VĂN HÓA

Một thời cà phê hồ Con Rùa

Từ Kế Tường • 13-05-2022 • Lượt xem: 763
Một thời cà phê hồ Con Rùa

Trong sinh hoạt thường ngày của người thành phố, ít ra một lần nào đó cũng có dịp ra ngồi cà phê vỉa hè mà không biết từ bao giờ những quán cà phê bày trên vỉa hè được gọi một cái tên chung là “cà phê cóc”.

Giải thích về tên gọi này, chắc chưa có trong tự điển vì nó xuất phát từ dân gian theo cách “truyền khẩu”, thô mộc, do nhu cầu cần thiết của đời sống xã hội về một loại hình cà phê không buôn bán trong nhà được gọi “tiệm” như những “tiệm” cà phê, hủ tiếu của người Trung Hoa ở Sài Gòn xưa.

Tại sao lại gọi Cà phê cóc?

Cà phê cóc được hiểu như một loại hình buôn bán cà phê tạm bợ, không địa chỉ nhất định, không thương hiệu. “Quán” chỉ là vài cái bàn thấp, mươi cái ghế sơ sài, nơi pha chế chỉ là một cái xe đẩy, một tủ kiếng hay đơn giản chỉ là một cái bàn nhựa trên bày dụng cụ liên quan đến cà phê. Giờ giấc buôn bán cũng không nhất định, có khi chỉ từ sáng tới trưa, hoặc chiều mới dọn ra bán tới 8-9 giờ tối thì nghỉ. Cá biệt, có một số quán cà phê cóc bán tới khuya cho những khách quen hoạt động, mưu sinh về đêm.

Sau ngày 30-4-1975, có lẽ do một bộ phận người thành phố quá rảnh rỗi nên có nhu cầu la cà ngoài đường phố, trao đổi thông tin, gặp mặt bạn bè… do đó có phong trào mở quán cà phê vỉa hè. Người mở quán cũng rảnh rỗi, mở quán cà phê cóc trước hết cho vui, sau cũng là một cách sinh nhai trong buổi giao thời mà mọi thứ đều chưa ổn định. Dạo ấy mở quán cà phê cóc giống như phong trào, người trước rủ người sau và hầu như khắp mọi nẻo đường đều có quán cà phê cóc.

Ở khu vực hồ Con Rùa dạo ấy đầy quán cà phê cóc, quán này giáp ranh với quán kia, người bán, người uống cà phê tấp nập, đông vui. Chủ quán chẳng cần xin phép ai, không phải đóng thuế, vui ra bán, buồn ở nhà nghỉ. Khách uống cà phê cóc thường là khách quen, từng nhóm, ngồi uống cà phê từ sáng tới trưa rồi kéo nhau đi nhậu, hoặc mua mồi nhậu, bia hơi về bày tại bàn cà phê rỉ rã. Có nhóm khách có máu nghệ sĩ, xách theo cây đàn ghi ta thùng, nhậu xỉn đàn hát tưng bừng cũng chẳng ai trách cứ. Văn nghệ mà!

Một thời vang bóng

Đừng tưởng cà phê cóc bầy hầy, táp nham, trái lại cà phê cóc rất xịn từ chủ quán tới khách uống. Dạo đó chưa có cà phê hương liệu, sao tẩm, ướp chất tạo mùi, pha trộn xác cau, bắp rang, cơm cháy mà là cà phê “nguyên si” Buôn Mê Thuột pha bằng phin, ly tách, muỗng… kể cả phích nước cũng là đồ quý giá từ nhà mang ra chứ không phải hàng chợ. Cũng không có tiếp viên chạy bàn, mà chỉ là chị em chủ quán thay phiên nhau pha chế, bưng bê, hầu hết đều rất đẹp, trí thức.

Thỉnh thoảng cô chị, hoặc cô em sà vào một bàn khách quen là nghệ sĩ, nhà thơ, nhà văn, nhạc sĩ… tham gia cuộc vui, cao hứng cất giọng hát, hoặc ngâm thơ. Tiếng vỗ tay tán thưởng vang lên cả một góc phố, hồn nhiên với khách qua đường, chẳng ai buồn phiền, khó chịu. Trái lại còn tạo thêm không khí náo nhiệt, tự do, hòa bình trong niềm vui chung không còn chiến tranh, chết chóc. Dạo ấy người ta sống rất hồn nhiên, cư xử với nhau cũng đầy tình thân ái.

Không nhớ khoảng thời gian nào cà phê cóc vỉa hè Sài Gòn thưa vắng dần rồi tan hàng, khu vực hồ Con Rùa không còn tấp nập vào sáng sớm, sôi nổi vào buổi trưa và rôm rã vào lúc chiều tối. Những cô gái bán cà phê xinh đẹp, dễ thương và rất văn nghệ ngày ấy không biết đi đâu, về đâu. Những bàn ghế thấp, những chỗ ngồi rực rỡ nắng sớm, thanh vắng buổi xế trưa hay sôi nổi, sinh động chất văn nghệ sĩ với tiếng đàn, giọng ca, giọng ngâm thơ hào sảng cất lên tự nhiên, say sưa, nhiệt tình nhiều năm sau đó như vẫn còn dư âm trên những hàng cây cổ thụ, những mùa lá rụng khô vàng.