VĂN HÓA

Loay hoay trong việc quản lý hàng nghìn phim điện ảnh trên mạng

DDVN • 09-09-2021 • Lượt xem: 295
Loay hoay trong việc quản lý hàng nghìn phim điện ảnh trên mạng

Theo GS.TS Trần Thanh Hiệp, việc phổ biến phim trên mạng là phù hợp xu thế chung của thế giới. Quan trọng nhất là khâu thanh tra, hậu kiểm phải được đổi mới.

Hội thảo trực tuyến góp ý dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi) do Viện Nghiên cứu lập pháp và Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội tổ chức đã thu hút sự quan tâm, thảo luận từ các đại biểu với 6 chủ đề chính bao gồm: chính sách của nhà nước về phát triển điện ảnh, chính sách trong khâu sản xuất phim, phổ biến và phát triển thị trường phim, bảo vệ quyền tác giả và bản quyền tác phẩm điện ảnh, phát triển điện ảnh gắn với văn hóa và các ngành kinh tế liên quan.

*Cần thay đổi cơ chế kiểm duyệt phim

Một số vấn đề liên quan đến việc sản xuất phim sử dụng ngân sách nhà nước và phổ biến phim trên không gian mạng cũng được thảo luận tại hội thảo.

GS.TS Trần Thanh Hiệp, nguyên Hiệu trưởng Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội nhận định việc phổ biến phim trên mạng là phù hợp với xu thế phát triển chung của thế giới. Điều quan trọng nhất là công tác thanh tra, hậu kiểm phải được đổi mới, nâng cao chất lượng.

"Quản lý phổ biến phim trên mạng sẽ phụ thuộc nhiều vào công nghệ. Những thành tựu của công nghệ có thể trợ giúp trong việc phát hiện những cảnh khiêu dâm, bạo lực và các nội dung bị cấm trong Luật Điện ảnh", ông nói thêm.


Nhiều đại biểu cho rằng Luật Điện ảnh không còn bắt kịp với xu thế phát triển của nền điện ảnh.

GS.TS Trần Thanh Hiệp cũng cho rằng các phương thức phổ biến phim phải được tạo điều kiện, quản lý và điều chỉnh bằng pháp luật. Tác phẩm nào vi phạm pháp luật sẽ bị gỡ bỏ, ngăn chặn.

"Như vậy tiền kiểm hay hậu kiểm, tự phân loại hay xin cấp giấy phép phân loại, đều được điều chỉnh bởi Luật Điện ảnh", ông nhấn mạnh.

Bà Ngô Phương Lan nhận xét phương án thực hiện tiền kiểm đối với phổ biến phim trên mạng là không khả thi. Trên thực tế, số lượng phim trên mạng có thể gấp hàng nghìn lần phim chiếu rạp. Vì thế, không thể có đủ nhân lực để duyệt và cấp phép phát hành.

Đối với cơ chế kiểm duyệt phim, ông Đậu Anh Tuấn góp ý Luật Điện ảnh cần thay đổi, tạo ra tính đột phá.

"Tại sao các đài truyền hình vẫn tự cấp phép, kiểm duyệt được phim truyền hình. Trong khi đó, phim chiếu rạp lại phải thông qua Hội đồng phim quốc gia. Chúng ta có thể xây dựng cơ chế để nhiều đơn vị cùng có quyền thẩm định và các phép các bộ phim", ông Tuấn nói thêm.

Phát biểu kết thúc hội thảo, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Tạ Quang Đông cho biết ban soạn thảo sẽ tiếp thu những ý kiến, trao đổi của các đại biểu để sửa đổi, hoàn thiện Luật Điện ảnh.

"Ban soạn thảo đã khảo sát thực tiễn, áp dụng các mô hình từ nhiều quốc gia vào điều kiện thực tiễn của Việt Nam. Luật Điện ảnh mới ra đời sẽ đáp ứng những yêu cầu, tạo điều kiện thuận lợi để thúc đẩy nền điện ảnh nước nhà phát triển, hội nhập quốc tế", ông Tạ Quang Đông cho biết.

*Luật Điện ảnh đã quá lỗi thời

Tại hội thảo, hầu hết ý kiến đều cho rằng qua 15 năm ra đời, thực thi, Luật Điện ảnh đã lỗi thời, không còn phù hợp với sự phát triển của điện ảnh nước nhà.

PGS.TS Nguyễn Thị Thu Phương, Phó viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam cho rằng việc sửa đổi Luật Điện ảnh là mong muốn chung của các nhà làm phim hiện nay.


TS Nguyễn Văn Hiển chủ trì hội thảo.

Theo bà Ngô Phương Lan, nguyên Cục trưởng Cục Điện ảnh, Chủ tịch Hiệp hội Xúc tiến phát triển điện ảnh Việt Nam, trước đây, Luật Điện ảnh 2006 được xây dựng trên cơ sở xem điện ảnh là ngành nghệ thuật. Tuy nhiên, nhiều năm qua, điện ảnh vừa là ngành nghệ thuật tổng hợp, vừa là ngành công nghiệp.

"Luật Điện ảnh cần phải thay đổi, để điều chỉnh các hoạt động điện ảnh trong môi trường công nghệ số, phát triển theo hướng cạnh tranh lành mạnh, hạn chế tiến tới xóa bỏ sự chèn ép, lấn át đối với các doanh nghiệp nhỏ", bà Phương Lan phát biểu.

Đại biểu Nguyễn Phương Hòa, Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế cho rằng việc thay đổi Luật Điện ảnh nhằm thích ứng với xu thế toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế, tạo ra hành lang pháp lý thuận lợi cho ngành điện ảnh Việt Nam trong giai đoạn hiện nay.

"Điện ảnh Việt Nam còn nhiều hạn chế khi vươn mình ra thế giới. Số lượng phim Việt Nam đáp ứng yêu cầu của các liên hoan phim, giải thưởng uy tín trên thế giới còn ít. Việc sửa đổi Luật Điện ảnh góp phần tháo gỡ những thách thức đối với nền điện ảnh nước nhà, cạnh tranh với các nước trong khu vực", bà Phương Hòa đánh giá.

"Việc phát triển ngành điện ảnh còn thúc đẩy du lịch dịch vụ, đóng góp quan trọng vào nền kinh tế. Một bộ phim thành công, tạo được tiếng vang, có thể là điểm đến thu hút hàng triệu khách du lịch mỗi năm", ông Đậu Anh Tuấn, trưởng Ban Pháp chế VCCI phát biểu.

Theo Tâm An/Zing.vn