Những 'bóng hồng' tạo bước tiến cho y học và chăm sóc sức khỏe cộng đồng (P.1)

Họ có thể là những giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ đầu ngành y.
Họ cũng có thể là những CEO đã và đang phát triển các sản phẩm, dịch vụ y tế.
Nhưng hơn hết, họ đều là những người phụ nữ không ngừng nghiên cứu, nỗ lực để góp phần chăm sóc sức khỏe cho cộng đồng…
Nhân ngày Thầy thuốc 27/2 và Quốc tế phụ nữ 8/3, cùng Duyên Dáng Việt Nam điểm qua những “bóng hồng” đã và đang “truyền lửa”, tạo cảm hứng cho hàng triệu phụ nữ khác nỗ lực cống hiến vì cộng đồng.

Xuất thân trong một gia đình nghèo, từ bé, Bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Phượng đã ấp ủ ước mơ trở thành thầy thuốc. Bà đã vượt qua nhiều khó khăn để trở thành bác sĩ y khoa và tốt nghiệp sau đại học chuyên ngành phụ khoa. 
Từng gặp nhiều người phụ nữ hiếm muộn, chịu nhiều điều tiếng, áp lực vì không có con, bác sĩ Ngọc Phượng luôn đau đáu phải làm sao giúp họ tìm lại hạnh phúc được làm mẹ. Chỉ đến năm 1984, khi có dịp thăm một cơ sở thụ tinh ống nghiệm tại Thái Lan, bà mới nhen nhóm khát khao đem kỹ thuật này về ứng dụng tại Việt Nam. Chi phí eo hẹp, cơ sở vật chất còn nhiều khó khăn nên bà phải từng bước xây dựng các chuyên khoa cơ bản và dành dụm mua trang bị máy móc để hỗ trợ kỹ thuật thụ tinh ống nghiệm. Bà còn chuẩn bị cả đội ngũ chuyên môn khi cử những bác sĩ trẻ, giỏi sang Pháp học hỏi kỹ thuật thụ tinh ống nghiệm. 

GS, Bác sĩ Ngọc Phượng cũng là người đầu tiên mang kỹ thuật nội soi trong phụ khoa về Việt Nam. Bà còn là “mẹ đẻ” của nhiều công trình nghiên cứu giá trị và các chương trình có ý nghĩa thiết thực cho cộng đồng.
Hiện đã nghỉ hưu, nhưng với vai trò là cố vấn cấp cao tại bệnh viện đa khoa Mỹ Đức, Giáo sư, Bác sĩ Ngọc Phượng vẫn tiếp tục sứ mệnh chăm sóc sức khỏe bệnh nhân nghèo, đặc biệt là phụ nữ. 

BS.CK2 Đỗ Thị Ngọc Diệp chủ yếu nghiên cứu các vấn đề dinh dưỡng trong cộng đồng như béo phì, suy dinh dưỡng, thiếu vi chất dinh dưỡng, các bệnh không lây nhiễm, dinh dưỡng học đường, thực đơn chuẩn cho các loại hình lao động… Hơn 30 năm tâm huyết với lĩnh vực dinh dưỡng, bà có nhiều công trình nghiên cứu, sáng kiến được đánh giá cao như Bổ sung iốt vào hạt nêm nhằm giải quyết tình trạng thiếu hụt iốt trong cộng đồng, xây dựng thực đơn dinh dưỡng cho học sinh bán trú bậc tiểu học, bệnh nhân nằm viện hay phần mềm xác định tình trạng dinh dưỡng của học sinh… Qua đó, bà góp phần giúp giảm tỷ lệ thừa cân béo phì và thiếu vi chất dinh dưỡng ở trẻ em, nâng cao tầm vóc cho trẻ.

BS.CK2 Đỗ Thị Ngọc Diệp nguyên là Giám đốc Trung tâm Dinh dưỡng TP.HCM, Phó Trưởng Bộ môn Dinh dưỡng Thực phẩm, ĐH Y Dược TP.HCM. Không chỉ giảng dạy tại các trường Đại học và nhiều cơ sở y tế trong nước, bà còn là Giáo sư thỉnh giảng của Trường Khoa học Dinh dưỡng và Vận động, Khoa Y tế công cộng, Đại học Công nghệ Queensland, Australia. 

Bên cạnh đó, bà tham gia biên soạn tài liệu chuyên ngành có giá trị trong lĩnh vực dinh dưỡng, thực phẩm, hay xây dựng các chính sách can thiệp dinh dưỡng…
Hiện, BS.CK2 Đỗ Thị Ngọc Diệp là Phó Chủ tịch Hội Dinh dưỡng Việt Nam, Chủ tịch Hội Dinh dưỡng và Thực phẩm TP.HCM. Bà là một trong những bác sĩ tham gia nhiều chương trình tư vấn, chia sẻ thông tin về dinh dưỡng và sức khỏe nhất tại TP.HCM nói riêng và Việt Nam nói chung, nhằm thay đổi nhận thức và giải pháp dinh dưỡng cho cộng đồng. 
Trong tình hình dịch bệnh COVID-19, bà đã tích cực tham gia nhiều chương trình truyền thông tư vấn, cung cấp thông tin nhanh cho cộng đồng về thực hành chế độ dinh dưỡng nhằm nâng cao sức đề kháng, phòng ngừa bệnh lý nhiễm trùng trong đó có SARS-CoV-2. Thông qua việc tham gia các chương trình giao lưu trực tuyến trên các cơ quan báo chí truyền thông, bà đã thể hiện vai trò cán bộ y tế trong thực hiện chiến lược chăm sóc sức khỏe toàn diện cho người dân!

TS, Bác sĩ Vương Thị Ngọc Lan là con gái của GS, Bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Phượng. Đây là một trong những trường hợp hiếm hoi của ngành y khi cả hai mẹ con đều là chuyên gia hàng đầu Việt Nam về thụ tinh trong ống nghiệm. Tên tuổi bác sĩ Ngọc Lan như một sự bảo chứng, đem lại niềm hạnh phúc cho hàng nghìn gia đình khi bà rất “mát tay”, điều trị thành công nhiều ca hiếm muộn, vô sinh.
TS, Bác sĩ Vương Thị Ngọc Lan từng may mắn có mặt trong ê-kíp thực hiện ca thụ tinh trong ống nghiệm đầu tiên của Việt Nam năm 1997. Bà được vinh danh tại giải thưởng Kovalevskaya danh giá với công trình thụ tinh trong ống nghiệm đầu tiên tại Việt Nam. Từ đây, bà bắt đầu kế thừa và phát triển các công trình nghiên cứu của người mẹ nổi tiếng.  


 

Bà là tác giả và đồng tác giả nhiều công trình nghiên cứu, báo cáo đăng trên các tạp chí khoa học quốc tế. Năm 2018, công trình nghiên cứu so sánh việc chuyển phôi tươi và phôi trữ trong kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm do Tiến sĩ, bác sĩ Ngọc Lan chủ trì được đăng trên Tạp chí New England Journal of Medicine, một trong những tạp chí y khoa có uy tín và ảnh hưởng lớn nhất thế giới, đã làm nức lòng giới y học Việt Nam. 
Hiện là Phó Trưởng Khoa Y, Đại Học Y Dược TP.HCM, TS, Bác sĩ Vương Thị Ngọc Lan cùng chồng là ThS. BS Hồ Mạnh Tường, Tổng thư ký hội Nội tiết sinh sản và Vô sinh TP.HCM vẫn đang nghiên cứu, điều trị vô sinh để đem niềm vui đến cho nhiều gia đình. Bà cùng chồng còn xây dựng chương trình "Ươm mầm hạnh phúc" tại bệnh viện Mỹ Đức, điều trị miễn phí cho các trường hợp hiếm muộn nhưng kinh tế khó khăn.

Việc có một đứa con mắc các bệnh lý di truyền là nỗi khổ không sao kể hết của các gia đình kém may mắn. Điều đó thôi thúc PGS. TS. Trần Vân Khánh tìm cách giúp những gia đình có tiền sử về bệnh lý di truyền sinh ra một đứa trẻ khoẻ mạnh.
Từ những kiến thức được tiếp cận khi công tác tại Viện Công nghệ sinh học thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, bác sĩ Vân Khánh bắt đầu nghiên cứu về bệnh loạn dưỡng cơ Duchenne. Đây là một trong những bệnh lý di truyền phổ biến nhất ở Việt Nam cũng như trên thế giới, cứ 3.500 bé trai thì có 1 bé mắc bệnh.

Phụ nữ không chỉ là người trực tiếp đem đến sự sống cho cả thế giới mà họ còn không ngừng nỗ lực để góp phần duy trì và phát triển sự sống. Họ đã và đang “truyền lửa”, tạo cảm hứng cho hàng triệu phụ nữ khác nỗ lực cống hiến vì cộng đồng.