VĂN HÓA

Những khoảnh khắc xúc động ở Bảo tàng Chứng tích chiến tranh

Bài và ảnh: Hà Thành • 30-04-2023 • Lượt xem: 1894
Những khoảnh khắc xúc động ở Bảo tàng Chứng tích chiến tranh

Bảo tàng Chứng tích chiến tranh là một điểm đến thu hút khách hàng đầu ở TP. Hồ Chí Minh. Nhưng khác với những điểm du lịch đông khách thường thấy, ở đây không có sự ồn ào náo nhiệt mà thay vào đó là những khoảnh khắc xúc động, những khoảng lặng…

Bảo tàng Chứng tích chiến tranh (có địa chỉ tại 28 Võ Văn Tần, quận 3, TP. Hồ Chí Minh) được thành lập ngay sau ngày đất nước thống nhất, nhằm lưu lại những chứng tích anh hùng của nhân dân Việt Nam trong cuộc đấu tranh chống các thế lực xâm lược, đồng thời để tố cáo những tội ác và nêu bật những hậu quả tàn khốc của cuộc chiến tranh xâm lược. Ban đầu, công trình có tên là “Nhà Trưng bày tội ác Mỹ - Ngụy”, được mở cửa đón tiếp công chúng ngày 4/9/1975; sau đó được đổi tên là “Nhà Trưng bày Tội ác Chiến tranh xâm lược” (10/11/1990); và hiện nay có tên là “Bảo tàng Chứng tích chiến tranh” (4/7/1995).

Bảo tàng chứng tích chiến tranh là thành viên của hệ thống Bảo tàng hòa bình thế giới và Hội đồng Bảo tàng thế giới. Bảo tàng chuyên nghiên cứu, sưu tầm, bảo quản và trưng bày về chứng tích -  tội ác và hậu quả của cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam. Thông qua đó, Bảo tàng chứng tích chiến tranh kêu gọi chống chiến tranh phi nghĩa, bảo vệ hòa bình và tình đoàn kết nhân dân các nước trên thế giới.

Hiện, bảo tàng có 8 chuyên đề trưng bày thường xuyên và nhiều bộ triển lãm lưu động phục vụ công chúng. Bảo tàng là một điểm đến đầy hấp dẫn ở TP. Hồ Chí Minh, đặc biệt là đối với du khách nước ngoài. Rất nhiều người Mỹ đã tìm đến nơi đây để hiểu hơn về một cuộc chiến tranh tàn khốc trong lịch sử Việt Nam và nhân loại.

Năm 2013, trang website du lịch nổi tiếng thế giới Trip Advisor bình chọn Bảo tàng Chứng tích chiến tranh của Việt Nam lọt top 5 trong số 25 bảo tàng hấp dẫn nhất Châu Á.

Bảo tàng Chứng tích chiến tranh luôn đông khách. Nhưng ở đó, người ta không thấy sự ồn ào của một điểm du lịch. Ở đó, thường thấy là những khoảnh khắc xúc động, những khoảng lặng, những khuôn mặt trĩu nặng, trầm tư, và cả những đôi mắt đỏ hoe...

Bảo tàng chứng tích chiến tranh được thành lập ngay sau khi đất nước thống nhất - ngày 4/9/1975. Đây là nơi lưu trữ, trưng bày về tội ác chiến tranh và hậu quả các cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam.

Rất đông khách Việt Nam và người nước ngoài tới bảo tàng để tham quan và tìm hiểu...

Trưng bày chuyên đề “Nhân dân thế giới ủng hộ Việt Nam kháng chiến” ở tầng trệt.

Triển lãm ảnh “Trẻ em Việt Nam thời chiến”.

Những gương mặt trầm tư đầy xúc động khi xem những hình ảnh trong chuyên đề “Tội ác chiến tranh xâm lược”.

Hình ảnh vụ thảm sát Sơn Mỹ. Vụ thảm sát xảy ra buổi sáng ngày 16/3/1968 tại xã Tịnh Khê (Sơn Mỹ), huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi.

Tên những nạn nhân trong vụ thảm sát Sơn Mỹ. Trong vụ thảm sát này, quân đội viễn chinh Mỹ đã sát hại 504 thường dân, trong đó có 182 phụ nữ, 173 trẻ em, 60 cụ già trên 60 tuổi.

Đây là một ống cống của gia đình ông Bùi Văn Vát, chứng tích của vụ thảm sát ở xã Thạnh Phong, huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre đêm 25/2/1969. Ba đứa trẻ là cháu nội ông Vát (10 tuổi, 8 tuổi và 6 tuổi) ẩn nấp trong ống cống này đã bị lính biệt kích Mỹ phát hiện, bắt và hành hình dã man. Năm 2009, kỷ niệm 40 năm ngày giỗ của các nạn nhân, gia đình ông Vát đã tặng lại Bảo tàng làm hiện vật trưng bày.

Hình ảnh lính Mỹ thuộc Sư đoàn kỵ binh bay số 1 tra tấn tù binh bằng cách trùm một miếng giẻ lên mặt người bị bắt và đổ nước để không thở được (1968).

Hình ảnh lính Mỹ với đầu lâu người Việt Nam yêu nước.

Còn đây là hình ảnh được coi là “sốc” nhất trong các hình ảnh trưng bày: Lính Mỹ thuộc Sư đoàn bộ binh số 25 đang xách mảnh xác một chiến sĩ giải phóng vừa bị trúng đạn súng phóng lựu - Tây Ninh 1967. Rất nhiều người đã đứng lặng trước hình ảnh này...

 ... và cũng rất nhiều người đã ghi lại hình ảnh này bằng máy ảnh cá nhân

Khu vực trưng bày hậu quả của bom mìn, vật nổ trong chiến tranh. Theo đánh giá của các chuyên gia, nhiều vùng ở Việt Nam phải hàng trăm năm nữa mới có thể xử lý hết ô nhiễm bom mìn chiến tranh.

Bức ảnh “Em bé Napalm” (Napalm girl) của phóng viên chiến trường Huỳnh Công Út (Nick Út). Ngày 8/6/1972 quân đội Mỹ ném bom napalm xuống huyện Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh huỷ diệt nhà cửa, ruộng vườn và giết hại dân thường. Bé gái Phan Thị Kim Phúc 9 tuổi bị bỏng nặng. Tác phẩm báo chí này đã dành nhiều giải thưởng quốc tế và đứng thứ 41/100 bức ảnh có tầm ảnh hưởng lớn của thế kỷ 20 do Đại học Columbia (Mỹ) bình chọn.

Trưng bày chuyên đề ”Hậu quả chất độc da cam trong chiến tranh xâm lược của Mỹ ở Việt Nam”. Không gian được gây ấn tượng với màu da cam nhức nhối và ám ảnh.

Nhiều người lặng đi, không cầm được nước mắt trước những hình ảnh thương tâm – hậu quả của chất độc da cam.

Trong cuộc chiến tranh ở Việt Nam, quân đội Mỹ không chỉ dùng các loại bom đạn gây thương vong, mà còn sử dụng cả vũ khí hóa học nhằm triệt hạ nguồn sống của nhân dân Việt Nam. Trong vòng 10 năm, từ năm 1961 đến 1971, những cơn “mưa chất độc” không ngừng rải xuống miền Trung và miền Nam Việt Nam. Có khoảng 4,8 triệu người đã bị ảnh hưởng trực tiếp của chất độc da cam và để lại những hậu quả nặng nề cho đến ngày hôm nay.

Anh Lê Đình Thảo và mẹ - bà Nguyễn Thị Ngươn, nguyên là y tá, du kích chiến trường Tây Nam (Tà Keo, Đồng Tháp). Bà có 3 con trai đều bị tật nguyền và bệnh tâm thần do di chứng chất độc màu da cam.

Phạm Thị Thuỳ Linh và đôi chân kỳ diệu đã biến một đứa trẻ không tay từ khi chào đời thành một hoạ sĩ đầy triển vọng. Ông nội của Linh là phi công đã tham gia rải chất khai quang từ 1962-1970, đã mất vì ung thư máu năm 1972. Linh được nuôi dưỡng và chăm sóc ở làng Hoà Bình, bệnh viện Từ Dũ, TP Hồ Chí Minh.

Một du khách nước ngoài chắp tay cầu nguyện khi nhìn thấy những hình ảnh nhức nhối và xót xa.

Một nữ du khách đang nhìn tiêu bản bào thai song sinh dính ngực và bụng, do di chứng chất độc màu da cam.

Để có những hình ảnh chân thực của chiến tranh, rất nhiều phóng viên đã xông pha nơi chiến trường như những người lính, và không ít trong số đó đã hy sinh.

Nguyễn Văn Vũ, sinh viên trường Đại học Tài chính – Marketing (TP Hồ Chí Minh) lặng lẽ tới bảo tàng một mình để tìm hiểu về lịch sử.

Một đôi vợ chồng Việt - Mỹ tham quan bảo tàng.

Khắc ghi những tội ác của chiến tranh, là để hướng tới một thế giới hòa bình, không còn những khổ đau gây nên bởi chiến tranh.