Kết nối bạn đọc

Kỳ 83: Một thời nhạc trẻ - Trường Kỳ

DDVN • 07-05-2019 • Lượt xem: 10135
Kỳ 83: Một thời nhạc trẻ - Trường Kỳ

Say sưa với những gì đạt được, về tên tuổi cũng như về sự quen biết rộng rãi, với một tuổi trẻ ham vui và háo thắng, tôi tự cho mình là một người lớn khi mới ở trong lớp tuổi 20. Do đó lý luận rằng đã là người lớn mà cứ phải ngày ngày cắp sách đến trường thì không ra cái thống chế gì, nên quyết định bỏ phứt ngôi trường Luật cho được việc. Ta phải làm những cái gì hơn nữa mới hách.

Thời cơ đang tăng tiến như vậy, bỏ qua rất uổng. Tuy nhiên tôi không dám nói thẳng điều này với “khứa lão” vì sợ ông buồn sau khi đã lết được tới năm thứ 2. Ráng lê lết 2 năm nữa thì cũng có thể trở thành một ông thầy cãi. Nhưng tôi không có can đảm làm điều này. Đến một lúc nào đó, khi “khứa lão” tôi biết chuyện thì sự việc cũng đã rồi. Vì thế ta phải cố gắng “làm ăn” để chứng tỏ cho ông biết không cần làm nghề thầy kiện cũng có thể sống hùng, sống mạnh được. Thế là tôi quyết định “bye bye” ngôi trường Luật nơi “con đường Duy Tân cây dài bóng mát” để lăn xả vào cuộc sống hoàn toàn văn nghệ với âm thanh, ánh sánh cũng như quyết định đi theo con đường báo chí với cái máy đánh chữ Regmington cà tàng mà tôi coi như một báu vật.

 

 Về con đường báo bổ, ngoài việc viết thường xuyên cho những tuần báo như Màn Ảnh, Kịch Ảnh, Thứ Tư Tuần San, Tinh Hoa... tôi luôn ước ao được viết cho những tờ nhật báo, thời kỳ đó xuất hiện rất nhiều. Như thế mới là ký giả, là phóng viên thực thụ, mới có vẻ nhà nghề. Nhìn thấy những phóng viên chiến trường có vẻ dầy dạn phong sương thấy mà ham. Nhưng bố bảo tôi cũng không dám chọn con đường này, vì cặp mắt kính dầy cộm có thể văng bất tử khi phải trèo lên trực thăng hay chạy xì khói để tránh pháo kích. Hơn nữa, cuộc đời đối với tôi còn vui quá xá, chả may trúng một quả đạn để được... hưởng dương thì thật là không dám!

 

Từ đó tôi nhất quyết chỉ đi theo con đường viết phóng sự, thỉnh thoảng có chút điều tra tí đỉnh và quan trọng hơn cả là viết hay dịch những bài liên quan đến nhạc trẻ cũng như tân nhạc. Trong thời gian lui tới nhà anh Bùi Quốc Tuấn (con giáo sư Bùi Hữu Đột, giám đốc trường luyện thi toán lý hóa Nguyễn Huệ trên đường Công Lý là nơi vợ chồng anh Tuấn cư ngụ trên lầu) vào những năm 67, 68 tôi đã có dịp quen biết với nhiều đàn anh trong giới truyền thông thuộc làng báo, các hãng thông tấn Việt Nam và ngoại quốc. Trong số đó có họa sĩ Đằng Giao là một trong những người thân nhất. Anh Đằng Giao vẫn thường xuyên lui tới đây tụ họp để xoa “mà chược” vào những ngày cuối tuần, có khi vào cả những buổi tối ngày thường. Tầng dưới là lớp luyện thi của các giáo sư Bùi Hữu Sủng, Bùi Hữu Đột, Bùi Quốc Bảo... học sinh ra vào tấp nập, trong khi tầng trên là một thế giới khác biệt hoàn toàn với khói thuốc lá, khói xì gà, tẩu thuốc cùng hơi men bia, rượu tưng bừng.

 

Tôi “gạ gẫm” anh Đằng Giao – giữ một vai trò quan trọng trong báo Sống của ông Chu Tử, một nhân vật lừng danh trong giới báo chí hồi đó và là bố vợ của Đằng Giao sau khi anh thành hôn với chị Chu Vị Thủy – để phụ trách một mục nào đó trên tờ nhật báo rất nổi này với sự hợp tác của nhiều tên tuổi trong làng văn, làng báo cùng với mục “Ao Thả Vịt” rất nổi đình nổi đám của ông Chu Tử dưới bút hiệu Kha Trấn Ác. Đằng Giao, một họa sĩ và cũng là một người rất yêu nhạc, đồng ý và hứa hẹn sẽ trình bầy đề nghị này đến ông chủ nhiệm họ Chu. Tuy “gạ gẫm” anh Đằng Giao như vậy, nhưng tôi không mấy gì tin tưởng được chấp nhận về chủ trương của báo Sống nặng về phần chính trị, thời sự, Nếu đưa ca nhạc, nhất là Nhạc Trẻ vào e rằng sẽ xẩy ra tình trạng “lỏng chỏng” không phù hợp với đường lối của tờ báo. Nhưng may được ông Chu Tử là một người chịu chơi (cứ đọc những tác phẩm như “Yêu” với “chú Đạt” và “cháu Diễm” hay “Sống”... thì biết) nên đã đồng ý sau khi quyết định ra thêm một phụ trang cho tờ báo, được đặt tên là “Sống Chủ Nhật”. Nguyên một trang (có khi leo qua cả trang thứ 2) lớn khổ nhật báo đã được dành cho tôi phụ trách với đề tựa “Trang Nhạc Trẻ do Trường Kỳ phụ trách”. Tôi thấy mình quan trọng hẳn lên khi leo lên lầu tòa soạn báo Sống đường Gia Long, góc Thủ Khoa Huân để nhận việc. Tôi không còn nhớ rõ số lượng trả hàng tuần là bao nhiêu, nhưng cũng đủ để cho tôi vung vít một cách thoải mái.

 

Là anh nhóc con nhất của tòa soạn, nên hơi “khớp” khi chạm mặt với những đàn anh như Duyên Anh (với bút hiệu Thương Sinh đã có dạo tấn công giới nhạc trẻ tơi bời vài năm trước đó, cũng như từng sỉ vả um xùm những cô cậu nào có tên tay phía trước, như Johnny Kỳ chẳng hạn), “Chú Tư Cầu” Lê Xuyên, Tú Kếu... Sau một thời gian, có lẽ nhận thấy cậu nhóc con có vẻ thật thà, chất phác và mộc mạc nên tất cả đã ra chiều có cảm tình đặc biệt. Duyên Anh sau đó cũng tỏ ra rất thân thiện với tôi. Phụ trách nguyên một trang nhật báo lớn hàng tuần không phải là một việc dễ dàng. Bài vở và hình ảnh phải luôn luôn cập nhật và nhất là phải có vài mục “chết” thường xuyên. Do đó tôi bắt buộc phải trở nên xông xáo hơn, chụp hình, chụp ảnh và phỏng vấn liên miên để “Trang Nhạc Trẻ” trở thành một trang “top” vào thời đó. Cũng vào khoảng tháng 10 năm 68, miền Trung Việt Nam gặp cảnh bão lụt với số nạn nhân và sự thiệt hại rất cao. Tôi nảy ra ý định muốn tổ chức một Đại Hội Nhạc Trẻ để gây quỹ giúp nạn nhân bão lụt. Tôi bàn với anh Đằng Giao đề nghị ông Chu Tử lấy tư cách của nhật báo Sống đứng ra tổ chức. Thấy phong trào nhạc trẻ càng lúc càng lên cao, hơn nữa thấy mục đích đầy ý nghĩa này nên ông Chu Tử đồng ý để báo Sống đứng ra tổ chức một đại hội Nhạc Trẻ tại rạp Đại Nam. Anh chị em trong giới nhạc trẻ đang rầu rĩ sau một thời gian trước đó không được hoạt động vì ảnh hưởng của biến cố Tết Mậu Thân và nhất là trường Taberd không tổ chức đại hội nhạc trẻ trong năm này, nên đã tỏ ra rất hồ hởi khi nhận được lời mời. Cả tòa soạn báo Sống sôi nổi hẳn lên để viết những bài yểm trợ cho đại hội Nhạc Trẻ này.

 

Liên tiếp trong hơn một tháng, Trang Nhạc Trẻ của “Sống Chủ Nhật” đầy rẫy những tin tức liên quan đến đại hội cũng như những bài giới thiệu ca sĩ và ban nhạc sẽ có mặt. - Rạp Đại Nam đã không còn một chỗ trống trong ngày khai diễn đại hội Nhạc Trẻ do nhật báo Sống tổ chức, với sự tham dự của trên 10 ban nhạc trẻ như The Spotlights, The Top 5, The Sunshine, the Rising Sun, The Hard Stones...

(còn tiếp)