GIẢI TRÍ

Review phim 'Người môi giới': Câu chuyện về tình thân và gia đình đầy ý nghĩa

Tạ Doãn • 02-07-2022 • Lượt xem: 691
Review phim 'Người môi giới': Câu chuyện về tình thân và gia đình đầy ý nghĩa

“Người môi giới” (tựa Anh: “The Broker”) truyền tải nhiều tầng ý nghĩa về tình thân và gia đình trong xã hội Hàn Quốc, qua góc nhìn của đạo diễn Nhật Bản Hirokazu Koreeda.

Cốt truyện đơn giản và dễ đoán
 

Trong khi sự chú ý của người Mỹ dành cho vấn đề phá thai đang tăng cao, thì ở nửa bên kia thế giới, đạo diễn Hirokazu Koreeda với “Người môi giới” lại đem đến một góc nhìn đầy nhân văn về tình trạng mang thai ngoài ý muốn và cảm xúc của các bà mẹ khi sinh con nhưng không có khả năng nuôi dưỡng.
 

Lấy cảm hứng từ những chiếc “hộp em bé” có thật ngoài đời, “Người môi giới” mở đầu câu chuyện bằng cảnh bà mẹ trẻ So Young (IU, Lee Ji Eun đóng) bỏ rơi đứa con nhỏ Woo Sung tại một nhà thờ vì lý do cá nhân. Tuy nhiên, thanh tra Soo Jin (Bae Doo Na) lại lẳng lặng đặt đứa bé vào “hộp em bé” tại nhà thờ, cũng như cố tình để hai tên buôn trẻ em giả dạng nhân viên nhà thờ - Sang Hyun (Song Kang Ho) và Dong Soo (Kang Dong Won) mang em bé đi. Từ đó, câu chuyện về đứa trẻ bị bỏ rơi - người mẹ đáng thương - những kẻ buôn trẻ em - nhóm điều tra, diễn ra với nhiều sắc thái…

 

“Hộp em bé” là thứ bắt nguồn mọi câu chuyện trong phim “Người môi giới”.

Phim có nhiều tình tiết ý nghĩa.

 

Nắm giữ mạch phim “Người môi giới” là Sang Hyun và Dong Soo. Làm công việc buôn trẻ, nhưng Sang Hyun và Dong Soo miêu tả hành động này là một tội ác không có nạn nhân vì họ chỉ đơn giản là “tăng thu nhập” bằng cách bán những đứa trẻ sơ sinh bị bỏ rơi cho những bậc bố mẹ tuyệt vọng trong đường con cái. Xuyên suốt bộ phim và qua từng tình huống nhỏ, Sang Hyun và Dong Soo thật sự chứng minh được cả hai vừa kiềm tiền vừa cố gắng giúp đứa bé Woo Sung đáng thương tìm được một tổ ấm thực sự thay vì phải sống ở trại mồ côi hay mái ấm tình thương.
 

Từ câu chuyện xoay quanh một đứa bé mới chào đời Woo Sung, đạo diễn Hirokazu Koreeda khéo léo dựng nên những mâu thuẫn dành cho những nhân vật trưởng thành để tạo sự hồi hộp vừa đủ để khơi dậy sự hứng thú lẫn cảm xúc mạnh mẽ của người xem. Cái kết của “Người môi giới” khá dễ đoán vì nằm trong vùng an toàn, song, phim truyền đến lòng trắc ẩn và sự suy ngẫm cho khán giả. 

 

Cái kết của “Người môi giới” không gây bất ngờ.

 

Thông điệp nhân văn ấm áp
 

Đạo diễn Hirokazu Koreeda luôn có cách tạo điểm nhấn với lối xây dựng nhân vật độc đáo. Trong “Người môi giới”, gần như tất cả nhân vật đều vi phạm pháp luật nhưng lại hành xử trượng nghĩa, dễ được khán giả tha thứ lẫn cảm thông. Sang Hyun và Dong Soo buôn bán trẻ em nhưng lại lựa chọn kỹ lưỡng khách hàng để đảm bảo đứa trẻ được chăm sóc tốt nhất, So Young chấp nhận bán con vì lỡ sát hại bạn trai, thanh tra Soo Jin chấp nhận phạm luật để giúp So Young có cơ hội để giảm án… 
 

Đặc biệt, từ trạng thái vô tình dính với nhau, Sang Hyun, Dong Soo, So Young và cậu nhóc 7 tuổi Hae Jin (Im Seung Soo) hình thành những mối quan hệ gắn bó như một gia đình thật sự, khỏa lấp nổi trống trải trong tâm hồn mỗi người. Trên chặng đường tìm kiếm tương lai cho đứa trẻ Woo Sung, họ vui vẻ sắp xếp thời gian biểu, thay phiên nhau chăm sóc em bé… Mỗi người gạt đi cái tôi để hy sinh và bao dung cho người khác.

 

Nhóm người dần gắn bó và trở thành một gia đình trên hành trình tìm tổ ấm mới cho cậu bé Woo Sung.

 

Bên cạnh đó, chủ đề về phá thai cũng được lồng ghép vào các câu thoại “Người môi giới”. Các quan điểm “Đừng sinh con nếu bạn bỏ rơi nó” và “Giết một thai nhi sẽ ít tàn nhẫn hơn là để bé vào tay kẻ xấu” trở thành chủ đề được tranh luận ở gần cuối tác phẩm. Đương nhiên, giống như ngoài đời thật, chúng ta sẽ không nhận được câu trả lời cuối cùng hay chính xác hoàn toàn về việc phá thai là đúng hay sai…
 

Dàn diễn viên chất lượng
 

“Người môi giới” quy tụ dàn sao Hàn hạng A: Song Kang Ho, Kang Dong Won, Bae Doo Na, Lee Ji Eun (IU)… đảm bảo thể hiện trọn vẹn ý đồ của nhà làm phim thông qua từng ngôn ngữ điện ảnh. 

 

“Người môi giới” có sự tham gia của dàn diễn viên nổi tiếng xứ kim chi.

 

So với vai diễn trong các bộ phim đình đám trước đó như “Thời kỳ đen tối”, “Tài xế Taxi” hay “Ký sinh trùng”, thì Sang Hyun trong “Người môi giới” không phải là nhân vật quá khó đối với Song Kang Ho. Tài tử họ Song thể hiện được những bước chuyển biến tâm lý nhẹ nhàng của Sang Hyun trong quá trình từ kẻ buôn trẻ em trở thành một người đàn ông âm thầm chấp nhận hi sinh vì người khác.
 

Tương tự, Kang Dong Won cũng đóng tròn vai Dong Soo. Vóc dáng cao ráo nổi bật và gương mặt không góc chết của nam diễn viên được khai thác tối qua trên màn ảnh rộng. Đáng tiếc, Kang Dong Won và Lee Ji Eun lại không tạo được “phản ứng hóa học” như ý. Vai bà mẹ trẻ So Young của Lee Ji Eun cũng gây “lấn cấn” ở vài điểm. Trong “Người môi giới”, Bae Doo Na không có quá nhiều đất diễn. Cô gây ấn tượng vì những cảnh đấu tranh tâm lý dữ dội qua ánh mắt và biểu cảm gương mặt tinh tế. 

 

Mỗi nhân vật đều có mặt tối, quá khứ riêng và dần buông bỏ để bao dung lẫn nhau.

 

Đặc biệt, điểm trừ lớn của “Người môi giới” là diễn biến phim chậm dãi và có phần dài dòng, dễ gây mất kiên nhẫn. Vài tình tiết và nhân vật thừa thải quá mức, điển hình như tuyến vai đầu gấu tìm kiếm đứa bé và gia đình riêng của bạn trai So Young. Dù vậy, “Người môi giới” vẫn là một bộ phim điện ảnh Hàn Quốc đáng xem trong năm nay.