‘Ngọc nữ Bolero’ Tố My: Để hợp xu hướng thị hiếu khán giả, kiểu gì tôi cũng ‘chiều’

“Tôi muốn dòng nhạc Bolero mãi trường tồn. Bởi khi chọn con đường này, tôi đã đặt ra cho mình một sứ mệnh, tôi phải làm sao để Bolero không bị mai một và lan tỏa rộng rãi đến mỗi thế hệ theo từng ngày. Giới trẻ nghe nhạc trẻ, vậy thì mình phải làm sao cho Bolero trẻ trung, để các bạn tiếp cận dễ dàng và yêu thích. Tự tôi đặt ra cho mình trách nhiệm và xem đây như tâm niệm làm nghề của mình”, nữ ca sĩ 9X bày tỏ.

“Miền Tây như quê hương thứ 2 của tôi”

Được biết hầu hết các ca khúc mang âm hưởng Nam Bộ của Tố My đều được sáng tác bởi nhạc sĩ Phạm Hồng Biển. Chị có thể chia sẻ mối cơ duyên của cả hai khi hợp tác cùng nhau?

Nhạc sĩ Phạm Hồng Biển là tri kỷ âm nhạc của Tố My. Và anh cũng là đồng hương, là một người bạn của Tố My, cùng ở Đà Nẵng.

Hầu như ai cũng nghĩ người nhạc sĩ này là “người có tuổi” nhưng thật ra là bạn thuộc thế hệ 9X. Nhưng thật ra anh là người có tâm hồn văn thơ, đọc nhiều sách văn học, vì thế các sáng tác của anh thấm nhuần chất văn thơ, nhất là trữ tình Nam Bộ. Hầu như các ca khúc của Tố My vừa hòa âm phối khí, thu âm và sản xuất,...

Bên cạnh các sáng tác về dòng nhạc trữ tình Nam Bộ, nhạc sĩ Phạm Hồng Biển còn sở hữu những ca khúc nhạc trẻ cũng gây tiếng vang.  

Khi thực hiện những ca khúc Bolero mang đậm chất miền Tây, Tố My có nghĩ rằng mình phải khai thác nền tảng văn hóa ở bài hát đó không?

Thú thật, Tố My rất thích và có tình cảm đặc biệt với miền Tây. Thời gian đi diễn ở miền Tây cũng nhiều và phần lớn, khán giả của tôi đều ở mảnh đất này. Được tiếp xúc gần với bà con nên đâu đó, tôi cũng hiểu được những nét văn hóa miền Tây. 

Bản thân của tôi có sở thích đặc biệt với dòng nhạc Bolero và cộng thêm chất giọng phù hợp nên đi đâu, ai cũng nghĩ tôi là người quê gốc ở miền Tây, nhưng thật ra thì lại là người miền Trung. 

Mảnh đất miền Tây có ý nghĩa gì đối với Tố My? Kỷ niệm đáng nhớ nhất của chị tại đây?

Bà con miền Tây vô cùng dễ thương, Tố My xem đây như quê hương thứ 2 của mình. Album “Cửu Long tình” là tôi làm để tri ân ở mảnh đất này. Thật ra cơ duyên My đến với âm nhạc là đến từ một bài hát bắt nguồn ở miền tây là “Phải lòng người con gái Bến Tre” tại “Solo cùng Bolero”. Và nhờ bài hát này, tôi được lọt vào chung kết và giành được giải Á quân năm 2016. 

Sau này khi đi hát, khán giả yêu cầu Tố My hát ca khúc này rất nhiều lần và đây cũng là bài hát làm nên tên tuổi của tôi. Từ đó, các show diễn ở miền Tây ngày một nhiều hơn.  

Tôi cảm thấy mảnh đất miền Tây cho mình nhiều điều quá và khán giả cho mình cảm xúc rất đặc biệt.  

Cảm xúc của Tố My khi đứng trước một sân khấu lớn và trước bà con bình dân khác nhau như thế nào? 

Với Tố My, việc đứng hát trên sân khấu gần gũi bà con làm tôi hạnh phúc hơn là những sân khấu to mà xa cách. Tôi thích những chương trình được bà con quây quần đứng xung quanh, mỗi lần về miền Tây là lại có được cảm giác đó. Mặc dù bình dân nhưng mình rất hạnh phúc. Đôi khi sự bình dân lại tạo nên sự hạnh phúc. 

Tuy nhiên, với một người nghệ sĩ, đứng trên sân khấu đã là một hạnh phúc, và dù có đứng ở đâu mình cũng đều phải thể hiện thật hay, hoàn chỉnh. 

Là người miền Trung, vậy thì khi hát những bài về miền Tây, Tố My có gặp khó khăn gì không? Nhất là trong cách phát âm? 

Thời gian đầu, tôi thường nghe nhạc của cô Hương Lan (danh ca Hương Lan - PV) để nghe cách phát âm và chỉnh sửa cho phù hợp, ngọt ngào hơn. 

“Nhưng tôi vẫn sẽ không bỏ đi cái cũ, hồn cốt của Bolero”

Với dòng nhạc này, trước đó đã có rất nhiều người nổi tiếng và đã định hình trong lòng công chúng. Còn Tố My được xem là một “gương mặt mới”, vậy thì làm sao để mình có thể thoát khỏi “cái bóng” quá lớn của những tên tuổi đó?

Tố My nghĩ không cần phải vượt qua hay thoát khỏi những bậc tiền bối đi trước vì tôi cảm nhận, mỗi người đều có những đặc trưng riêng và phải tự tìm lối đi riêng cho mình để không bị ảnh hưởng hay áp lực vượt qua những “cây đa, cây đề” đi trước. Khi đã định hình cho mình hướng đi riêng, tôi tin chắc rằng bản thân trong tương lai cũng sẽ gây ấn tượng trong lòng công chúng. Không nhất thiết để vượt qua, nhưng phải có dấu ấn riêng.

Vì thế, Tố My luôn dành thời gian gian để nghiên cứu, tìm tòi cách tạo ra những sản phẩm âm nhạc mang dấu ấn cá nhân. Điển hình là “To My’s Secret” - dự án mà tôi cảm thấy là mới mẻ và chưa có ai làm, nhất là trong cách hòa âm phối khí, xây dựng hình ảnh với công nghệ quay phim trường ảo để đưa vào trong Bolero. 

Về dự án “To My’s Secret”, ai đã gợi mở ý tưởng cho chị hay mình tự sáng tạo?

Tố My là người chịu chơi, chịu chi (cười) chịu đầu tư và chịu theo ý tưởng của đối tác làm việc cùng. Sau đó cả hai bên cùng bắt tay vào làm việc. Điểm may mắn của Tố My là được làm việc với ê-kíp hùng hậu, vừa có tâm và có tài từ hình ảnh cho đến âm nhạc, họ đều là những con người rất giỏi. 

Vậy thì Tố My có gặp áp lực không khi hát dòng nhạc Bolero lại ứng dụng công nghệ quá hiện đại thì thế hệ người lớn nghe có cập nhật được không và thế hệ trẻ có cảm thấy phù hợp không? 

Ban đầu, khi thực hiện dự án “To My’s Secret” tôi cũng đắn đo về việc khán giả nghe có chấp nhận hay không. Nhưng, mục tiêu của tôi trong sản phẩm này ngoài hướng đến khán giả lớn tuổi còn là những bạn trẻ tuổi. 

Với những khán giả lớn tuổi, trước đây Tố My đã có rất nhiều sản phẩm được làm với phong cách truyền thống và đã sở hữu một lượng khán giả cho riêng mình. Tố My không bỏ cái cũ, mà chỉ làm thêm những điều mới mẻ. 

Ngoài ra, mục tiêu của tôi là muốn Bolero được khoác một chiếc áo mới, được thể hiện bởi người nghệ sĩ trẻ, góc nhìn của thế hệ trẻ, từ đó Bolero tiếp cận được với các bạn trẻ. 

Đặc biệt, mục tiêu sâu xa hơn đó chính là tôi muốn dòng nhạc Bolero mãi trường tồn. Bởi khi chọn con đường này, tôi đã đặt ra cho mình một sứ mệnh, tôi phải làm sao để Bolero không bị mai một và lan tỏa rộng rãi đến mỗi thế hệ theo từng ngày. Giới trẻ nghe nhạc trẻ, vậy thì mình phải làm sao cho Bolero trẻ trung, để các bạn tiếp cận dễ dàng và yêu thích. Tự tôi đặt ra cho mình trách nhiệm và xem đây như tâm niệm làm nghề của mình. 

Bí quyết nào để những ca khúc của Tố My dễ chạm đến khán giả?

Ban đầu khi bước vào nghề, Tố My hát chưa hay, nhưng theo thời gian và trải qua quá trình khổ luyện, dần dà có nhiều tiến bộ. Từ những góp ý của khán giả, những anh chị trong nghề chỉ bảo, và đúc kết cho riêng mình thành bài học. 

Quan trọng bản thân mình phải biết học hỏi. Tư duy thẩm mỹ trong âm nhạc mình cũng phải có sẵn, nếu không thì họ dạy đến đâu mình cũng rất khó phát triển được. Đặc biệt là phải biết cách tạo nên dấu ấn riêng. 

Tố My nghĩ, cảm xúc vẫn là tiêu chí hàng đầu để chạm đến khán giả. Còn về kỹ thuật, bên trong mình phải có tính tư duy nghệ thuật, bản năng thì rất dễ phát triển. Nếu không, thì rất khó để có cách xử lý mềm mại trong một bài hát.

Là một nghệ sĩ trẻ, khi song ca cùng những “ngôi sao lớn” của dòng nhạc Bolero là những Quang Lê, Như Quỳnh, Hương Lan,... cảm xúc lúc đấy của chị như thế nào? 

Đầu tiên là hạnh phúc. Bởi trước đây, những cô chú, anh chị đều là thần tượng của mình và giờ mình được đứng chung sân khấu là thấy vô cùng hạnh phúc. Tuy nhiên, bản thân sẽ không có chút mặc cảm nào vì tôi tự tin vào chính mình, có những đặc điểm riêng mà mình có thể tự tỏa sáng và không bị lép vế. Minh chứng cho thấy điều đó hiện tại, Tố My được khán giả yêu thương, ủng hộ để tôi luôn tự tin. 

Là một người nghệ sĩ, hát những dòng nhạc mà khán giả có thể hát được, vậy theo Tố My, kỹ thuật âm nhạc có quan trọng không và bạn đánh giá khoảng bao nhiêu phần trăm quan trọng? 

Người biết hát và được khen hay thì ít nhiều cũng sẽ có kỹ thuật bên trong đó. Kỹ thuật mà Tố My nói đó chính là được học từ trường lớp hoặc bản thân họ đã sở hữu cho riêng mình những kỹ thuật bẩm sinh. Ca sĩ Hoài Lâm là một điển hình. Bạn hát được nhiều dòng nhạc và cách xử lý, nhả chữ rất đẹp và có gu thẩm mỹ âm nhạc rất cao. Dù không qua trường lớp đào tạo nhưng bạn hát có kỹ thuật, chỉ cần bạn lắng nghe cách hát từ đàn anh, đàn chị là bạn đã có thể học được kỹ năng đó. 

Vì thế, Tố My nghĩ, cảm xúc vẫn là tiêu chí hàng đầu để chạm đến khán giả. Còn về kỹ thuật, bên trong mình phải có tính tư duy nghệ thuật, bản năng thì rất dễ phát triển. Nếu không, thì rất khó để có cách xử lý mềm mại trong một bài hát.

Giả sử trong vòng 5 đến 10 năm nữa, đối tượng khán giả thân thuộc đã già đi, và thế hệ trẻ tiếp nối, nhưng mình vẫn “chung thủy” với dòng nhạc Bolero. Vậy thì để chinh phục đối tượng mới, Tố My có giải pháp như thế nào? 

Lúc đó Tố My sẽ làm mới dòng nhạc này thêm nữa. Để phù hợp với đối tượng mình đang hướng đến, kiểu gì tôi cũng sẽ cân hết (cười). 

Hiện tại kênh YouTube cá nhân của tôi đã có rất nhiều bài về dòng nhạc Bolero theo kiểu truyền thống. Và để hợp theo xu hướng thì mình vẫn có cách “chiều” khán giả của mình. Tố My sẽ không giữ mãi một phong cách và bắt khán giả theo dòng nhạc của mình, tôi sẽ sáng tạo để theo kịp xu hướng. Nhưng tôi vẫn sẽ không bỏ đi cái cũ, hồn cốt của Bolero. 
 
2024 với nhiều dự án tâm huyết

Gần một thập kỷ hoạt động nghệ thuật, Tố My đã gặp phải tình trạng mệt mỏi, bị lấn cấn về nghề nghiệp hay mục tiêu không?

Đó là lúc mới chập chững bước vào nghề, từng bị anti fans có những nhận xét, góp ý tiêu cực khiến bản thân thấy buồn lòng, mệt mỏi. Tuy nhiên, bằng chính nghị lực và sự mạnh mẽ của bản thân, điều này cũng nhanh chóng khiến tôi quên đi. Mỗi lần như vậy, tình cảm của những khán giả luôn yêu thương, ủng hộ đã cho tôi động lực để vượt qua.

Theo như anh Đàm Vĩnh Hưng từng nói với tôi rằng: “Ca sĩ mà không có anti - fans là không có ai quan tâm. Nghệ sĩ mà không được ai quan tâm thì có lẽ là ‘về vườn’ được rồi đó em”. Từ những chia sẻ của đàn anh đi trước cũng giúp cho tôi có nhiều động lực và có hướng suy nghĩ tích cực lên. 

Bên cạnh đó, Tố My cũng rất thích một câu nói của nam ca sĩ Sơn Tùng M-TP, bạn nói rằng: “Muốn ngồi ở một vị trí không ai ngồi được, phải chịu cảm giác không ai chịu được”. 

Chính những người quá thành công, người ta trải qua những cảm giác đó và nói được những điều đó thì tạo cho mình động lực để vượt qua. 

Ngoài dòng nhạc Bolero, Tố My muốn thử sức với thể loại nhạc nào không?

Trong dự án “To My’s Secret” cũng có những bài hát thuộc dòng nhạc ballad, đó cũng là mong ước tôi sẽ đa dạng hơn, trẻ trung hơn và sau này, có lẽ tôi cũng sẽ hát những ca khúc mang xu hướng nhạc nhẹ. 

Những dự định trong năm 2024 của Tố My là gì, chị có thể tiết lộ thêm?

Sau khi ra mắt 2 MV trong dự án “‘To My’s Secret”, hiện tại còn 6 MV nữa sẽ được lên sóng trong thời gian sắp tới. Tiếp đến, tôi sẽ thực hiện chuỗi liveshow Bắc - Trung - Nam. Dự kiến sẽ tổ chức tại các điểm Hà Nội, Quy Nhơn và Sài Gòn. Tuy nhiên đây chỉ mới là dự định thôi. 

Tố My tên đầy đủ là Trần Thị Tố My, sinh năm 1991, quê Đà Nẵng. Trước khi được biết đến với vai trò là ca sĩ, “ngọc nữ Bolero”, Tố My từng tốt nghiệp Cử nhân Luật Trường Đại học Sài Gòn. Người đẹp 9X bén duyên với âm nhạc khi tham gia cuộc thi “Solo cùng Bolero” và giành giải Á quân vào năm 2015. Sau đó, cô để lại nhiều ấn tượng với khán giả qua các bài hát như: Phải lòng con gái Bến Tre, Thương con chốt sang sông, mắt chị, Em mình ơi,...

Ảnh: NVCC
Thiết kế: Ngọc Lê