VĂN HÓA

Thưởng lãm nghệ thuật tại những không gian triển lãm miễn phí

Cẩm Chi • 12-04-2023 • Lượt xem: 1463
Thưởng lãm nghệ thuật tại những không gian triển lãm miễn phí

Những bức ảnh lần đầu tiên được công bố về Trịnh Công Sơn - Hồng Nhung, lạc giữa cánh đồng hoa Thanh Tiên xứ Huế trải dài trong không gian gương hay khám phá vẻ đẹp văn hóa nước Úc qua hiệu ứng ánh sáng đa phương tiện... là những sự kiện triển lãm đặc sắc diễn ra trong tháng 4-2023.

Chuyện tình âm nhạc

Triển lãm ảnh "Giọt nước rơi trên kính" Trịnh Công Sơn & Hồng Nhung - Những khung hình đơn sắc là một trong những hoạt động ý nghĩa tưởng nhớ 22 năm ngày mất của cố nhạc sĩ.

Công chúng được chiêm ngưỡng những tấm hình tư liệu lần đầu được công bố về chuyện tình âm nhạc Trịnh Công Sơn - Hồng Nhung được Nhiếp ảnh gia Dương Minh Long ghi lại cách đây hơn 30 năm. Bên cạnh đó, sự kiện trưng bày bộ ảnh đơn sắc được chụp bởi 5 nhiếp ảnh gia nổi tiếng khác, khi đồng hành cùng dự án âm nhạc Live Concert "Bống Là Ai?" của Diva Hồng Nhung diễn ra vừa qua.

Cách sắp xếp ảnh trong triển lãm cũng đã được tính toán một cách cẩn thận, đưa người xem đi từ cung bậc cảm xúc này đến cung bậc cảm xúc khác. Từ nếp sinh hoạt, khoảng lặng trầm tư hay cả những phút giây bình yên bên bạn bè của người nhạc sĩ tài hoa, đến những hình ảnh đầy ấn tượng với giây phút bùng cháy và cống hiến của nữ nghệ sĩ. Sau đó, người xem lại được quay ngược thời gian về với những ngày đầu Cô Bống bước chân vào con đường nghệ thuật, với sự ngây thơ hồn nhiên cùng cuộc gặp gỡ thú vị với cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn.

Triển lãm kéo dài đến hết ngày 30/4/2023. Thời gian mở cửa từ 9h00 – 20h00 hàng ngày tại Ngôi Nhà Đức - Deutsches Haus (P. Bến Nghé, Quận 1, TP.HCM).

Bản sắc làng nghề Huế

Nếu là người yêu thích văn hóa truyền thống, bạn không thể bỏ qua triển lãm Phòng gương hoa giấy Thanh Tiên độc nhất tại Việt Nam được tổ chức nhằm giới thiệu về loài hoa đặc biệt của xứ Huế. Sự kiện đang diễn ra từ cuối tháng 3 đến hết tháng 04/2023, tại tầng 6 Toà nhà Toong (Nguyễn Thị Minh Khai, quận 3, TP. HCM).

Đến đây, người xem có cơ hội chiêm ngưỡng hàng trăm hoa giấy Thanh Tiên như mọc lên từ mặt đất, bao la bất tận. Dưới hiệu ứng 5 mặt là gương, cánh đồng hoa giấy nở rộ rực rỡ khoe sắc. Các nghệ nhân đã khéo léo, tỉ mỉ và sáng tạo mô phỏng nhiều loài hoa tự nhiên như: hoa bìm bìm (loa kèn), hoa cúc đơn, hoa cúc kép, hoa mắm nêm, hoa tường vi, hoa quỳ, hoa sen,…Một cành hoa giấy Thanh Tiên bao hàm nhiều lời nhắn gửi của người xưa: 3 bông hoa lớn ở chính giữa tượng trưng cho Tam cương (quân – thân – sư), 5 bông hoa nhỏ xung quanh tượng trưng cho Ngũ thường (nhân – lễ – nghĩa – trí – tín). 

Nghề truyền thống làm hoa giấy Thanh Tiên đã có lịch sử hơn 300 năm, xuất phát từ tục dùng hoa giấy để trang trí ở những nơi tôn nghiêm. Hàng năm vào mỗi dịp Tết Nguyên đán hoa giấy được thay thế một lần, đem hoa cũ hạ xuống và đốt đi. Dần dà, phong tục chưng hoa giấy trở thành một nét văn hóa trong tín ngưỡng dân gian của người dân xứ Huế. Từ đó, nghề làm hoa giấy Thanh Tiên cũng phát triển. Ngày nay, những bông hoa Thanh Tiên không chỉ dùng cho việc trang trí, thờ cúng mà còn sử dụng trang trí trong quán cà phê, nhà sách, nhà riêng và làm phụ kiện cho trang phục dân tộc,… Riêng hoa sen giấy được cách tân làm biểu tượng trong các lễ hội lớn ở Huế…

Triển lãm Phòng gương hoa giấy Thanh Tiên như chất xúc tác mới lạ giúp bảo tồn và dung dưỡng những giá trị văn hoá nghìn đời nơi vùng đất Cố đô linh thiêng. 

Muôn màu Australia  

Nằm trong chuỗi các hoạt động kỷ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao Australia - Việt Nam, Bảo tàng Quốc gia Australia đã mở cửa triển lãm Bước qua một khúc đường ca (Walking Through A Songline) tại TP. Hồ Chí Minh.

Với hơn 300 bức tranh và ảnh chụp, đồ vật, bài hát, điệu nhảy và kết hợp đa phương tiện … triển lãm đưa công chúng theo dấu chân của Seven Sisters qua khắp lục địa Australia bằng những màn trình chiếu ánh sáng hấp dẫn, lắng nghe khúc đường ca qua hệ thống đa phương tiện sống động. Thông qua trải nghiệm kỹ thuật số đa giác quan, khách tham quan được đắm mình vào kiến thức cổ xưa của thổ dân Úc được truyền đạt thông qua công nghệ mới.

Những khúc đường ca giới thiệu năm khúc ca của các Quốc gia đầu tiên từ những vùng sa mạc phía Tây và miền Trung Australia (Thổ dân và cư dân các đảo thuộc eo biển Torres), từ đây, họ lập nên bản đồ các tuyến đường của các sinh vật tổ tiên khi đi khắp Australia, tạo ra vùng đất và con người ở đó. Đây là một cách để nắm giữ và truyền đạt kiến thức cho các thế hệ mới. 

Tại không gian triển lãm, mọi người có thể tự tay tô màu và trang trí lên các bức vẽ của người Martu và thể hiện phong cách cá nhân của riêng mình bằng những cây bút màu.

Bà Sarah Hooper, Tổng Lãnh Sự Australia tại TP.HCM, cho biết triển lãm là một cơ hội tuyệt vời để tìm hiểu và tôn vinh các nền văn hóa của người dân các Quốc gia đầu tiên của Australia. Triển lãm vào cửa miễn phí tại Trung tâm Nghệ thuật Đương đại The Factory, phường Thảo Điền, Thủ Đức, TP. Hồ Chí Minh từ nay cho đến ngày 16/4, từ 9h đến 21h hàng ngày. Sau đó, triển lãm sẽ được tổ chức ở Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam tại Hà Nội từ ngày 28/4 đến 21/5.