VĂN HÓA

Làng gốm hơn 500 tuổi sản xuất linh vật Tết năm Quý Mão

Lan Hương • 28-12-2022 • Lượt xem: 1005
Làng gốm hơn 500 tuổi sản xuất linh vật Tết năm Quý Mão

Về Thanh Hà những ngày cuối năm, mọi người lại có dịp chứng kiến các nghệ nhân nơi đây tất bật nhào nắn, tạo hình cho các bức tượng linh vật phục vụ Tết Quý Mão 2023.

Những ngày cận Tết Nguyên đán cũng là thời điểm làng gốm Thanh Hà rộn ràng tấp nập hơn thường ngày. Các nghệ nhân lại luôn tay không nghỉ chuẩn bị đất sét, sửa lại lò nung, nặn tò he, tượng mèo để kịp cung ứng cho thị trường trước Tết năm Quý Mão.

Làng nghề có lịch sử truyền thống hơn 500 năm

Làng gốm Thanh Hà, thuộc thành phố Hội An tỉnh Quảng Nam đã có lịch sử hình thành hơn 500 năm tuổi. Nằm ngay cạnh dòng sông Thu Bồn thơ mộng, cách trung tâm Hội An khoảng 3km, đây chính là địa điểm yêu thích không thể bỏ qua của nhiều khách du lịch khi ghé thăm phố cổ.

Theo các cao niên kể lại, làng gốm được hình thành từ cuối thế kỷ 16. Bắt nguồn từ những người di cư vào Hội An mang theo đó là nghề làm gốm. Thời bấy giờ, các dồ dùng bằng sứ được sử dụng phổ biến trong nhiều gia đình Việt, cùng với sự giao thương sầm uất của thương cảng Hội An, gốm Thanh Hà từ đó mà được buôn bán khắp nơi từ trong nước đến quốc tế.

Qua nhiều thăng trầm cuộc sống, gốm Thanh Hà đã có lúc phải đối mặt với nguy cơ thất truyền, bởi sức ép cạnh tranh của thị trường cũng như sự phổ biến của các vật dụng hiện đại. Nhờ tình yêu, sự nỗ lực gắn bó với nghề của người dân, làng gốm Thanh Hà hiện nay đã trở thành điểm đến du lịch kết hợp sản xuất đồ gốm nổi tiếng được nhiều người biết đến.

Đặc biệt, làng nghề hơn 500 năm tuổi này đã đón nhận danh hiệu Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia vào tháng 8/2022 vừa qua, niềm vinh dự sau 2 năm trì hoãn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.

Hiện nay làng gốm có 32 cơ sở vẫn đang tiếp tục vững bếp lửa đỏ, gìn giữ truyền thống cha ông. Mỗi năm, làng gốm Thanh Hà có đến hơn nửa triệu khách tham quan. Đặc biệt với những ai yêu thích và muốn tìm hiểu về nghề gốm có thể được quan sát trực tiếp từng công đoạn tạo tác sản phẩm. Ngoài ra, du khách còn được tham gia trải nghiệm hoạt động sáng tạo, tự tay làm nên các món đồ gốm độc đáo riêng cho mình.

Gốm Thanh Hà có nguồn nguyên liệu chính từ đất sét phù sa được lấy từ sông Thu Bồn. Đất sét đem vè được làm sạch sau đó tạo hình, với những bức tượng nhỏ thì mất khoảng vài tiếng, các tượng lớn hơn có thể mất 5 – 6 ngày. Cho đến nay, gốm Thanh Hà hầu như vẫn giữ được cách thức sản xuất thủ công truyền thống, không có khuôn, người thợ sẽ tạo hình bằng tay hoặc dùng bàn xoay đạp bằng chân, gốm không tráng men và được nung bằng lò củi truyền thống.

Gốm Thanh Hà có hai dòng sản phẩm, gốm sành nâu (đồ xanh) được nung trên lửa nhiệt độ cao từ 800 – 1000 độ C, gốm đỏ (đồ đỏ) được nung ở nhiệt độ thấp hơn, từ 300 độ C trở xuống.

Qua bàn tay tài hoa của các nghệ nhân, từ những khối đất vô tri đã được sáng tạo và thổi hồn, tạo nên những sản phẩm vừa đẹp mắt, vừa hữu dụng, vừa làm vật trang trí, trưng bày trong những dịp đặc biệt.

Linh vật mèo cho năm Quý Mão từ bàn tay các nghệ nhân

Mỗi dịp Tết đến, nghệ nhân làng Thanh Hà lại tất bật sản xuất, cho ra các sản phẩm mang màu sắc, hương vị Tết cổ truyền người Việt như tò he, bình gốm, linh vật theo từng năm để phục vụ nhu cầu của người dân.

Khoảng 20 năm trở lại đây, khi nền văn hóa ngày càng phát triển, du lịch Hội An ngày càng mở rộng, các sản phẩm gốm Thanh Hà cũng được nghệ nhân cải tiến mẫu mã đẹp đẽ, bắt mắt hơn. Đặc biệt, các sản phẩm mang hơi thở của Tết truyền thống cũng được ra lò để phục vụ khách du lịch.

Theo lời kể của nghệ nhân có thâm niên làm nghề lâu năm tại đây cho biết: Vào những dịp Tết thời xa xưa, các thế hệ đi trước cũng đã nhào nặn ra những sản phẩm mang hình thù các con vật tượng trưng cho từng năm. Các tượng này không cầu kỳ và không đòi hỏi kỹ thuật cao, mục đích để vui chơi và làm quà cho trẻ con dịp đầu năm mới.

Ngày nay, nặn linh vật Tết đã phổ biến hơn và trở thành nghề “đặc biệt”. Đòi hỏi người thợ phải hết sức tỉ mỉ, có bàn tay tài hoa và trí tưởng tượng phong phú mới có thể cho ra những sản phẩm hoàn hảo.

Hiện tại, nhiều cơ sở tại Thanh Hà lại tất bật cho ra lò các sản phẩm linh vật mèo cho Tết Quý Mão 2023. Đa phần được sản xuất nhiều là tò he hình mèo và các tượng mèo nhỏ vì giá thành rẻ mà sản phẩm lại dễ làm, được nhiều người ưa chuộng. Một số cơ sở sản xuất tượng mèo lớn để trưng bày hoặc bán theo nhu cầu khách hàng - ông Nguyễn Sáu, nghệ nhân làng gốm cho biết.

Linh vật mèo được nặn tỉ mỉ, mọi công đoạn đều được thực hiện thủ công. Tùy vào kích thước và đường nét hoa văn trang trí mà các nghệ nhân có thể mất từ vài giờ đến nhiều ngày để tạo ra sản phẩm.

Để cho ra các tượng mèo sống động, từ giữa tháng 8, những người thợ đã phải đào đất sét, đem phơi khô rồi giã thành bột mịn để cho ra loại đất nặn đặc biệt. Ngoài linh vật, gốm Thanh Hà còn đa dạng các sản phẩm lưu niệm tinh xảo, nhỏ gọn phục vụ khách du lịch. Cùng các sản phẩm thiết yếu như niêu, chum, bình gốm… để phục vụ nhu cầu của bà con trong Tết Nguyên đán sắp tới.