Kết nối bạn đọc

Kỳ 75: Một thời nhạc trẻ - Trường Kỳ

DDVN • 29-04-2019 • Lượt xem: 12412
Kỳ 75: Một thời nhạc trẻ - Trường Kỳ

Trong lần về thăm đó thì quán cũ vẫn còn đây, nhưng những người xưa không còn một bóng dáng nào. Tôi bồi hồi liên tưởng đến bầu không khí vui nhộn và ồn ào ngày xưa với những khuôn mặt thân thuộc hiện ra rõ mồn một. Huy Cường hay lè nhè ngồi ở chiếc bàn này, Ngọc Hoài Phương thẳng thỉnh tản bộ từ Hotel Catinat bước qua thường ngồi ở góc nọ, ông Sức Voi với cái đầu trọc lóc luôn đặt cái bàn tọa to tướng của ông ở góc kia. Tùng Giang thì khệnh khạng bên cạnh mấy chị đào nhí luôn ngồi ở chiếc bàn ngay cửa ra vào.

Nam Lộc – từ nhiều năm nay là giám đốc cơ quan USCC vùng Los Ageles – cũng là một khách hàng quen thuộc với “Bà Cả Đọi” sau khi quen tôi vào năm 68, trong khi anh đang khai thác một quán cà phê nổi tiếng ở Sài Gòn là “Quán Gió” (sau đổi thành Hầm Gió). Trước đó tôi chưa hề nghe đến tên anh vì không ở cùng môi trường hoạt động. Tôi thì chuyên trị về nhạc trẻ, trong khi Lộc vào thời kỳ này có nhiều liên hệ với những nghệ sĩ thuộc phong trào du ca như Nguyễn Đức Quang, Miên Đức Thắng, Trịnh Công Sơn, vv... cũng như những nhạc sĩ chuyên về tình ca như Ngô Thụy Miên, Từ Công Phụng, Vũ Thành An...

 

Vào một buổi chiều cuối tuần tôi đang đứng lang thang trước cửa vũ trường “Chez Jo Marcel” sau khi vừa “vãn tuồng” chương trình Hippies A GoGo, chưa biết đi đâu thì thấy một người chạy xe Lambretta ra lại sát bên đường ngay chỗ tôi đứng. Anh chàng có tướng dong dỏng cao, nhưng ốm nhách ốm nheo, ăn mặc gọn gàng lịch sự, áo sơ-mi, tay gài “manchettes”, đi giầy bóng lưỡng và đeo kính mát đàng hoàng và có vẻ rất... tiền chiến. Trong khi tôi thì tóc tai dài thoòng, quần jean, áo thun rất lè phè. Thoạt đầu tôi hơi giật mình vì sợ bị du đãng hỏi giấy, nhưng nhìn thoáng qua bộ mã của anh, tôi yên chí đứng tại chỗ nhìn anh chờ đợi. Dựng xe xong xuôi đâu đó, anh chàng vừa rút lược ra chải mái tóc bóng láng vừa tiến  lại phía tôi chìa tay ra bắt và tự giới thiệu là Nguyễn Nam Lộc, chủ nhân Quán Gió. Anh cho biết muốn làm quen với tôi vì từng được nghe tiếng qua những hoạt động nhạc trẻ. Dĩ nhiên tôi rất vui khi được người khác ngỏ ý làm quen. Lộc cho biết đang có dự định thực hiện một băng nhạc cho Trịnh Công Sơn, một người bạn thân của anh cùng với Khánh Ly. Anh rủ tôi lên Thủ Đức chơi ngay lúc đó để gặp gỡ một số bạn bè của anh, cộng tác trong “project” này. Tôi từ chối vì còn bận nhiều việc, tuy nhiên hẹn gặp anh vào những lần tới. Chỉ một thời gian ngắn sau, Nguyễn Nam Lộc và tôi cùng với Tùng Giang và Jo Marcel đã trở nên thân thiết để từ đó anh bước vào làng nhạc trẻ với tên Nam Lộc ngắn gọn. Cùng trong thời kỳ này, ban nhạc The Flintstones được thành lập và thường hay đến tụ tập ở Cà Phê “Quán Gió” của anh với những Trung Hành, Cao Giảng, Tứ Đệ, Đức Vượng. Màn ăn dầm ở dề tại “Quán Gió” đã đưa ban nhạc này gần gũi với Nam Lộc để anh được coi như  “ông bầu” của ban nhạc trẻ này trong những ngày đầu tiên cần “lăng xê” tên tuổi. Những khi hứng chí ban The Flinstones thường hay lên đàn hát trên cái bục gỗ thấp lè tè được gọi là sân khấu này để đàn địch, hát xướng. Cho đến khi đổi tên là “Hầm Gió”, thì ban nhạc này vẫn là bạn “gà nhà” của ông bầu Nam Lộc.

 

 

Nói là cái hầm, nhưng thật ra “Hầm Gió” chỉ là một cái hầm giả... khi đi vào phải bước lên mấy bực thang ở hai bên, vào đến bên trong lại bước xuống cũng bấy nhiêu bậc, nhưng tạo được cảm tưởng là bước xuống hầm, tối om om, trong ánh đèn mù mờ. Do đó “Hầm Gió” là nơi hẹn hò lý tưởng cho những cặp tình nhân trong lứa tuổi thích ô mai và là nơi “trú ẩn” cho những anh chị đào kép “cúp cua” đến đây thủ thỉ và mùi mẫn. Tuy nhiên “Hầm Gió” cũng là một địa điểm sinh hoạt văn nghệ lôi cuốn được nhiều người đến thưởng thức cà phê và nghe nhạc sống, thỉnh thoảng được tổ chức ở đây, với sức chứa chỉ chừng vài chục người.

 

 Từ khi quen biết chúng tôi, Nam Lộc cũng đã trở thành một khách hàng thường trực của “Bà Cả Đọi”. Với sự ăn nói khéo léo, ông chủ quán “Hầm Gió” cũng đã được bà Cả và các con dành cho nhiều cảm tình. Vào năm 90, Nam Lộc trở về Việt Nam lần đầu tiên với phái đoàn của USCC, anh đã vác máy video lên thẳng quán “Bà Cả Đọi” để quay những hình ảnh quen thuộc về làm kỷ niệm. Sau 15 năm vắng mặt, Nam Lộc bước lên những bậc cầu thang xi măng quen thuộc ngày nào, với cái máy quay video che trước mặt. Vừa nghe anh hỏi: “Bà Cả có nhận ra ai đây không?” thì bà đã mừng rỡ trả lời ngay: “Trời, cậu Nam Lộc chứ còn ai nữa!”. Lộc kể cho tôi nghe về lần thăm lại quán cũ đó bằng một vẻ cảm động chân thành vì không ngờ bà Cả còn nhớ một người khách đã ra đi từ 15 năm trước.

 

Với “Bà Cả Đọi” tôi có một kỷ niệm khó quên. Trước ngày tôi quyết định giã từ cuộc sống độc thân để dừng bước giang hồ vào ngày 26 tháng 10 năm 1974 bằng một tiệc cưới tại nhà hàng Lê Lai, tôi có nhờ người mang thiệp báo tin ngày thành hôn của chúng tôi. Chỉ báo tin chứ không gửi thiệp mời ăn vì nghĩ rằng dù có mời bà Cả cũng chẳng đi. Hơn nữa theo tôi nghĩ lúc đó, sự liên hệ giữa "một người khách và một người chủ quán, dù là thân tình chăng nữa cũng chưa đủ để được mời tham dự tiệc cưới một cách chính thức trong số những khách mời chọn lọc. Hơn nữa, quả thật tôi cũng không muốn bà Cả phải mua quà cáp hay đi tiền mừng gì cho mình. Trước ngày cưới, vợ chồng chúng tôi đã mướn một căn phòng trong dãy nhà số 53 đường Hồng Thập Tự của bà Tạ Gia Lượng, chủ nhân rạp hát Long Vân ở Ngã Bẩy, hiện cư ngụ tại Montréal, để sau khi cưới sẽ về đây tá túc. Ngày cưới gần kề, chúng tôi luôn bận bịu với sự sắp xếp chỗ ngồi cho họ hàng, khách khứa, chẳng còn hơi sức đầu nghĩ tới những chuyện khác. Đang mải mê với công việc, tôi chợt thấy một bóng người đi ngang qua cửa sổ có vẻ đang tìm kiếm gì. Tôi thò đầu ra nhìn và thấy bóng dáng một người đàn bà quen thuộc mặc áo dài nâu, đầu quấn khăn đã đi tuốt vào phía trong. Tôi chưa kịp nhận ra ai thì ông quản lý đã chạy vào báo cho biết là có người muốn gặp. Cùng lúc đó người đàn bà đó đã đi trở ra.

 

Vừa nhìn thấy, tôi đã nhận ra bà Cả lần đầu tiên tôi thấy ăn mặc rất chính tề, khác hẳn với chiếc áo nâu và chiếc quần đen thường thấy mỗi lần đến quán. Chúng tôi vồn vã mời bà vào trong nhà và rất ngạc nhiên khi thấy bà tìm ra được nơi chúng tôi ở vì trong thiệp báo tin chỉ đề địa chỉ của hai bên gia đình. Sau đó bạn bè cho biết là bà đã hỏi thăm nơi họ để biết được nơi chúng tôi mướn. Trong cả tháng bận bịu với tiệc cưới, tôi đã không có dịp ghé đến quán bà, nhưng anh em cho biết bà vẫn luôn luôn nhắc nhở đến tôi, nhất là sau khi nhận được thiệp báo ngày thành hôn của chúng tôi. Bà từ chối không vào chơi viện cớ bận việc ở quán, sau đó dúi ngay vào tay tôi một bao thơ và vội vã bước đi sau khi nói với chúng tôi: “Chúc cô cậu hạnh phúc, khi nào xong việc thì nhớ ghé ăn nhé!”. Thế rồi bà tất tả quay đi một cách vội vàng trong khi chúng tôi còn ú ớ chưa thốt ra được lời cám ơn.

 

Chúng tôi đã giật mình khi mở bao thơ ra thấy một số tiền mừng rất lớn là 5000 đồng, trong khi “giá cả” mừng đám cưới thời đó nếu tôi nhớ không lầm thì cao nhất cũng chỉ khoảng 1, 2 “xín”! Ngay sau khi kiểm điểm “tình hình tài chính”, chúng tôi thấy số tiền mừng của “Bà Cả Đọi” là số tiền kỷ lục so với những người trong họ hàng có tiếng là “xộp”, là chịu chi. Tất cả đều thua xa “Bà Cả Đọi”. Vợ chồng chúng tôi quá cảm động trước sự ưu ái của bà, tuy nhiên rất ân hận đã không liệt bà vào danh sách những người được mời. Sau khi cưới, vợ chồng tôi kéo nhau lên thăm bà để cám ơn và còn được bà đãi đằng một chầu cơm dân tộc ê hề sau những ngày đã chán chê với những tiệc tùng do bạn bè khoản đãi.

(còn tiếp)