VĂN HÓA
Nói với con về tình yêu môi trường
Quyên Hà • 16-09-2020 • Lượt xem: 3011

Ô nhiễm môi trường và thay đổi khí hậu là những vấn đề lớn mà hậu quả của nó đang ngày một rõ ràng. Là người lớn, chúng ta đều hiểu được điều đó. Nhưng với con trẻ, cần phải có cách truyền đạt thông tin đúng đắn và phương pháp giáo dục cụ thể để dạy con tình yêu và trách nhiệm với môi trường.
Nếu một đứa trẻ nghe thấy những điều đó, bạn có thể sẽ nghĩ: “Vậy bố mẹ muốn con làm gì? Sửa chữa vấn đề sao? Con đâu có chịu trách nhiệm cho những vấn đề đó? Con thì làm được gì cơ chứ, trong một thế giới đầy rẫy vấn đề như thế?”.
Là cha mẹ, nhiệm vụ của chúng ta không phải là gây ra tâm lý khủng hoảng cho con, mà là để truyền cảm hứng và sức mạnh cho con trở thành những nhà quản lý môi trường trong tương lai.
Dù đang ở tuổi nào, các con cũng đều có thể trở thành những nhà quản lý môi trường có trách nhiệm.
Quá trình nuôi nấng những công dân tương lai biết bảo vệ môi trường không thể tự nhiên diễn ra. Như Simeon Ogonda, nhà lãnh đạo môi trường trẻ từ Kenya đã từng nói: “Ai trong chúng ta có lẽ cũng từng một lần đặt ra câu hỏi, chúng ta đang để lại cho thế hệ mai sau một hành tinh như thế nào? Nhưng rất ít người từng đặt câu hỏi ngược lại: chúng ta đang nuôi dưỡng cho hành tinh những chủ nhân tương lai như thế nào?”.
Là cha mẹ, mỗi người trong chúng ta đều đang góp phần nuôi dưỡng những nhà quản lý môi trường tương lai và việc kích hoạt những thế hệ sau đang trở nên quan trọng hơn bao giờ hết.
Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, trẻ em ngày nay ngày càng trở nên hung hăng và mất tập trung hơn, không khỏe mạnh bằng các thế hệ trước. Nghe có vẻ khó tin, nhưng trung bình mỗi đứa trẻ đang dành ra hơn 7 giờ đồng hồ mỗi ngày trước màn hình led và ít hơn 20 phút mỗi ngày cho các hoạt động ngoài trời.
Trong khi đó, ngày càng có nhiều nghiên cứu cho thấy, tiếp xúc với thiên nhiên trong thời gian trưởng thành làm giảm stress, góp phần xây dựng lòng tự tin, cải thiện sức khỏe tinh thần và thể chất, khơi dậy sự sáng tạo và thúc đẩy tinh thần hợp tác cũng như tính kỷ luật.
Nghiên cứu của Joy Palmer, một nhà nghiên cứu giáo dục môi trường học đã chỉ ra rằng, thường xuyên tiếp xúc với tự nhiên là yếu tố quan trọng nhất trong quá trình nuôi dưỡng sự quan tâm và ý thức chăm sóc môi trường.
Trên con đường trở thành nhà quản lý môi trường
Nếu thực sự muốn nuôi dưỡng những công dân tương lai vì môi trường, chúng ta cần lôi cuốn sự tham gia của toàn bộ cộng đồng. Pathway to Stewardship and Kinship, một chương trình phát triển tại Peterborough, Ontario, Canada là một ví dụ tiêu biểu.
Chương trình có sự tham gia của các nhà giáo dục, giáo sư, tộc trưởng, các nhà quản lý sức khỏe cộng đồng và các nhà bảo tồn học với mục tiêu tìm cách thu hút sự tham gia của mỗi đứa trẻ trong khu vực vào những trải nghiệm quản lý môi trường, không kể tuổi tác.
Nhóm The Pathway nhận ra rằng, trẻ em cần được trao cơ hội, phương tiện và kinh nghiệm đúng đắn để tìm hiểu, yêu thương, tôn trọng và bảo vệ chính hệ sinh thái đang duy trì sự sống và nuôi dưỡng tất cả chúng ta.
Trở thành một nhà quản lý không có nghĩa khẳng định một chức danh, quyền lực hay áp đặt sự thống trị lên trái đất. Dạy cho trẻ trở thành nhà quản lý là dạy trẻ sử dụng sức mạnh của mình để trở thành những công dân tích cực của trái đất, vì trái đất.
Tất cả mọi người, dù ở tuổi tác nào và khả năng ra sao, đều có thể làm điều gì đó tích cực cho môi trường. Chăm sóc một khu vườn, nuôi động vật, quan tâm đến môi trường tự nhiên hay hạn chế tiêu thụ nguyên liệu là những cách đơn giản nhất, mà thông qua đó cha mẹ có thể khuyến khích trẻ tạo nên những thay đổi tích cực cho môi trường. Mỗi hành động tích cực sẽ tạo ra một hi vọng, và mỗi hi vọng nhỏ sẽ góp lại thành sức mạnh lớn.
Hãy tưởng tượng hành trình quản lý như một lộ trình. Xuyên suốt lộ trình này, mỗi trẻ em cần những trải nghiệm tích cực với thiên nhiên và thế giới mà chúng đang lớn lên để có thể trở thành những nhà quản lý môi trường tương lai.
Mỗi trải nghiệm sẽ góp phần tạo ra sự tự tin để phát triển trong mỗi đứa trẻ. Sau đây là một vài gợi ý cho bạn về cách nuôi dưỡng những nhà quản lý tí hon.
Những năm đầu đời (từ khi sinh ra tới 3 tuổi)
Kích thích các giác quan của trẻ mỗi ngày. Hãy đẩy bé đi khám phá môi trường xung quanh nhà bạn, qua những khoảng xanh và công viên. Bạn có thể chỉ cho con những gì thuộc về tự nhiên, lật các tảng đá và khúc cây lên để xem liệu có loài rêu nào mọc bên dưới không.
Đừng quên quan sát các sinh vật trên đường, có thể là kiến, ốc sên hay côn trùng. Hãy cho phép con đào đất, nghịch nước, nhặt cành khô, lăn trên cỏ hay nhảy trên vũng nước.
Ngoài ra, hãy cho con những trải nghiệm với động vật ít nhất 1 tuần 1 lần như quan sát chim muông và cho chim ăn, làm quen với một chú mèo hay chó, tìm kiếm xung quanh những con giun và xem chúng bò hay đọc những cuốn sách về thiên nhiên và động vật.
Trẻ nhỏ (từ 4 đến 7 tuổi)
Ở lứa tuổi này, giác quan của trẻ có thể được kích thích bằng những hoạt động đơn giản như khum tay sau tai để nghe tiếng gió, ngửi mùi hương của những bông hoa, mùi hơi nước sau cơn mưa, mùi cỏ và cả mùi đất.
Hãy khuyến khích con trở thành những nhà thám hiểm tích cực, hỏi con thấy gì xung quanh. Hãy cho con thử những hương vị trái cây theo mùa.
Để con có mối liên hệ và hiểu biết sâu rộng hơn, hãy chọn một nơi ngoài trời để khám phá và chơi đùa, dẫn con tới thường xuyên. Hãy cho con làm quen với những chất liệu thủ công thiên nhiên như cành khô, đá và các khúc gỗ nhỏ.
Ngoài ra, hãy hướng dẫn con tự trồng một cây nhỏ trong nhà, chăm sóc và thu hoạch. Hãy tổ chức những bữa tiệc ăn mừng sự thay đổi của 4 mùa với những đồ ăn thức uống mà con có thể cùng tham gia chế biến.
Ở tuổi này, các con cũng đã có thể có những tương tác sáng tạo với những vật liệu tìm thấy ngoài trời và hãy khuyến khích sự sáng tạo ấy bằng cách hướng dẫn con tạo ra các tác phẩm nghệ thuật hay sáng tác những câu chuyện lấy cảm hứng từ thiên nhiên mà con được tiếp xúc.
Tuổi thiếu niên (8 đến 11)
Ở tuổi này, cha mẹ có thể khuyến khích con với những hoạt động ngoài trời phúc tạp hơn như đi bộ, leo núi, các kỹ năng sinh tồn như dựng lều, nhóm lửa, hái nấm và các thử nghiệm khoa học.
Tuổi này các con cũng có thể tham gia những dự án vì môi trường như các dự án làm sạch sông suối, bờ biển hay quay dựng những video đơn giản khuyến khích mọi người bảo vệ môi trường.
Hãy mở rộng hiểu biết của con về những tác động tiêu cực mà cuộc sống hiện đại đang gây ra cho thiên nhiên và trái đất. Hãy đặt ra cho con những câu hỏi để con tính toán những “dấu chân carbon” như tìm hiểu xem đất nước con đang sống tiêu thụ nhiên liệu tự nhiên nhiều đến mức nào, đứng thứ mấy trên thế giới, hay những câu hỏi như: bền vững thực sự là gì?
Trên đây là một vài gợi ý cho bố mẹ về tầm quan trọng của giáo dục tình yêu và trách nhiệm với môi trường với trẻ nhỏ và những hoạt động đơn giản giúp con lớn lên thành những công dân có trách nhiệm với môi trường và trái đất. Hi vọng rằng với tình yêu với môi trường và cả tình yêu với con, cha mẹ sẽ nuôi dạy nên những nhà quản lý môi trường tương lai sống có trách nhiệm và tham gia tích cực nhất vào nghĩa vụ bảo vệ một môi trường và một hành tinh bền vững cho nhân loại.
Theo Eco Parenting