Kết nối bạn đọc

Kỳ 88: Một thời nhạc trẻ - Trường Kỳ

DDVN • 12-05-2019 • Lượt xem: 11749
Kỳ 88: Một thời nhạc trẻ - Trường Kỳ

Tuổi trẻ có những cái tưởng tượng lẩn thẩn như vậy, nhưng nếu trở thành sự thật thì eo ơi rét lắm. Mặc dù không phải là những ông nhà binh thật sự, nhưng tôi đã được nếm mùi thú vị của những ngày cuối tuần được về phép cũng như từng ủ rũ như con gà chết trong những lần “em ơi chiều nay một trăm phần trăm”.

Cũng may thời kỳ này chẳng có em nào để nhớ để thương nên không có gì buồn bã, hậm hực. Để giải tỏa nỗi buồn cắm trại thì “anh em ta cùng nhau xông pha lên đường” xuống nhà bếp chén chú chén anh với ông thượng sĩ già cùng lòng heo, tiết canh hoặc thịt chó nên cũng tạm quên đi hình ảnh của Sài Gòn, khi những chương trình “Hippies À GoGo” của tôi được giao cho Hướng trông coi dùm trong trường hợp này. Lại một lần nữa cái số lè phè của tôi lại gặp may khi được biết bên cạnh Trung Tâm Nhập Ngũ Số 3 là Trường Quân Vận. Vị sĩ quan Phó Chỉ Huy Trưởng trường này là trung tá Nghi, là khứa lão của một cô bạn gái tên Huệ. Hai ông bà rất quý mến tôi và rất lịch sự lẳng lặng dời sang phòng khác để tôi trò chuyện với cô con gái xinh đẹp và nhu mì của ông mỗi lần tôi đến thăm. Có nhiều lần ông còn chở Huệ lên gặp riêng tôi ở nơi cư trú bụi đời của tôi mà không hề e ngại tình trạng “trao trứng cho ác” hay “trao duyên làm tướng cướp”.

 

Từ đó tôi đâm ra kính mến ông bà trung tá Nghi và không bao giờ nghĩ đến việc “tấn công ồ ạt” cô con gái cưng của hai người. Tôi chỉ coi Huệ như em gái, pha lẫn một chút tình cảm nhẹ nhàng vì bản tính khả ái và dịu dàng của cô không cho phép tôi nghĩ đến những điều... khả ố! Cô ấy khả ái mà mình khả ố thì không sao coi đặng, lương tâm nó cắn rứt thấy mồ tổ. Từ đó qua những lần đến thăm Huệ tại nhà trên đường Trần Quốc Toản được tôi coi là những buổi gặp gỡ rất thi vị, nhẹ nhàng bằng những câu chuyện liên quan đến thơ thẩn, văn chương, nhạc nhõng mà cô bé học lớp 12 trường Gia Long này rất thích.

 

Ban Phượng Hoàng, từ phải: Elvis Phương, Nguyễn Trung Cang, Lê Hựu Hà (cuối)

 

Cũng may phước, tuy học tiếng Tây tiếng u từ nhỏ nhưng lại khoái văn chương thi phú Việt Nam nên đấu hót với Huệ cũng rất ra gì. Từ những bài thơ của các ông Lưu Trọng Lư, Xuân Diệu, Huy Cận... đến các ông Vũ Hoàng Chương, Đinh Hùng Nguyên Sa... đều được mang ra mổ xẻ lia chia. Tất cả mọi cuộc thảo luận đều tâm đầu ý hợp và tương đắc, trừ trường hợp tôi nhất định bênh vực cho cụ Nguyễn Công Trứ vì cho rằng cụ ấy có tư tưởng... Hippy nên bị cô bé phản đối. Dằng co mãi, cuối cùng Huệ cũng phải công nhận là cụ Nguyễn Công Trứ là một Hippy thật sự! Cụ khoái cảnh “tiêu dao nơi hàn cốc thâm sơn” và nhất là còn “theo sau đủng đỉnh một đôi dì” thì lè phè có ai bằng. Lại còn bài phú “Hàn Nho Phong Vị Phú” của cụ mới là độc đáo. Cóc cần chi hết, rách như cái mền cũng chẳng sao, tàng tàng sống với một tinh thần an nhàn, phóng khoáng thì những anh chị Hippies ở San Francisco chỉ đáng xách dép cho cụ. Nếu sống lại vào thời kỳ này chắc cụ cũng sẽ gắn hoa hoét đầy mình và để tóc dài như đã từng để khi còn sinh tiền là cái chắc. Mối tình – cứ tạm gọi đại khái như vậy – lành mạnh bao quanh bởi văn chương thi phú, được bổ túc bằng những cái hôn, những cái nắm tay nhẹ nhàng giữa tôi và Huệ được gia đình cô bé rất tán thành. Với một sự tự tin thêm một phần chủ quan, tôi cho rằng nếu nhờ “ông via” tôi đến xin cưới chắc chắn gia đình cô sẽ gật đầu một cái rụp. Cũng từ sự liên hệ tình cảm với con gái ông nên trung tá Nghi rất quí mến tôi nên những lần tôi về phép đều được ông hẹn ở bên trường Quân Vận sát cạnh để đích thân lái xe đưa tôi về Sài Gòn. Nếu không, ông cũng nhờ tài xế đưa tôi về nguyên quán bằng xe Jeep. Vì ở sát cạnh nhau nên Trung Tâm Nhập Ngũ Số 3 và Trường Quân Vận rất “friendly” nên nhiều lần tôi đã “lợi dụng thời cơ” nhờ trung tá Nghi xin phép vị sĩ quan có thẩm quyền bên Trung Tâm Nhập Ngũ Số 3 cho tôi được ở lại du hí thêm một, hai ngày ở Sài Gòn cho thêm phần “đã điếu”! Những lần về phép, tôi đều đến thăm gia đình Huệ và được tiếp đãi rất ân cần. Lần nào cũng có chai Johnny Walker chờ sẵn để cậu Kỳ giải khát cùng với những món ăn ngon miệng. Tôi lại tưởng tượng ra có được ông bố vợ như vậy thì khoái biết mấy. Cùng nhau đánh gục một ông “Johnny Đi Bộ” không còn gì tương đắc hơn. Một thời gian sau, miệt mài trong những sinh hoạt văn nghệ, báo chí này nọ tôi đã không có dịp gặp lại Huệ, ngoài một lần đến thăm gia đình cô sau năm 75, khi trung tá Nghi đang ở trong một trại cải tạo.

 

Trở lại với Trung Tâm Nhập Ngũ Số 3, tôi lại được thêm một dịp may mắn nữa là thường được đề nghị mời các nghệ sĩ lên trình diễn mỗi lần có dịp lễ lạc, hội hè. Khánh Ly, Ngọc Minh, Lệ Thu, Duy Quang, Cathy Huệ... đã từng nhận lời mời của tôi đến trình diễn tại đây. Nhờ đó, tôi được thêm nhiều “đặc ân” khác, được ưu đãi một cách đặc biệt khiến anh em thèm thuồng ra mặt.

 

Trong lần trình diện đầu tiên vào năm 68, tôi có dịp trở nên thân thiết hơn với Lê Hựu Hà, trước đó chỉ quen biết qua loa trong những lời mời ban nhạc Hải Âu của anh trình diễn tại các Đại Hội Nhạc Trẻ. Hai đứa lúc nào cũng ở sát cạnh nhau để nói chuyện về ca nhạc, văn nghệ văn gừng. Tôi được biết Lê hựu Hà đã nhen nhúm muốn đi theo con đường sáng tác những ca khúc nhạc trẻ thuần túy Việt Nam từ đó, điển hình như nhạc phẩm “Hương” của anh, viết tặng cho người vợ đầu tiên và được trình bày lần đầu tại Đại Hội Nhạc Trẻ Taberd năm 66. Nhưng phải đợi đến khoảng hơn 2 năm sau, khi anh hợp cùng với Nguyễn Trung Cang thành lập ban nhạc Phượng Hoàng với tiếng hát của Elvis Phương thì con đường của anh chọn mới thành hình để sau đó những ca khúc nhạc trẻ 100% Việt Nam này rất được ưa chuộng.

(còn tiếp)