Kết nối bạn đọc

Kỳ 68: Một thời nhạc trẻ - Trường Kỳ

DDVN • 22-04-2019 • Lượt xem: 11700
Kỳ 68: Một thời nhạc trẻ - Trường Kỳ

Trở lại với những ngày đầu tiên khi bắt đầu cuộc sống Hippy với Jo Marcel tại Hotel Catinat, cuộc đời tôi thật sự đi vào một khúc quanh mới khi được hơn 21 tuổi vào cuối năm 67. Ngoài việc tiếp tục viết cho một số báo như Kịch Ảnh, Màn Ảnh, Thứ Tư Tuần San, Tinh Hoa... mà tôi coi như một nghề kiếm tiền từ năm 64, giờ đây còn có thêm một nghề khác là thực hiện chương trình nhạc trẻ “Hippies À GoGo” tại vũ trường “Chez Jo Marcel”.

 

Với nghề viết báo, tôi đã được các đàn anh khuyên nên gia nhập vào những hiệp hội, nghiệp đoàn ký giả cho oai. Nhưng lúc đó còn cảm thấy mình còn nhóc tì nên đã nhất định không nhận lời, mặt khác tôi không hề thích bị gò bó với những nội quy, điều lệ rắc rối nên cho đến năm 75, tôi vẫn là một anh viết báo lè phè và độc lập nên được các đàn anh đặt cho danh hiệu “ký giả Hippy”, sau đó khi tôi bắt đầu để râu tóc dài thoòng thì được đàn anh Sức Voi (tức ký giả Trần Quân) của báo Bút Thép đổi là “Vua Hippy”. Thế là tôi chết tên từ đó, cùng với hỗn danh là “Vua Nhạc Trẻ”, do những bài viết bênh vực hết ga cho loại nhạc được gọi là kích động này. Trong những lần bênh vực cho nhạc trẻ, một vài lần đã đưa đến một cuộc “bút chiến” với mấy đàn anh không hề có cảm tình với loại nhạc mà họ cho là giựt gân và mất gốc. Trong số đó cuộc “bút chiến” với đàn anh ký giả Tô Ngọc có vẻ sôi nổi nhất. Dĩ nhiên là đàn anh sỉ vả hết lời, và ngược lại tôi cũng ra sức bênh vực nhạc trẻ hết cỡ. Tôi không còn nhớ kết quả của cuộc bút chiến này như thế nào, nhưng có điều chắc chắn là ai cũng cho mình là... có lý và ôm lấy cái lý của mình chằm chặp.

 

 

Những ngày đầu với nếp sống người lớn ở Hotel giữa trung tâm thành phố phồn hoa đô hội, tôi cảm thấy... nhớ nhà quá sức, mặc dù có thể phóng về thăm bất cứ lúc nào. Nhớ khu chợ Da Bà Bầu, nhớ tiếng “Đắc Kỷ Ho Gà” sù sụ mỗi buổi trưa nóng hừng hực, nhớ tô phở Tầu Bay, nhớ nhà thờ Bắc Hà mặc dù thường tìm cách trốn lễ. Nhưng tôi có cảm tưởng như mình là một người đi lập nghiệp ở xa nên ở trong tình trạng... xa quê hương nhớ bà nội quá chừng, nhớ ông bố, nhớ những bà cô ông chú và những nhỏ em họ đã cùng tôi chia sẻ nhiều kỷ niệm nơi ngôi nhà thân yêu này.

 

 Trước khi chính thức cộng tác với Jo, được tôi ấn định vào đầu năm 68 – tôi quyết định dành thời gian để giang hồ một phát trước khi tự coi là bị bó chân, bó tay với công việc tổ chức hàng tuần. Đúng lúc đó, ban nhạc The Spotlights nhận được lời mời của thiếu tướng Nguyễn Đức Khánh để ra Đà Nẵng trình diễn cho căn cứ không quân mà ông là chỉ huy trưởng tại đây. Đề nghị tháp tùng với ban nhạc của tôi được anh em đồng ý một cái rụp. Thế là ngoài thành phần ban nhạc The Spotlights, được coi là một trong những  ban nhạc nổi tiếng nhất vào năm 67 – gồm có: Đức Huy, Tiến Chỉnh, Mario Cruz và Billy Shane còn có hai tên “dựa hơi” đi theo chơi là Long “Tô Châu” và tôi. Đây là chuyến đi xa nhất của tôi trong thời kỳ đó, ngoài chuyện giang hồ vặt vài ngày tại Đà Lạt và Vũng Tầu vào năm 63 nên thấy thú vị vô cùng. Lần đầu tiên được đi máy bay, mặc dù là máy bay vận tải của quân đội, nhưng cảm thấy khoái chí khi ngồi bệt dưới sàn, trượt qua trượt lại mỗi khi máy bay bị nhồi. Tại căn cứ không quân Đà Nẵng, chúng tôi đã được tướng Khánh tiếp đón rất thân mật và niềm nở. Ông đã dẫn chúng tôi đi thăm mọi nơi trong căn cứ và giới thiệu với chúng tôi đại úy Bùi Chiếm Khôi, trưởng phòng hành quân và là người trực tiếp lo liệu cho chúng tôi trong những ngày ở tại Đà Nẵng.

 

Ban nhạc The spotlights 1967

 

Đêm trình diễn đầu tiên của The Spotlights đã là một thành công lớn với sự tán thưởng quá xá cỡ của các ông lính tầu bay. Cả bọn được đãi đằng nồng nhiệt với thịt rượu ê hề, khiến thằng nào cũng say túy lúy càn khôn để rồi nhớ đào, nhớ địch kinh khủng. Billy Shane thì mếu máo nói rằng nhớ Ngọc Bích (tức Bích Trâm) quá xá, Tiến Chỉnh thì gần đít lên nói về thành tích chờ đào dai nhách của hắn trước cửa trường Trưng Vương một thời gian dài dằng dặc, Đức Huy thì tơ tưởng về cô Cathy “Nông Sơn” (con gái công ty than đá Nông Sơn), từng một thời cùng với hắn dung dăng dung dẻ. Mario thì chỉ ôm chai Whisky, rót hết ly này đến ly khác, chẳng cần để ý đến ai khác. Thấy anh em tâm sự về đào địch, tôi cũng muốn tham gia cho vui cửa, vui nhà, nhưng nghĩ mãi chẳng có ai để... nhớ. Gần nhất có cô N.Mai ở Hòa Hưng, nhưng từ lâu không gặp nên không còn mấy sốt sắng để mang tâm tình dành cho cô. Cô Q. Mai ở Gia Long thì sau một thời gian giao du thấy cô khó tính quá sức nên chả nhớ là chi cho mệt. Còn cô Hồng Loan thì thật sự chỉ là bạn và không có ý tưởng đen tối gì nên cũng coi như pha. Còn em Dung trên đường Catinat da hơi ngăm đen với cái miệng cười duyên dáng tệ thì tình trạng cũng còn có vẻ ởm ờ nên chưa có gì sâu đậm lắm nên cũng khỏi nhớ luôn. Các cô như Minh Lý, Q. Minh, B.Hải, V.Nga... cũng xinh xắn ra gì, đẹp thấy mồ nhưng kẹt một điều đều là đào của bạn ta nên nhớ nhung không tiện, Ơ hay, thế thì rõ ràng là ta đã lâm vào cảnh... táo bón đào địch rồi, đường tình duyên coi bộ đi vào ngõ cụt chăng. Mới hơn một năm nay, đường tình duyên có mùi phong phú, rậm rạp và đặc sắc lắm, thế mà bây giờ lại lâm vào cảnh bi ai, thảm thiết như thế này thì coi sao đặng.

 

Những ngày ở Đà Nẵng với ban nhạc The Spotlights vào cuối năm 67 đã để lại nơi tôi nhiều kỷ niệm đẹp cùng với những thú vị khi có dịp đi đây đi đó. Những lúc như vậy tôi mới thấy thấm thía câu “đi một ngày đàng học một sàng khôn” của các đấng “khứa lão” trước kia. Từ đó hễ có dịp được đi là vọt ngay, chẳng cần suy nghĩ gì. Phải chăng cung “Thiên Di” trên lá số tử vi của tôi có 3 sao “Mã, Khốc, Khách” nên thường có dịp đi giang hồ vặt như người ta thường nói.

 

Chỉ chừng vài tuần sau khi ở Đà Nẵng trở về, tôi lại có dịp đi cùng với ban nhạc The Spotlights ra Nha Trang do sự mời mọc của một nhóm người ở đây. Lần này còn có sự tăng cường thêm nữ tài tử Kiều Chinh, Thanh Lan và cô em gái tên Phương cùng nữ ca sĩ Ngọc Minh. Đây là lần đầu tiên tôi được gặp chị Kiều Chinh bằng xương bằng thịt và không ngờ người nữ tài tử tôi hằng mến mộ lại có tính tình dễ thương, lịch thiệp và hòa nhã như vậy. Nhờ chị tôi mới biết được cà phê “cứt chồn” như thế nào qua sự phân tách rất và ngỏ ý mời chúng tôi khi có dịp lại nhà chị ở trong Cư Xá Lữ Gia Phú Thọ để thưởng thức món cà phê rất thơm tho này mặc dù cái tên của nó không được thơm tho gì mấy! Những năm sau này khi gặp chị Kiều Chinh tại Orange County hay mới đây tại Houston, chúng tôi vẫn còn nhắc nhở về món cà phê độc đáo này.

(còn tiếp)