Kết nối bạn đọc

Kỳ 64: Một thời nhạc trẻ - Trường Kỳ

DDVN • 18-04-2019 • Lượt xem: 12123
Kỳ 64: Một thời nhạc trẻ - Trường Kỳ

Hình như tôi không có số làm bầu show cho các club Mỹ vì không có khả năng chia chác, tính toán tiền bạc. Hơn nữa lại có tính cả nể “sao cũng được, chịu thiệt một tí cũng chả chết ai. Việc gì rồi cũng xong!” nên sau một vài lần dắt díu ban nhạc đi trình diễn đó đây, tôi quyết định giải nghệ. Thế mà cũng bị mang tiếng thân Mỹ như một tạp chí trong nước, xuất bản cách đây vài năm cho rằng tôi là người của tòa đại sứ Mỹ với lý do quen biết nhiều với Mỹ.

Trong tạp chí “Văn Hóa Nghệ Thuật”, qua bài “Phạm Duy Muốn Về Nước Để Làm Gì”, tác giả Nguyễn Phong đã viết một đoạn nguyên văn như sau: “Trường Kỳ và Nan Lộc là người Việt Nam một trăm phần trăm. Thế mà chúng có ăn tập hóa trang thành hai chú Mỹ con hoàn toàn, đứng làm trung gian coi thầu 100 ban nhạc trẻ kia, phục vụ cho công tác tâm lý chiến của Trần Văn Trung và tòa đại sứ Mỹ”. Oan tôi quá ông Nguyễn Phong ơi! Với tướng Trần Văn Trung, tôi mới chỉ bắt tay ông một, hai lần trong những Đại Hội Nhạc Trẻ có mục đích gây quỹ giúp Cây Mùa Xuân Chiến Sĩ. Bây giờ gặp lại ông chắc tôi cũng sẽ chẳng nhận ra, ngay cả bà Trung và cô con gái xinh đẹp của ông bà trạc tuổi tôi vào thời đó cũng vậy.

 

Với tòa đại sứ Mỹ thì chưa bao giờ bước qua ngưỡng cửa, mặc dù thường đi ngang qua. Phải chỉ là người của tòa đại sứ Mỹ thật, hoặc nói trắng ra là người của CIA, tôi đã không phải lặn lội vượt biển một mình, bỏ lại vợ con để bảo lãnh qua sau, lênh đênh trên một chiếc tàu nhỏ xíu, tả tơi vì bão táp trong suốt 12 ngày trời trước khi được chiếc tàu của Tô Cách Lan (may không phải là tầu Mỹ vì rất có thể là CIA cho người ra đón sau khi lè phè 4 niên làm... công nhân viên của Công Ty Xây Lắp số 2 tận bên Thanh Đa!) là chiếc tầu thứ 35, sau khi đã có tới 34 chiếc ngoảnh mặt làm ngơ – vớt và đưa đến xứ sở của... sushi và sashimi là Nhật Bản. Như phần đông người khác, tôi làm đơn xin đi Mỹ và được chấp nhận ngay, nhưng sau khi suy nghĩ hai, ba đêm liên tiếp, tôi đã xin hủy bỏ vì sợ sang Mỹ sẽ dễ bị... hư trong lúc xa vợ, xa con để làm đơn xin đi cái xứ lạnh lẽo này để bị “ngấm” tới hơn một năm mới được “khăn gói quả mướp” sang Montréal.

 

Nếu là người của “Xia” thì không đến nỗi như cái mền rách, viết lách vớ vẩn sống qua ngày, tìm vui trong giới nghệ sĩ. Mới đây cũng tại mấy người anh em bàn tay lông lá mà một chi tiết về tôi bị nêu lên một cách không đúng sự thật. Trong tạp chí “Thế Kỷ 21”, xuất bản vào tháng 9 năm 2000, trong loạt bài biên khảo “Công Cuộc Nghiên Cứu Việt Sử Tại Bắc Mỹ”, tác giả Trần Anh Tuấn - khi nhắc đến bộ “Tuyển Tập Nghệ Sĩ” do tôi thực hiện với những lời phê bình chính xác và thẳng thắn - cũng cho là “ông thường tổ chức những buổi trình diễn nhạc trẻ tại các công viên Sài Gòn, các vũ trường, và nhất là tại các câu lạc bộ của quân đội đồng minh tại Việt Nam. Nhờ những liên hệ với Mỹ như thế, ông đã có cơ hội vượt thoát Sài Gòn trước khi tướng Dương Văn Minh đầu hàng vô điều kiện quân Cộng Sản Bắc Việt ngày 30 tháng 04 năm 75 (Thế Kỷ 21, số 137, tháng 09 năm 2000, trang 91).

 

Thế là lại thêm một lần nữa mang tiếng thân Mỹ! Thật sự tôi chỉ quen biết một cách thân thiết duy nhất với một người bạn Mỹ xấp xỉ tuổi tôi vào năm 68 tên David Mann, đã qua đời từ mười mấy năm nay. David Mann là một người mê nhạc trẻ một cách kinh khủng và được coi như là người đầu tiên phổ biến loại nhạc Psychedelic vào Việt Nam bằng cách mua dùm những đĩa nhạc loại này cho nhiều ban nhạc trẻ Việt Nam tập dượt. Anh cũng là bạn thân với Elvis Phương, Đức Huy và rất nhiều ca sĩ và ban nhạc khác. Cũng trong năm 68, tôi quen biết thêm một anh mẽo khác tên là... Hoàng. Tôi chẳng biết tên thật hắn ra sao, từ khi biết người khác gọi hắn là Hoàng, tôi cũng gọi như vậy chẳng hề thắc mắc. Có vẻ anh Mẽo này là “Xịa” thật vì có nhiều hành tung bí ẩn và nhất là nói tiếng Việt như cháo nên anh em – sau một thời gian giao tiếp – có vẻ nghi ngờ nên dần dần xa lánh vì thật sự chẳng có ai cảm tình với CIA.

(Còn tiếp)