VĂN HÓA

Kỷ niệm ngày thành đạo của vị chân sư - Đức Phật Thích Ca Mâu Ni

Thanh Xuân • 30-12-2022 • Lượt xem: 1133
Kỷ niệm ngày thành đạo của vị chân sư - Đức Phật Thích Ca Mâu Ni

Đức Phật - bậc thầy vĩ đại của nhân loại mà Liên Hiệp Quốc đã tôn vinh và lấy ngày sinh nhật của Đức Phật (8/4) làm ngày Lễ hội văn hóa và tôn giáo của Liên Hiệp Quốc và tổ chức đạo lễ Vesak hàng năm của Liên Hiệp Quốc, đạo lễ Tam Hợp: Kỷ niệm 3 sự kiện quan trọng trong cuộc đời Đức Phật: đản sinh, hành đạo và nhập niết bàn.

Ngày kỷ niệm thành đạo diễn ra vào ngày mùng 8 tháng 12 âm lịch (30/12/2022). Cách đây hơn 2500 năm về trước, tại thành Kapilavastu (Ấn Độ), Thái tử Siddhartha Gautama - vì thấy được bản chất cuộc đời là đau khổ nên Người đã khước từ mọi hạnh phúc, quyền uy và lạc thú thế gian để lựa chọn con đường xuất gia học đạo, quyết chí tìm ra một hướng đi mới cho nhân loại và giúp chúng sinh thoát khỏi đau khổ. Suốt 49 ngày đêm tọa thiền dưới cội cây Bồ Đề, đến rạng sáng mùng 8 tháng 12, Người đã chứng thành Vô Thượng Đạo, trở thành một bậc Chánh Đẳng Chánh Giác – tức Đức Phật Thích Ca Mâu Ni: Đấng Thầy khai sáng cõi Trời và Người – Vị giáo chủ đã Khai sáng ra Đạo Phật. Thành đạo là kết quả của nhiều kiếp sống mà Ngài đã hành các hạnh lợi lạc cho chúng sinh.

Đức Phật thành đạo là sự kiện vô cùng quan trọng và ý nghĩa trong lịch sử Phật giáo

Thành đạo, thành Phật đồng nghĩa tức là các vị chân sư hiểu thấu, biết rõ các sự thật của nhân sinh vũ trụ, tỉnh sáng trong trí tuệ vốn sẵn có trong mỗi chúng sinh. Theo truyền thống khi một chân sư đạt đạo thì sẽ nhập niết bàn (trở về cõi vĩnh hằng) nếu không có ai thỉnh cầu thuyết pháp. Lúc ấy, loài người không ai nhận ra ngài đã giác ngộ, chỉ có vị vua trời có phước đức lớn nhận ra. Trong đó có vị vua trời Phạm Thiên Sahampati đã thương xót cho con người và tất thảy chúng sinh mà đã ba lần đến thỉnh Đức Phật Thích Ca để giảng Pháp.

Sau đó ngài trầm tư rồi nhận lời của vua trời Phạm Thiên. Nhưng Ngài cũng nói với vua Phạm Thiên; "Giáo Pháp mà Như Lai đã chứng ngộ quả thật thâm sâu huyền diệu, khó nhận thức, khó lãnh hội, vắng lặng, cao siêu, không nằm trong phạm vi luận lý, tế nhị, chỉ còn bậc thiện trí mới thấu hiểu”.

Hàng ngàn người dân và Phật tử có mặt để tham dự đại lễ tại chùa Phật Quang (Thiền Tôn Phật Quang) ở tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu từ ngày 28 - 30.12 

Sau đó, ngài bắt đầu hành trình hoằng dương đạo Pháp. Hướng con người từ bỏ lối sống bất thiện, trở về với lòng từ bi sẵn có trong bản tính và hướng đến con đường thù thắng, tức giải thoát khỏi những ràng buộc đau khổ.

 Vào thời ấy, ngài không thành lập Giáo hội nào, giáo pháp của Phật không phân cấp mà tùy vào căn cơ để giáo hóa. Các giáo lý về nhân quả, luân hồi, phước báu, giải thoát… Có khi ngài ở Vườn Cấp Cô Độc với những bài giảng đơn giản, có khi đi khất thực thuyết pháp tại các khu dân cư, có khi Ngài trở về với hóa thân Phật để giáo hóa các tầng Trời, trong đó có các vua các cõi Trời, Thần, Quỷ… Ứng hợp căn tánh là vì lẽ đó.

Cuộc đời của Phật rất đơn giản không có gì cao siêu, Ngài cùng các để tử đơn giản là dạy học. Để lại kho tàng nhân loại những giáo huấn thâm diệu mà hiện tại khoa học vẫn đang tìm tòi và khám phá.