VĂN HÓA

Nghề làm tàu hũ ky - di sản văn hóa phi vật thể quốc gia

Cẩm Chi • 16-04-2023 • Lượt xem: 1062
Nghề làm tàu hũ ky - di sản văn hóa phi vật thể quốc gia

Vừa qua, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận nghề làm tàu hũ ky xã Mỹ Hòa (Vĩnh Long) là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia (loại hình nghề thủ công truyền thống). Đây là làng nghề có lịch sử hơn 100 năm phát triển và nổi tiếng nhất miền Tây Nam bộ.

Trước đó, năm 2013, làng nghề đã được Cục Sở hữu Trí tuệ công nhận nhãn hiệu tập thể "Tàu hũ ky Mỹ Hòa - Bình Minh". Năm 2017, sản phẩm của làng nghề đạt giải thưởng sản phẩm tiêu biểu ĐBSCL. Ngày 4.8.2022, Bộ VH-TT-DL ra Quyết định đưa nghề làm tàu hũ ky vào danh mục di sản phi vật thể quốc gia.

Ngày 3/4, UBND tỉnh Vĩnh Long tổ chức lễ công bố di sản văn hóa phi vật thể quốc gia Nghề làm tàu hũ ky xã Mỹ Hòa, thị xã Bình Minh

Theo Sở Văn hóa - Thể thao & Du lịch tỉnh Vĩnh Long, nghề làm Tàu hũ ky (váng đậu) tại xã Mỹ Hòa được khởi nguồn từ nghề gia truyền của người Hoa từ đầu thế kỷ XX (1912). Khi đó, ông Châu Xường đến sinh cơ lập nghiệp và là người khởi xướng. Theo thời gian, người Việt trong xóm cũng đã theo nghề, hình thành nên một làng nghề khá đông đúc. Sản phẩm của làng nghề được người tiêu dùng trong tỉnh và vùng phụ cận ưa chuộng vì danh tiếng và chất lượng. Hiện tại, làng nghề đang có 30 hộ, mỗi ngày sản xuất khoảng 3 tấn sản phẩm cung ứng số lượng lớn sản phẩm cho các chợ, siêu thị trong và ngoài tỉnh.

Người dân bảo tồn nghề truyền thống đã hơn 100 năm

Trải qua gần một thế kỷ tồn tại, làng nghề được duy trì, bảo tồn và trao truyền qua nhiều thế hệ tiếp nối nhau, đem lại thu nhập ổn định và cuộc sống khấm khá cho người dân. Tàu hũ ky Mỹ Hòa luôn gìn giữ hương vị truyền thống, vì vậy mang đến cho người tiêu dùng không chỉ những sản phẩm có chất lượng mà còn phảng phất hồn và nét văn hóa đặc trưng của những nghệ nhân.

Quy trình sản xuất tàu hũ ky trải qua nhiều công đoạn, từ khâu ngâm đậu, tách vỏ, xay đậu, nhồi đậu, nấu nước đậu, vớt váng đậu, hong gió, đóng gói. Một số công đoạn đã được làm tự động, thay thế thủ công để đảm bảo về an toàn thực phẩm. Nhiều gia đình có công thức riêng trong từng công đoạn để có được từng miếng Tàu hũ ky sao cho nguyên vẹn, độ dày đạt chuẩn và màu sắc đẹp.

Theo người làm nghề, chất lượng hạt đậu tốt quyết định trên 60% chất lượng của tàu hũ ky khi thành phẩm.

Nguyên liệu để làm tàu hũ ky là đậu nành khô. Hạt đậu nành được ngâm trong nước nhiều giờ đến khi nở ra rồi cho vào cối xay để lấy nước cốt. Người dân Mỹ Hòa thường dùng chất đốt là củi, hoặc than để nấu nước cốt đậu nành, nhiệt độ duy trì tại các chảo đun khoảng 70 độ. Thông thường, mỗi hộ làm nghề tàu hũ ky ở xã Mỹ Hòa có từ 10 chảo đun trở lên.

Công đoạn tạo váng đậu từ nước cốt đậu nành xay

Người làm nghề thường phủ lớp bọt được tạo ra từ nước đậu nành lên mặt chảo để giữ hơi nóng và ngăn bụi bám vào bề mặt nước cốt đậu nành. Khi than cháy hết, trên mặt chảo nổi lên một lớp váng. Người làm nghề dùng tay sờ nhẹ lớp váng này, nếu không còn dính tức là tàu hũ đã chín. Lúc đó, họ dùng dao nhỏ cắt đôi lớp váng và đặt lên sào phơi. Sau khoảng một giờ, miếng tàu hũ ky trên sào sẽ khô dần và đóng gói thành phẩm.

Công đoạn phơi tàu hũ ky

Nghề làm tàu hũ ky có tín ngưỡng cúng ông lò vào ngày mùng 2 và 16 âm lịch hàng tháng, phẩm vật gồm con gà luộc, trái cây, trà bánh... tất cả được bày trên mâm, đặt ngay trên thành bếp lò. Chủ lò cầu nguyện phù hộ được làm ăn thuận lợi, bán buôn suôn sẻ, cầu mong các mẻ nấu được tốt, không bị hư, cầu cho người trong lò được “lành tay lành chân”.

Tàu hũ ky sợi là một trong hai sản phẩm chủ lực của nghề, cùng với tàu hũ ky dạng miếng mỏng như hình cánh dơi truyền thống. Đây là những nguyên liệu để chế biến các món mặn và chay như kho, xào, cà ri, há cảo, chả giò, lẩu đều rất ngon và bổ dưỡng, được sử dụng nhiều trong ẩm thực Trung Hoa. Tàu hũ ky có nhiều chất dinh dưỡng từ đậu nành tốt cho sức khỏe, giúp đào thải cholesterol trong máu, ngăn ngừa chứng xơ vữa động mạch, tốt cho phụ nữ mãn kinh và làm đẹp hiệu quả (bổ sung dưỡng chất cho da, giảm mỡ thừa, cân bằng nội tiết tố, tăng vòng 1…)

Nhiều món ngon và bổ dưỡng làm từ tàu hũ ky

Trải qua hàng trăm năm với biết bao đổi thay, làng nghề tàu hũ ky vẫn giữ hồn cốt gắn với kinh nghiệm đã có từ lâu. Nghề làm tàu hũ ky là di sản có đầy đủ tiêu chí mang tính đại diện, thể hiện bản sắc của địa phương, phản ánh sự đa dạng văn hóa, sự sáng tạo của con người, ý thức giữ gìn bản sắc văn hóa của người dân miền Tây.