VĂN HÓA

Thêm 12 di tích quốc gia mới được công nhận

Khanh Khanh • 18-03-2023 • Lượt xem: 1048
Thêm 12 di tích quốc gia mới được công nhận

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vừa ban bố quyết định công nhận thêm 12 công trình di tích mới đạt cấp quốc gia. Đó là 12 di tích trải dài ở các tỉnh: Hà Nam, Quảng Ninh, Quảng Ngãi, Nghệ An, Quảng Bình, Thái Nguyên, Quảng Nam và Đồng Tháp. 

Di tích là dấu vết của quá khứ còn lưu lại trong lòng đất hoặc trên mặt đất cho đến hiện tại. Di tích có ý nghĩa quan trọng khi nó có thể biểu hiện tính lịch sử và văn hóa của một quốc gia. Tính đến năm 2020, Việt Nam đã có khoảng 41000 di tích, thắng cảnh trong đó có hơn 4000 di tích được xếp hạng di tích quốc gia. Mới đây, cả nước lại có thêm 12 công trình lịch sử và danh lam thắng cảnh mới được công nhận đạt chuẩn cấp quốc gia. 12 di tích quốc gia mới đó nằm rải khắp địa bàn các tỉnh Hà Nam, Quảng Ninh, Quảng Ngãi, Nghệ An, Quảng Bình, Thái Nguyên, Quảng Nam và Đồng Tháp.  

Cụ thể trong đợt này, tỉnh Hà Nam đã trở thành địa bàn sở hữu nhiều di tích đạt cấp quốc gia nhất khi có đến 4 di tích, thắng cảnh được xếp hạng là: Quần thể danh lam thắng cảnh Tam Chúc mới được xây dựng lại với quy mô đồ sộ nhất Việt Nam; căn cứ địa Lạt Sơn nơi nữ tướng Lê Chân nổi tiếng thời Hai Bà Trưng đã tuẫn tiết; mộ và khu lưu niệm Nam Cao – nhà văn hiện thực xuất sắc nửa đầu thế kỷ XX với kho tàng văn chương kinh điển phải kể đến như Chí Phèo, Lão Hạc,…; danh lam thắng cảnh Bát Cảnh Sơn gồn đền Tiên Ông được xây đời vua Trần Nhân Tông.

Sau Hà Nam, tỉnh Thái Nguyên đứng vị trí thứ hai khi có 2 di tích quốc gia mới được công nhận là: Địa điểm thành lập Đội Thanh niên xung phong công tác Trung ương (15/7/1950) và địa điểm hoạt động của Ban Giao thông liên lạc Trung ương (1947-1954). 

Theo đó, danh sách 12 di tích được xếp hạng Di tích quốc gia lần này gồm:

1. Quần thể Danh lam thắng cảnh Tam Chúc, thị trấn Ba Sao, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam.

2. Di tích lịch sử Căn cứ địa Lạt Sơn (gồm: Đền thờ nữ tướng Lê Chân; Núi Giát Dâu; Đồi Bụt), xã Thanh Sơn, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam.

3. Di tích lịch sử Mộ và Khu lưu niệm Nam Cao, xã Hòa Hậu, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam.

4. Danh lam thắng cảnh Bát Cảnh Sơn, xã Tượng Lĩnh, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam.

5. Di tích lịch sử Địa điểm lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh trên đảo Ngọc Vừng, xã Ngọc Vừng, huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh.

6. Di tích lịch sử Đền thờ Trương Định, xã Tịnh Khê, thành phố Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi.

7. Di tích lịch sử Đền Hào Kiệt, xã Vĩnh Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An.

8. Di tích lịch sử Mộ và Nhà thờ Hoàng Kế Viêm, xã Lương Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình.

9. Di tích lịch sử Địa điểm thành lập Đội Thanh niên xung phong công tác Trung ương (15/7/1950), xã Yên Lãng, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên.

10. Di tích lịch sử Địa điểm hoạt động của Ban Giao thông Liên lạc Trung ương (1947 - 1954), xã Bình Thành, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên.

11. Danh lam thắng cảnh Bàn Than – Hòn Mang – Hòn Dứa, xã Tam Hải, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam.

12. Di tích lịch sử Địa điểm tập kết ra Bắc năm 1954 tại Cao Lãnh, phường 6, thành phố Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp. 

Theo quyết định ban hành, UBND các cấp nơi có di tích được xếp hạng phải có trách nhiệm thực hiện việc quản lý nhà nước đối với di tích theo quy định của pháp luật về di sản văn hóa trong phạm vi nhiệm vụ, nghĩa vụ và quyền hạn của mình.