Kết nối bạn đọc

Kỳ 65: Một thời nhạc trẻ - Trường Kỳ

DDVN • 19-04-2019 • Lượt xem: 10177
Kỳ 65: Một thời nhạc trẻ - Trường Kỳ

Đúng hẹn với Jo Marcel, hơn một tuần lễ sau khi tổ chức buổi "Teen A Go Go” đầu tiên ở Watusi Club, tôi đóng bộ và phóng Chiếc xe Suzuki đỏ lên gặp Jo Marcel tại khách sạn Catinat là nơi anh mới về cư ngụ để tiện việc khai thác vũ trường “Chez Jo Marcel”, ở tầng trệt khách sạn quay mặt ra đường Nguyễn Huệ. Căn phòng Jo ở tách biệt hẳn với những phòng khác, có thể đi vào cửa sau trên đường Tự Do cho gần, thay vì vào cửa chính, phải đi băng ngang qua hồ tắm Catinat, là một hồ tắm một thời được dân chơi chiếu cố nhiệt liệt.

Jo tiếp tôi rất vui vẻ và cởi mở với điều thuốc là Bastos xanh phì phèo trên môi. Đặc biệt nhất là anh cởi trần trùng trục trong căn phòng máy lạnh kín mít với chiếc “sì líp” tồng ngà tồng ngồng rất tự nhiên. Sau này tôi mới biết đó là thói quen của anh và cũng trở thành thói quen của... tôi sau đó, khi dọn về ở cùng với anh tại căn phòng này. Nếp sống của tôi bắt đầu được coi là bụi đời một thời gian sau, để liên tục cư ngụ tại một số khách sạn cho đến ngày lấy vợ!

 

Jo dẫn tôi xuống vũ trường “Chez Jo Marcel” của anh cho tôi xem xét địa thế tình hình. Anh hoa chân múa tay nói liên tu bất tận, ra chiều thích thú khi được làm ông chủ con, tự mình khai thác, không còn phải ở trong cảnh đi hát thuê, hát mướn tại “La Galère” hay “Baccara” như trước. Khỏi còn bị ràng buộc với giao kèo gì hết ráo. Vào thời đó, Jo được coi như người chủ vũ trường trẻ tuổi nhất. Jo đề nghị với tôi thế này: Sẽ trả lương cho tôi một số tiền được coi là hậu hĩnh và để tôi cư ngụ chung tại căn phòng rộng lớn trong Hotel Catinat cùng với anh và người em ruột tên Vũ Ngọc Hướng. Tôi còn được đặc quyền có thể uống bia rượu thả cửa trong những giờ thực hiện chương trình nhạc trẻ hàng tuần. Ngoài ra, trong “chương trình ca nhạc Jo Marcel” tổ chức hàng đêm ở “Chez Jo Marcel” tôi có quyền làm 3 “consommations” Martel là loại cognac tôi ưa thích.

 

Lối vào vũ trường Chez Jo Marcel từ đường Catinat

 

Về phần tôi, chỉ có việc mời ban nhạc trình diễn vào mỗi trưa thứ bẩy và chủ nhật kiêm luôn phần giới thiệu chương trình. Tiền thù lao của ban nhạc, ca sĩ sẽ do ông em Hướng của Jo phụ trách. Lại còn có thể dẫn đào địch hay một vài tên bạn vào... chùa một cách tự nhiên và thoải mái như người nhà. Điều kiện coi bộ thơm quá sức, nhưng chả lẽ nhận lời ngay sẽ không... có giá, nên tôi hẹn sẽ trả lời Jo sau khi suy đi nghĩ lại cho có vẻ là dân làm ăn. Thật sự trong bụng đã sướng tít thò lò khi nghe Jo đưa ra những lời đề nghị hấp dẫn như thế.

 

Một lần nữa, đầu óc tưởng tượng của tôi tha hồ làm việc với những cảnh huy hoàng hiện ra trước mắt. Nào là tha hồ làm oai với ban nhạc, ca sĩ; tha hồ vung vít với những chị đào “teenagers” mơn mởn. Ôi sao khoái quá đi thôi. Bề gì cũng là một thứ “manager” chứ đâu phải dỡn. Một tháng lương như Jo đề nghị rất là hấp dẫn với số tuổi 21 của tôi thời đó, lại còn có thêm vụ “bonus” bạo ở Hotel, rượu chè mí chỉ thì còn gì sung sướng bằng. Ngôi trường Luật trở thành phai nhạt trước khung cảnh những buổi “matinée” diễn ra trong tương lai nơi địa điểm xinh xắn với sức chứa chỉ trên 100 người này, Mỹ có những nơi trình diễn nhạc trẻ nổi tiếng như Fillmore East và West, Tây có Golf Drouot thu hút được biết bao tây con, đầm con, Anh có Cayern là nơi The Beatles trình diễn thì tại sao dân Mít ta lại không có được một nơi trình diễn nhạc trẻ tương tự như vậy? Thế là tôi thêm hứng chỉ với đủ mọi sự vẽ vời đẹp đẽ. Tiếng nói qua micro của các giáo sư Luật sao so sánh được với tiếng hát hò của những giọng ca nhạc trẻ. Chồng sách dầy cộm kia sao thú vị cho bằng những tập nhạc với những bài ca đặc sắc. Sự lựa chọn do đó chẳng có gì là khó khăn, nan giải.

 

Nhưng vấn đề nặng ký nhất là làm thế nào “thoát ly” khỏi gia đình, khỏi căn nhà quen thuộc trên đường Da Bà Bầu một cách thuận buồm xuôi gió để đi theo tiếng gọi của đàn ca, hát xướng. Phải chi tôi là một người bị gia đình ghét bỏ, ruồng rẫy thì sự ra đi là một điều bình thường vì lý do bất mãn. Hoặc vì gặp cảnh gia đình quá nghèo khó, túng quần thì sự tách rời những người thân để bôn ba kiếm tiền là một điều dễ hiểu. Nhưng đàng này tôi lại là một cậu ấm, một “quý tử được cưng chiều hết mức trong một nếp sống của một gia đình trung lưu thì việc đi “bụi đời” chẳng hề có một lý do chính đáng, ngoài một sự ham vui và thích nổi của tuổi trẻ. Bà nội tôi sẽ buồn lắm khi trong nhà thiếu bóng thằng cháu đã lớn tồng ngồng, nhưng tối ngày “bắt địa” và nã tiền bà đi du hí những khi sạch túi. Bố tôi chắc không đến nỗi buồn bã, ngoài một sự ngạc nhiên to tổ bố khi biết được quyết định của cậu quý tử bốc đồng, bất kể trời trăng. Vì sao ông cũng đã và đang từng là một đấng dân chơi hào hoa, từng đi đây đi đó. Dĩ nhiên và chắc chắn ông sẽ thòng thêm một câu khuyên nhủ “phải cố chăm chỉ học hành”, ráng lết cho xong cái bằng cử nhân luật.

( còn tiếp)