VĂN HÓA

Kỳ 7: Một thời nhạc trẻ - Trường Kỳ

DDVN • 20-02-2019 • Lượt xem: 12052
Kỳ 7: Một thời nhạc trẻ - Trường Kỳ

Đang trên đà ham vui và khoái nổi tiếng, tôi "phát huy” thêm tên tuổi của Teenager’s Club bằng cách viết thư cho chị Mỹ Linh và nhạc sĩ Đào Duy Tình, phụ trách những chương trình nhạc ngoại quốc trên đài phát thanh Quân Đội để xin được làm một chương trình nhạc ngoại quốc hàng tuần.

Vào năm 63, 64 và kế tiếp, những chương trình nhạc ngoại quốc rất được giới trẻ thích thú, nhất là chương trình “Nhạc ngoại quốc yêu cầu” được các Club trẻ dùng để phổ biến tên tuổi. Club A tặng Club B, Club C tặng Club A, hay Sylvie tặng cho Johnny, Bobby tặng Nathalie um xùm, vui hết sức. Teenager's Club cũng không tránh khỏi cảnh “bon chen” này để quảng cáo tên tuổi. Nhưng tặng qua, tặng lại và yêu cầu nhạc hoài cũng chán. Buổi trưa nào cũng vặn radio chờ nghe tên tuổi của mình được nhắc nhở tới cũng thành ra nhàm. Phải có chương trình do chính Club của mình phụ trách mới oai hơn, mới có thể “qua mặt” được các club đối thủ khác. Thật là sướng tê người khi lời yêu cầu được phụ trách một chương trình nhạc được chấp thuận. Bao nhiêu những đĩa nhạc mới đều được khai thác triệt để. Sylvie Vartan, Shella, Francoise Hardy, Eddie Mitchell kế đến là The Shadows, Cliff Richard, rồi đến Beatles kéo theo một thời gian sau The Animals, Herman’s Hermits, The  Dave Clark Five... tha hồ tung hoành, đàn ca hát xướng trên đài phát thanh Quân Đội.

Truyện tranh Tarzan của NXB Kim Đồng. In theo comics của họa sĩ Burne Hogarth đăng trên nhiều nhật báo vào ngày chủ nhật từ năm 1937 đến 1950, mỗi tuần một trang. 

Mỗi lần nhận được một đĩa nhạc từ Âu Châu gửi sang, bạn bè trong Club coi như một báu vật, có thể “nổ” để lấy le với những anh chị nhóc khác.

Chả bù với những lần tôi thèm thuồng khi đến nhà ông chú Hiện, nhỏ rãi vì những đĩa 45 vòng vài năm về trước. Tại nhà người bạn tên Đỗ Phong Châu (hiện ở Bordeaux, con luật sư Đỗ Mạnh Quát, dân biểu thời Đệ Nhất Công Hòa) vào đầu thập niên 60 cũng vậy, tôi đã từng nhiều lần ngẩn tò te trước những đĩa nhạc của Dalida, của Charles Aznavour, Gilbert Bécaud, Sacha Distel, Edith Piaf... Ngoài ra những quyển sách hoạt họa tại nhà Châu cũng làm tôi thèm thuồng để sau đó vòi vĩnh, viện dẫn là đọc những sách như vậy sẽ nói tiếng Tây giỏi hơn, được bố tôi mua cho đủ loại. Từ Bueck John, Kit Carson là những quyển sách hình khổ nhỏ, in đen trắng qua đến Tarzan, Zorro hay Hopalong Cassidy. Sau đó đến những Spirou, Benoit Brisefer nhất là Tintin, Lucky Luke và Astérix là những nhân vật hoạt họa đã in sâu trong đầu óc tôi từ khi còn nhỏ, Chỉ hơn một năm sau khi thành lập, vào năm 64 tên tuổi Teenager’s Club và ông “hội trưởng” Johnny Kỳ của nó đã được các bạn cùng lứa tuổi... ham vui biết tới khá nhiều. “Ông hội trưởng” thấy mình quan trọng hẳn lên. Cái mặc cảm đen đủi, lùn tịt, cận thị và xấu trai của ông hình như đang... xuống cấp. Ông thấy tự tin và yêu đời hơn và nhất là lại đang ở trong tình trạng biết yêu và biết nhớ nhung quá sức. Những tình cảm của những năm trước — lúc đó bầy đặt làm người lớn, nên ngỡ là tình yêu - như với Phước Vân, với Hồng Liên... thật ra chỉ là những tình cảm bồng bột nhất thời của tuổi thiếu niên, nhi đồng còn vô tư lự và ham vui. Nhưng dù sao đến nay với tôi vẫn còn là những kỷ niệm đẹp, là sự mở đầu cho những liên hệ tình cảm sau này.

Bìa truyện tranh những cuộc phiêu lưu của Tin Tin

Nếu nói biết yêu đương thật sự, với một chút chín chắn cộng với những lãng mạn không thể thiếu thì tôi biết yêu từ khi 17 tuổi, vào năm 63. Tôi quen V.Loan - đi với người anh - trong một dịp họp mặt bạn bè. Và tình cảm nẩy nở giữa chúng tôi một cách rất tự nhiên, ngay sau lần gặp gỡ đó qua một vài câu chuyện trao đổi. Tôi không là người cố tình chinh phục, và Loan cũng không phải là người ra chiều dễ dãi, trái lại luôn giữ một vẻ mặt khá nghiêm nghị và nói năng vừa phải. Cháu của Loan học chung trường Taberd với tôi, do đó việc tiếp nối sự quen biết qua thư từ trở thành dễ dàng hơn giữa tôi và người nữ sinh Gia Long chỉ kém tôi một tuổi này. Tuy học trường Việt nhưng Loan rất khá về Pháp Văn nên thỉnh thoảng vẫn viết cho tôi những thư bằng tiếng Pháp trên giấy “pelure” xanh mỏng. Dòng chữ “tu me manques, chéri!” cuối một lá thư sau vài lần gặp gỡ đã khiến tôi xúc động và bàng hoàng cả một tuần lễ. Trong thời gian này tôi trở nên chăm chú hơn vào việc học văn chương Pháp để cố nhớ những cầu thơ của Ronsard, của Venlaine hay Rimbeau hoặc của Lamartine đề thỉnh thoảng còn... ứng dụng trong liên lạc thư từ!

Bìa truyện tranh Lucky luck - Xì trum - Asterix

Cuộc đời đối với tôi thật đẹp trong suốt những năm sống với những tình cảm nhẹ nhàng với Loan, một người con gái trông rất thông mình, tế nhị với những tư tưởng chững chạc so với số tuổi còn nhỏ. Tôi may mắn chiếm được cảm tình của mọi người trong nhà Loan trên đường Phát Diệm là nơi tôi lui tới thường xuyên hàng tuần. Đối với một thiếu niên 17 trong tuổi dậy thì như tôi, vấn đề tơ tưởng đền việc xác thịt đang hồi sung mãn chắc chắn là phải có. Tôi không đạo đức giả để phủ nhận điều này. Nó đã được bộc lộ qua những lần tiếp xúc với những người con gái khác. Những cái hôn nóng bỏng, những sờ soạng bốc lửa tôi đã trải qua trước đó đến nay tôi vần còn nhớ, ngay cả lần đi “nếm mùi đời” đầu tiên khi mới lên 15 không làm sao tôi quên được. Tuy nhiên dù đã “nếm mùi đời theo kiểu “tiền trao cháo múc” do một tên bạn ăn chơi hướng dẫn, nhưng thật tình tôi vẫn còn nhút nhát khi nghĩ đến việc “giao lưu thân xác” với những người con gái quen biết trước năm 21 tuổi, dù rằng có những dâng hiến một cách dễ dãi, không cần có một cố gắng chinh phục nào. Những điều vừa kể có thể bị những nhà đạo đức... giả chỉ trích là xấu xa vì dám nói huỵch toẹt những điều theo họ không nên. Nhưng đó là sự thật, tôi thích nói ra, không muốn tránh né. Tại sao phải giấu diếm những điều ai cũng từng trải qua theo một lẽ rất tự nhiên của một đời sống và sự phát triển tâm lý và thân xác bình thường?

Hai bìa đĩa nhạc: Françoise Hardy, Le temps de l’amour - Mùa tình yêu (Lời Việt Trường Kỳ) và Sheila, Bang Bang - Khi xưa ta bé (Lời Việt Phạm Duy)

Nhưng lạ thay, đối với Loan, đầu óc tôi không bao giờ liên tưởng đến sự đụng chạm xác thịt ngoài những nụ hôn nhẹ phớt trên má, hay những cái nắm tay âu yếm. Vẻ mặt thiên thần của Loan với những tình cảm thánh thiện dành cho tôi đã làm cho những đam mê nhục dục nơi một thiếu niên đang trong thời kỳ phát triển không có cơ hội bùng dậy. Nếu chữ “yêu ” được hiểu đúng nghĩa như... tôi hiểu, thì giữa tôi và Loan có một Tình Yêu hiện hữu thật sự. Có thể tâm hồn lãng mạn nơi tôi đã khiến tôi nói lên điều này, nhưng dù sao tôi cũng cho là đúng để còn được một kỷ niệm về tình yêu đẹp trong một đời người.

(còn nữa)