Hội họa

Màu của tết

Thoại Vy • 12-01-2018 • Lượt xem: 11634
Màu của tết

MÀU CỦA TẾT
Đã tự dặn mình không viết gì về tiết xuân đang nảy, mà cũng ngược lòng. Có phải vì cái rét đến đột ngột khiến bao người nghèo, trẻ em miền núi phong phanh manh áo cũ mà chạnh lòng. Hay tại còn bao người không biết đến mùa Tết như thi sĩ Chế Lan Viên hồi nhắc: 
“Có một người nghèo không biết tết 
Mang lì chiếc áo độ thu tàn!”
Phải chăng vì sớm mai nay, một giọt xuân xanh biếc rơi khẽ vào lòng những tinh khôi, mà thấy u hoài như những xuân trước? Mà ngắm nhìn trìu mến một nụ tầm xuân chạm ngõ, để chợt nhận ra sắc xuân đã về trên cỏ cây? Thương chút tình xuân, màu Tết lắng trong ngồn ngộn những trù phú màu sắc, và lẽ ra là no đủ dư dật, mà bao người còn thiếu:
“Trên con đường viền trắng mép đồi xanh
Tia nắng tía nháy hoài trong ruộng lúa
………….
Hai người thôn gánh lợn chạy đi đầu
Con bò vàng ngộ nghĩnh đuổi theo sau
Thúng gạo nếp đong đầy như núi tuyết…”
Thấm thoắt đã đến xuân. Thời gian có màu gì? Có màu “tóc trắng phau phau” như bà lão bán hàng bên miếu cổ trong tập “Thôn ca” của Đoàn Văn Cừ. Hay nhuộm màu “tím ngắt” như thi sĩ Đoàn Phú Tứ hạ bút? Rồi tự nhủ: Tết có màu gì? Là sự pha trộn hài hòa những gam màu tự nhiên? Là màu vàng vừa mơ phai vừa lộng lẫy của hoàng mai? Màu chân chất của đàn bò đủng đỉnh bên sườn núi? Huy hoàng như màu nắng giữa ngày đông tháng giá? Hay mơn mởn như cỏ non, trắng muốt như đóa lê hoa dìu gót sen của giai nhân họ Vương trong tiết thanh minh nọ? Rồi chuyển gam xanh biếc lạ lùng như nụ tầm xuân trong bài ca dao cũ ?! 
Tết xưa có màu của hiện thực, màu của no ấm; màu của phồn thực vật chất lẫn tinh thần: “Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ …”. Tết có màu xanh nõn của tàu lá dong bọc bánh chưng, trắng như màu mỡ đông hoặc đỏ như màu hoa đào, màu của dăm ba câu đối … để lòng vương mang hoài cổ: 
“Mỗi năm hoa đào nở 
Lại thấy ông đồ già”
Ở xuân này mà nhớ Tết trước, nhớ mùi “mực tàu, giấy đỏ”, mà thiết tha ôn cũ nhớ xưa:
“Năm nay đào lại nở 
Không thấy ông đồ xưa” 
Màu của Tết là màu của những đôi mắt đã bạc vì âu lo nhìn đàn gia súc lăn ra vì rét, vì lũ chồng lũ. Màu của Tết là màu của từng trải sương gió mưu sinh hay tha phương cầu thực; là của những gò má đã nhợt nhạt vì không đủ ấm, vì phơi mình ngoài gió nhiều giờ liền để kịp chuyến tàu hồi hương. Mà lẽ ra mặt người phải ánh lên rạng rỡ như sắc hoa ngày Tết “Nhân diện đào hoa tương ánh hồng” (Hoa đào và mặt người cùng ánh lên sắc hồng - Thôi Hộ). Những mong Tết có màu của gánh lúa chín vàng rực bội thu; hay màu chang chang trĩu nắng quê nhà: “Chị ấy năm nay còn gánh thóc/ Dọc bờ sông trắng nắng chang chang” chan chứa tình người lữ thứ xa quê. Thế nhưng, màu của Tết chỉ còn là màu của kí ức rêu phong trầm mặc cổ kính, của những nếp cũ tục xưa. Là màu của thanh bạch hội Lim áo the guốc mộc … mà làm say sưa ngả nghiêng câu quan họ thế kia. Là màu hoàng hoa của nhành mai vàng mong manh trước ngõ, của đóa cúc ngời lên sắc nắng tơ vàng hiền hòa. 
      Tết qua, mặt người bợt đi nhanh chóng, phố phường cũng nhòa nét thanh lịch, thư thái. Hoa cỏ nhạt màu hy vọng, yêu đời. Mà đào hoa vẫn cười trong gió đông giá lạnh: “Đào hoa y cựu tiếu đông phong” vì còn ngậm ngùi tiếc mùa Tết cũ. Màu Tết xưa là màu thiêng liêng đầm ấm của phút giao thừa. Màu hài hòa thánh thiện của những ngày Tết nay trở thành màu xô bồ nhộn nhạo của đời thường. Còn ai như Vũ Đình Liên ngậm ngùi tự vấn:
“Những người muôn năm cũ 
Hồn ở đâu bây giờ ?”

Tag: