VĂN HÓA

Người đi xa nén nhang lòng ở lại... - Tùy bút Lê Hồng Minh

Nhà báo Lê Hồng Minh • 11-11-2021 • Lượt xem: 9334
Người đi xa nén nhang lòng ở lại... - Tùy bút Lê Hồng Minh

Làng Phước Tích quê mình, một ngôi làng cổ có dòng Ô Lâu uốn quanh, nơi cũng như bao làng quê ở miền Trung khác, trai gái trong làng lớn lên nếu không phải bà con thì cứ việc lấy nhau, bà con qua lại 2 - 3 lần, cũng là chuyện thường.

Tin và bài liên quan: 

Nhà báo Lê Hồng Minh: Mùa Covid nhớ chợ

Về Huế...thắp nhang - Tùy bút Lê Hồng Minh

Món ngon dân dã: Cơm chan nước mắm mỡ đông và bánh nậm xứ Huế

Trò chuyện GSTS Thái Kim Lan: Diễn từ  nhận giải thưởng Đào Tấn (Bài 2)

Nguyễn Hữu Hồng Minh hay huyền thoại Atlantis chưa bị nhấn chìm

Hôm nay cũng lại là một câu chuyện buồn nữa, dù tới thời điểm này, đã là 49 ngày sau khi một ông anh cô cậu của mình đột ngột xa đời...

Nhớ lại chỉ hơn 1 năm trước, người em ruột của anh ấy mất. Và hôm rồi là anh này, đã về với tổ tiên, cha mẹ, với chú em, trong cảnh không ai được đi đâu, căng thẳng vô cùng!

Mình gọi ảnh bằng anh, nhưng anh chỉ thua phụ huynh mình có vài tuổi. Mẹ ảnh là chị ruột ba mình, chị gần đầu, em gần út, nên con chị và em - cậu và cháu - cỡ... 80 năm trước còn là bạn, chơi với nhau.


Làng cổ Phước Tích bên dòng Ô Lâu (Ảnh tư liệu)

Đó là bên nội, tôi gọi ảnh bằng anh, còn bên ngoại, tôi gọi anh bằng chú, bởi vì, mẹ vợ của ảnh, lại là chị ruột bà ngoại mình, nên vợ ảnh vai trên mẹ mình. Vì thế ảnh gọi ba mình bằng cậu (em mẹ) cũng được, mà ba mình gọi ảnh bằng anh (đồng hao bên vợ) cũng được. Vợ ảnh gọi mẹ mình bằng mợ cũng được, mà mẹ mình gọi chị ấy bằng chị cũng được luôn.

Đó cũng là do làng Phước Tích quê mình, một ngôi làng cổ có dòng Ô Lâu uốn quanh, nơi cũng như bao làng quê ở miền Trung khác, trai gái trong làng lớn lên nếu không phải bà con thì cứ việc lấy nhau, bà con qua lại 2 - 3 lần, cũng là chuyện thường.

***

Mọi người nói ảnh nghiêm khắc, mình cũng thấy vậy, nhưng cái đó là quá cần cho một ông anh lớn trong nhà có tới 8 anh chị em, giữ nếp nhà gia phong, chăm lo húy kỵ, việc làng việc họ... Nhớ lại hồi năm 1989, khi trọ học ở ký túc xá Tăng Nhơn Phú, cách Thủ Đức chừng 5 km, không đều lắm, nhưng cứ cuối tuần mình hay mượn xe đạp của bạn, đạp từ Suối Tiên qua dốc nhà máy nước, quẹo vô gần chợ Thủ Đức là tới nhà anh, thì kiểu gì cũng có được vài bữa ăn ngon dù hồi đó nhà anh chị cũng nghèo, con lại đông, nhưng cứ ăn cơm khác cơm nhà ăn ký túc xá là cũng quá phủ phê đối với bọn sinh viên đói khát hồi đó như mình.

Ôi, cứ vô tới nhà rửa chân nơi cái giếng chưa ráo nước là bà chị vợ ảnh đã múc cho tô bún bò ăn trệt luôn. Có lần kỵ mẹ ảnh, mình cũng được nhắn về, ăn kỵ đã đời rồi còn có bịch xôi chả lụa đem về nữa. Mình nhớ có lần trẻ trâu hăng máu chó nốc rượu quá nhiều, vừa ngả lưng ra giường nghẹo đầu cái là ói tè le. Ông anh vừa dọn vừa la mà mình nghe loáng thoáng "mụ cô mi uống cho cố vô"... Đó là ảnh thương mình!


Những ngôi nhà của ông bà ở làng mưa nắng thời gian...

Mình nhớ hồi nhỏ còn ở Huế, ra làng Phước Tích kỵ ông nội và khánh thành ngôi nhà của ông bà để lại, anh ở xa không về được, nên gởi một bức thư, ba mình đọc to cho bà con cùng nghe, mà mình vẫn nhớ như in đoạn "cho con xin được thắp nén nhang lòng với bên ngoại" mình thấy lạ quá, vì "nén nhang lòng" chưa nghe ai nói bao giờ, vì người Huế hay gọi thắp hương chứ không gọi thắp nhang như trong Nam. Đến giờ này, lâu lâu mình vẫn nói "nén nhang lòng", là học thuội từ anh ấy đấy.

11 tháng trước khi phụ huynh mình trong cơn thập tử nhất sinh, ông cháu 85 tuổi từ Thủ Đức lên Saigon thăm ông cậu 93 tuổi nằm trong bệnh viện. Hôm xuống đưa anh đi về nơi xa xôi, con trai trưởng anh nói với mình "ai dè ba con đi trước ôn chú ơi...". Vậy, khi nghe tin anh qua đời, mình suy nghĩ lắm vì phải nói với phụ huynh cách nào cho nhẹ nhàng nhất đây, vì mới hôm trước ông cháu còn alo hỏi thăm ông cậu. Khi đành phải nói thật, mình thấy phụ huynh quay mặt qua bên kia gối, im lặng không nói gì. Tình thương lặng lẽ mà cậu cháu họ dành cho nhau trong gần cả thế kỷ như vậy, cuối cùng cũng kết thúc trong lặng lẽ...

Anh là người chỉn chu. Gần 3 năm trước, mình với ảnh và 1 anh là em ruột của anh nữa từ Saigon đi Huế. 3 anh em ở chung một phòng khách sạn, mới 5g sáng đã thấy anh vệ sinh xong xuôi, mặc áo bỏ trong quần ngon lành, ngồi lặng lẽ cả tiếng đồng hồ không nói gì để chờ 2 thằng em dậy đi ăn sáng, rồi đi thăm bà con. Anh ngồi khá lâu như thế, nhưng chỉ nhẹ nhàng nói "thôi mấy chú dậy cho rồi" khi 2 thằng em cứ trặn trựa hoài không chịu dậy, dù tính ảnh nghiêm khắc vô cùng, nếu có nạt cái thì cũng phải dạ nghe.

Người em út của anh, người mà anh rất quý, người mà ảnh thương đến độ tiệc tùng cúng quảy Tết nhất gì cũng phải đợi chú út về mới được đụng đũa (đến mức mấy đứa con ảnh nói, nếu chú không về là tụi con cũng khỏi ăn luôn), hôm nọ với mình: "anh Ba mất đi, làm cho tau trở thành một con người khác, không ồn ào như trước, xa rời dần các bạn hữu mà không thấy buồn, ít trả lời comment, không còn thèm bù khú với bạn bè, và đã đạt tới cảnh giới tự ngồi nhà uống rượu". Và mình cũng thấy đúng thế thật, là vì điều vừa mất đi quá lớn, bởi hình bóng người anh vẫn quen thuộc bao năm, đã choán trọn bao nỗi nhớ nhung...


Thế giới này bao tình yêu thương quý mến người đã mất... 

Giờ này chắc anh cũng đã gặp lại tổ tiên, cậu mạ, người em ruột, con trai con gái, và đặc biệt là ông chú ruột mình, người mà ai cũng xem họ như cặp bài trùng. Thôi anh ơi thế giới này anh đã để lại, thì có thế giới khác với bao người thương yêu anh sẽ mãi yêu thương quý mến anh. Chắc giờ anh đã về và sẽ ở lại mãi với xóm Trầm, xóm Sen, với cầu Bến Đá, với quê nhà Trường Sanh - Phước Tích như ký ức những ngày ấu thơ...

Nhân thất tuần của anh, em cũng xin được "thắp nén nhang lòng". Tới anh. Để luôn nhớ anh...

Nhà báo Lê Hồng Minh