảng tri thức mới, sáng tạo mới làm giàu đời sống tinh thần, vật chất, thể chất. Trong tiến trình phát triển khoa học, cà phê và hàng quán cà phê đã đóng vai trò đặc biệt, là năng lượng thúc đẩy con người khao khát khám phá tri thức mới, đồng thời sáng tạo kiện toàn thế giới của chính mình. Nhìn từ giác độ ấy, dễ thấy vì sao cà phê được vinh danh là năng lượng của những cuộc cách mạng tri thức sáng tạo như cách mạng khoa học, phong trào khai sáng, cách mạng công nghiệp… Steven Johnson, một nhà khoa học hiện đại cũng đã khẳng định: “Cà phê là chất xúc tác thiết yếu cho cách mạng khoa học và kỷ nguyên khai sáng”.
Đón đọc kỳ sau: Cà phê và tinh thần cải cách tự do cấp tiến của Sydney Smith