Những 'bóng hồng' tạo bước tiến cho y học và chăm sóc sức khỏe cộng đồng (P.2)

Họ có thể là những giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ đầu ngành y. 
Họ cũng có thể là những CEO đã và đang phát triển các sản phẩm, dịch vụ y tế.
Nhưng hơn hết, họ đều là những người phụ nữ không ngừng nghiên cứu, nỗ lực để góp phần chăm sóc sức khỏe cho cộng đồng… 
Nhân ngày Thầy thuốc 27/2 và Quốc tế phụ nữ 8/3, cùng Duyên Dáng Việt Nam điểm qua những “bóng hồng” đã và đang “truyền lửa”, tạo cảm hứng cho hàng triệu phụ nữ khác nỗ lực cống hiến vì cộng đồng. 

Tin, bài liên quan:

Những 'bóng hồng' tạo bước tiến cho y học và chăm sóc sức khỏe cộng đồng (P.1)

ThS, BS CK2 Hồ Phạm Thục Lan, Trưởng đơn vị chuyển hóa cơ xương, Trung tâm nghiên cứu Y sinh học, Trường Đại học Y Khoa Phạm Ngọc Thạch, TP.HCM là một trong những bác sĩ điều trị cơ xương khớp giỏi nhất Việt Nam.

 

Từ đó, đưa ra các khuyến cáo nhằm giúp giảm tình trạng thiếu hụt vitamin D trong cộng đồng. Bà đã phát hiện ra 3 gen liên quan tới loãng xương ở người Việt và có những đóng góp trong các lĩnh vực viêm khớp, đái tháo đường và béo phì ở Việt Nam. Bên cạnh đó, bác sĩ Thục Lan còn nghiên cứu, tìm kiếm các phương pháp giảm đau hiệu quả cho người bệnh, giúp họ có thêm động lực trong cuộc sống.
Hơn 10 năm qua, bà và các cộng sự đã thực hiện những nghiên cứu quy mô để đánh giá ảnh hưởng của các yếu tố gen và môi trường đến loãng xương.

Bà và nhóm nghiên cứu đã có 29 công trình công bố trên các tạp chí quốc tế, tham gia trình bày báo cáo tại Hội nghị Loãng xương quốc tế ở các nước Úc, Hàn Quốc, Mỹ, Thái Lan.
Với những cống hiến của mình, bác sĩ Hồ Phạm Thục Lan đã nhận được nhiều danh hiệu và giải thưởng cao quý như giải thưởng L’Oreal – UNESCO cho phụ nữ ở lĩnh vực khoa học năm 2015, giải thưởng Vinh danh Cống hiến của ngành Loãng xương năm 2016. Bà vừa được vinh danh tại Giải thưởng Phụ nữ Việt Nam 2019. 

Sáng 7/2/2020, giới y học và cả người dân Việt Nam đều nức lòng trước tin Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương (NIHE) nuôi cấy và phân lập thành công chủng mới của virus corona nCoV. Qua đó, tạo điều kiện cho việc xét nghiệm nhanh các trường hợp nhiễm và nghi nhiễm nCoV. Đây cũng là tiền đề để nghiên cứu và phát triển vắc-xin phòng virus corona. Và PGS.TS Lê Thị Quỳnh Mai là “thủ lĩnh” của nhóm nghiên cứu đã tạo nên “chiến công” này.

Ít ai biết, trước đó, PGS.TS Quỳnh Mai cũng là thành viên nhóm nghiên cứu đã nuôi cấy thành công virus SARS – CoV năm 2003, và virus cúm gia cầm H5N1 năm 2014. Là một nhà khoa học nữ, chuyên nghiên cứu về virus, PGS.TS Quỳnh Mai không chỉ phải đáp ứng những điều kiện khắt khe trong phòng thí nghiệm, mà cả thời gian làm việc căng thẳng, tập trung. Trong đợt cao điểm vì dịch bệnh do virus corona, bà và ê-kíp phải làm việc không ngừng nghỉ để xét nghiệm và trả kết quả cho 50-70 mẫu bệnh phẩm mỗi ngày. 

Hiện là Phó Viện trưởng NIHE, PGS.TS Lê Thị Quỳnh Mai đang hỗ trợ các dự án phát triển vắc-xin chống virus corona và hệ thống cảnh báo sớm quốc gia về dịch bệnh Covid-19 toàn cầu nhằm đánh giá nguy cơ lây nhiễm và xây dựng kế hoạch đáp ứng khẩn cấp. 

Năm 2013, sản phẩm Emotiv Insight ra đời, gây tiếng vang lớn trong lĩnh vực công nghệ. Thiết bị này có thể thu thập và phân tích hoạt động trong não từng ngày để phát hiện sớm nhất các dấu hiệu bệnh lý hay chấn thương. Người tạo ra sản phẩm “không tưởng” này là Lê Thị Thái Tần (Tần Lê), một Việt kiều Australia, người sáng lập và CEO của Emotiv System.
Trước Emotiv Insight, Tần Lê đã gây chú ý với chiếc mũ đọc sóng não Emotiv EPOC, thu hút vốn đầu tư lên đến hơn 10 triệu USD. Đây là sản phẩm nâng cấp từ công nghệ đo điện não (EGG), có thể điều khiển mọi thứ bằng suy nghĩ và cảm xúc của con người. Emotiv EPOC được ứng dụng rộng rãi trong y học, cho phép bệnh nhân điều khiển xe lăn bằng suy nghĩ hoặc giao tiếp dễ dàng hơn với người thân.

Trước khi khởi nghiệp với Emotiv System, Tần Lê từng làm việc tại hãng luật hàng đầu thế giới FreeHills. Bà là Gương mặt trẻ tiêu biểu của nước Úc năm 1998 và là đại sứ của nhiều chuyến công tác xã hội và hoạt động ngoại giao như Đại sứ đặc biệt Vương Quốc Anh, Đại sứ Australia tại Châu Á… 
Tuy nhiên, đi nhiều, bà dần nhận ra nghề luật không phải là đích đến mà mình mong muốn. Dù không được gia đình ủng hộ, năm 2003, Tần Lê rời Australia đến thung lũng Silicon (Mỹ) và cùng cộng sự Đỗ Hoài Nam sáng lập ra Emotiv System. Sau 7 năm nghiên cứu, bà và các cộng sự đã hiện thực hóa ý tưởng tạo ra sản phẩm điều khiển mọi thứ bằng suy nghĩ và cảm xúc của con người với chiếc mũ đọc sóng não EPOC và sau đó là Emotiv Insight. 


Hiện, công nghệ của Emotiv Insight hỗ trợ cho rất nhiều ứng dụng khác nhau tại hơn 100 quốc gia. Nó cho phép người khuyết tật trở thành những người tạo nhạc chuyên nghiệp, giúp đỡ bệnh nhân thần kinh, rối loạn giấc ngủ hoặc bị mộng du điều khiển cảm xúc và tinh thần của bản thân… 
Năm 2009, nữ Việt kiều Australia Tần Lê được vinh danh là “Người lãnh đạo trẻ toàn cầu” tại diễn đàn kinh tế thế giới. Năm 2011, bà xuất hiện trong danh sách “50 cái tên bạn phải biết” của tạp chí Forbes.

Tháng 3/2018, Tuần lễ blockchain Việt Nam mở ra một “chân trời mới” cho giới công nghệ khi được khám phá nền tảng truy xuất thông tin sức khỏe trên thị trường trực tuyến dựa vào công nghệ blockchain (HIT). Đây là nền tảng giúp nâng cao hiệu quả khám chữa bệnh, cắt giảm chi phí và thời gian cho người bệnh. Không ai ngờ, người tạo nên dịch vụ này lại là một phụ nữ Việt Nam - TS Võ Cẩm Quy. 


Bà xuất thân là kỹ sư công nghệ sinh học Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM, từng là phó trưởng khoa Sinh học của trường.  Sau đó, bà lấy bằng tiến sĩ y - sinh học tính toán tại Đức, làm nghiên cứu sinh sau tiến sĩ ở Canada, rồi quay lại giảng dạy và nghiên cứu tại Đại học Stuttgart (Đức). 
Thế nhưng, sau 15 năm cần mẫn trong môi trường học thuật, TS Võ Cẩm Quy quyết định đi học quản trị kinh doanh để… khởi nghiệp. Bà thành lập công ty thực hiện dịch vụ tối ưu hóa hoạt tính enzym. 
Tháng 11/2017, bà và tiến sĩ kinh tế Eberhard Scheuer thành lập HIT Foundation (nền tảng truy xuất thông tin sức khỏe trên thị trường trực tuyến dựa vào công nghệ blockchain) ở Thụy Sĩ. Blockchain là công nghệ lưu trữ và truyền tải thông tin bằng các khối được liên kết với nhau và được đảm bảo nhờ mã hóa. Khi ứng dụng trong y tế, bệnh nhân có thể theo dõi sức khỏe cũng như thông tin bệnh án của mình dễ dàng, đồng thời giúp các bác sĩ tiếp cận nhanh hơn hồ sơ của bệnh nhân. 


Hiện, TS Võ Cẩm Quy là Giám đốc phát triển kinh doanh và phụ trách dữ liệu của HIT, đồng thời là cố vấn AI của LAPO Blockchain (Thụy Sĩ). Bà là một trong 9 thành viên đầu tiên của mạng lưới “Người Việt có tầm ảnh hưởng thế giới”.
Bà vừa về Việt Nam xây dựng dự án blockchain trong chăm sóc sức khỏe và đã chuyển giao công nghệ này hoàn toàn phi lợi nhuận cho hai bệnh viện trong nước. Bà vẫn đi về giữa Thụy Sĩ và Việt Nam để thúc đẩy việc áp dụng công nghệ blockchain chăm sóc y tế cho người nghèo tại các bệnh viện.

Phụ nữ không chỉ là người trực tiếp đem đến sự sống cho cả thế giới mà họ còn không ngừng nỗ lực để góp phần duy trì và phát triển sự sống. Họ đã và đang “truyền lửa”, tạo cảm hứng cho hàng triệu phụ nữ khác nỗ lực cống hiến vì cộng đồng.