VĂN HÓA

Làm sao bảo tồn giá trị văn hóa khi sáng tạo nội dung trên các mạng xã hội?

Thúy Vy • 30-11-2022 • Lượt xem: 989
Làm sao bảo tồn giá trị văn hóa khi sáng tạo nội dung trên các mạng xã hội?

Sáng tạo nội dung trên các nền tảng mạng xã hội như TikTok, YouTube,... bằng hình thức video clip đang được giới trẻ Việt xem là nghề hấp dẫn vì nhiều người theo dõi, thời gian thoải mái và mức thu nhập cao. Thế nhưng hiện nay có rất nhiều nội dung trái với thuần phong mỹ tục cũng đang được phổ biến tràn lan.

Đại dịch đã làm nghề sáng tạo nội dung phát triển mạnh

Trong bối cảnh bao quát có thể thấy thời gian gần đây, lợi thế của không gian mạng, nền tảng số và âm thanh trực tuyến đã tạo ra nhiều hình thức xuất bản và phát hành mới như sách điện tử, phim trực tuyến, nhạc số,... đã tạo ra cơ hội cho người trẻ thỏa sức sáng tạo và "tự xuất bản" trên các mạng xã hội mà không bị kiểm duyệt chặt chẽ.

Hơn hết, từ khi đại dịch Covid-19 bắt đầu với những diễn biến phức tạp, nhiều cá nhân hay nhóm người sáng tạo nội dung đã tập trung vào những hoạt động thiện nguyện không có tổ chức nhằm thu hút lượt xem. Sự phát triển nhanh chóng này đã dẫn đến sự lúng túng nhất định cho các cơ quan quản lý, nếu không muốn nói là bị “hụt hơi”, cơ chế chính sách chưa theo kịp sự phát triển của các nền tảng giải trí. 

Những ngày gần đây, chủ kênh TikTok Nờ Ô Nô đăng tải những clip có nội dung bẩn. Bằng hình thức từ thiện, kênh TikTok này đã bị nhiều người cho là bôi nhọ, xúc phạm người nghèo trái với thuần phong mỹ tục và đạo đức văn hóa của người Việt Nam, gây bức xúc trong dư luận. 

Trước đó nhiều người làm sáng tạo nội dung khác cũng đã gây tranh cãi vì đăng tải những nội dung bẩn, những phát ngôn gây sốc, trái với chuẩn mực của xã hội. Điểm đặc biệt là những nội dung này thu hút rất nhiều sự quan tâm, bình luận, giúp những người làm nội dung bẩn ngày càng nổi tiếng hơn. Sau những câu chuyện trên họ thường lên tiếng xin lỗi nhưng sau đó lại đâu vào đấy, khiến nhiều người bức xúc.

Cần dọn dẹp rác trên mạng xã hội

TikTok đã trở thành mạng xã hội chia sẻ video hướng đến người dùng trẻ tuổi và đang thu hút thành công lượng lớn khách truy cập từ một số nền tảng khác.

Với thuật toán gợi ý nắm bắt thói quen của người dùng "hiệu quả đến khó tin", Tiktok cũng đang khiến nhiều người lo ngại. Bởi vì, ngay cả đối với các tìm kiếm mang tính chất nguy hiểm hoặc độc hại, vi phạm các nguyên tắc cộng đồng của nền tảng này, thuật toán của TikTok vẫn sẽ đề xuất cho người dùng. 

Hiện có rất nhiều nội dung không phù hợp, đi ngược lại giá trị văn hóa Việt Nam đã bị xử phạt nặng. Thậm chí, một số sản phẩm có nội dung xuyên tạc lịch sử, bôi xấu hiện thực, cổ súy lối sống lệch chuẩn mực đạo đức, vi phạm thuần phong mỹ tục. Vì vậy, để đảm bảo môi trường giải trí lành mạnh và mang đến cho công chúng những nội dung có giá trị chân - thiện - mỹ thì việc xử phạt là cần thiết. 

Mặc dù TikTok thường xuyên báo cáo việc kiểm soát nội dung bẩn bằng cách xóa kênh vĩnh viễn, nhưng phương pháp này dường như không thực sự hiệu quả. Hồi tháng 7/2022, TikTok báo cáo đã xóa hơn 2,4 triệu video tại Việt Nam vào quý I/2022. Trong số hơn 40.000 video bị xóa liên tục mỗi ngày, 92,5% tài khoản bị xóa khỏi nền tảng, 88,7% bị xóa trước khi có lượt xem đầu. Khoảng 94% trường hợp bị xóa trong vòng 24 giờ sau khi được đăng trên nền tảng này.

Đây đều là những video có nội dung được xác định là đã vi phạm Chính sách tiêu chuẩn cộng đồng do TikTok đề ra. Những nội dung vi phạm chính sách rất đa dạng, bao gồm cả các thông tin, hình ảnh kích động thù hận, bạo lực cực đoan. Một vấn đề đáng lưu tâm khác cũng được đưa vào "danh sách đen" là ảnh khỏa thân, hoạt động tình dục, hành vi phạm pháp. Ngoài ra còn có các video mang nội dung rùng rợn, quấy rối, vấn đề bắt nạt, tự sát...

Vào tháng 9/2022, TikTok tiếp tục cho biết họ đã xóa 113 triệu video trên nền tảng này, chủ yếu là do vi phạm chính sách trong quý 2 năm 2022. Tuy nhiên, The Verge cho biết con số đó chỉ chiếm 1% tổng số video được phát hành trên TikTok trong cùng 1 quý. So với lượng nội dung được đăng trên nền tảng, số lượng video bị xóa vẫn chỉ là một hạt cát nhỏ trên sa mạc.

Theo các chuyên gia, TikTok rất khó "dọn dẹp" hết được các video độc hại trên nền tảng này. Vì ứng dụng chỉ gỡ bỏ những video sử dụng hashtag, cờ liên quan đến nội dung vi phạm. Những video không gắn hashtag vẫn tồn tại, thậm chí thu hút hàng triệu lượt xem và được người dùng chia sẻ liên tục.

Tuy nhiên, cũng phải nhìn nhận rằng nội dung bẩn đang là vấn đề rất nhức nhối của nhiều nền tảng chia sẻ thông tin khác trên Internet như Facebook, Instagram, đặc biệt là YouTube. Mặc dù các công ty này đã cố gắng kiểm soát và thắt chặt các chính sách, nội dung bẩn vẫn phổ biến và tiếp cận thành công người dùng.
Theo chuyên gia tâm lý Hoàng Thụy Hải, trong thời đại công nghệ 4.0 không thể tách rời trẻ em khỏi các thiết bị công nghệ. Mặt khác, trẻ em là đối tượng tư duy phản biện chưa hình thành, dễ định hướng nên sẽ tin vào những gì chúng nhìn thấy, kể cả những nội dung bẩn và bắt chước theo để thể hiện bản thân.

Trước thực trạng những nội dung bẩn đang xuất hiện tràn lan trên không gian mạng, vị chuyên gia cho rằng đã đến lúc phải kiểm duyệt chặt chẽ nội dung hơn và nâng mức xử phạt vi phạm đối với những video nhảm nhí, phản cảm, băng hoại đạo đức con người,… thậm chí có thể xử lý hình sự.

Nghề sáng tạo nội dung càng phát triển, người trẻ càng cần cẩn trọng

Bà Trần Thị Thu Phương, trưởng phòng tuyển dụng cấp cao của 40HRS - công ty tuyển dụng của Mỹ tại Việt Nam, cho biết những năm gần đây, sáng tạo nội dung đang trở thành xu hướng nghề nghiệp “hot” và là sân chơi tiềm năng cho những người đam mê sáng tạo. Các nền tảng mạng xã hội như Facebook, TikTok, YouTube, Instagram… đã mang đến nhiều cơ hội nghề nghiệp hơn cho các bạn trẻ.

Dù thu nhập cao và không bị giới hạn nhưng thách thức đối với những người làm nội dung số là phải luôn tìm kiếm những ý tưởng mới, khác biệt để thu hút người xem. Tuy nhiên, sự nổi tiếng một cách đột ngột cũng đã trở thành nguyên nhân thúc đẩy nhiều bạn trẻ sáng tạo ra những video nhảm nhí với mục đích câu view, tăng lượt tương tác. 

Một người làm việc trong ngành quảng cáo cho biết, số lượt xem, người đăng ký và bình luận là những thước đo rất quan trọng để đánh giá mức độ ảnh hưởng và khả năng kiếm tiền của một kênh. Ví dụ, 1 tài khoản TikTok tại Việt Nam có hơn 500.000 người theo dõi có thể nhận được khoảng 6 triệu đồng cho mỗi video khi nhận quảng cáo.

Theo bà Phương, những người trẻ cũng nên xem xét việc chuyển sang sáng tạo nội dung truyền thông xã hội trước khi bỏ công việc toàn thời gian của mình. Làm freelancer giúp họ không bị gò bó về mặt thời gian nhưng cũng đặt ra thách thức về tính kỷ luật trong công việc như khi làm công sở. Ngoài ra, để thành công, các bạn trẻ cần phải có đam mê, rèn luyện đúng kỹ năng, tìm kiếm những ý tưởng mới thay vì “chịu đấm ăn xôi” với những loại nội dung “nhanh nhưng kém bền”.