VĂN HÓA

Tranh kiếng Nam Bộ - tinh hoa nghề Việt

Đan Ngọc • 26-10-2018 • Lượt xem: 6675
Tranh kiếng Nam Bộ - tinh hoa nghề Việt

Hơn 100 năm qua, tranh kiếng đã hình thành và phát triển trên đất phương Nam và từng được xem là loại hình mỹ thuật đặc biệt độc đáo. Tranh kiếng mang đậm nét văn hóa, bản sắc nghệ thuật riêng biệt của Nam Bộ so với các vùng miền khác, và trở thành sản phẩm không thể thiếu trong phần lớn các gia đình nơi đây.

Tranh kiếng Nam bộ là một loại hình nghệ thuật lặng lẽ hình thành và đã góp mặt vào lịch sử mỹ thuật Việt Nam. Không ồn ào nhưng không ai phủ nhận một quá khứ sáng ngời như mặt kiếng nhiều màu sắc, đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng, tôn giáo, mĩ thuật của công chúng từ miền Đông đến miền Tay Nam Bộ.

Theo lịch sử thì tranh kiếng đã có mặt ở cung đình Huế từ thời Minh Mạng – Thiệu Trị nhưng phải qua quá trình nhập khẩu khá rắc rối. Nghệ thuật vẽ tranh kiếng chỉ thực sự bắt đầu khi các di dân Quảng Đông đến lập nghiệp ở Chợ Lớn mở các tiệm kiếng, buôn bán các loại kiếng tráng thủy để soi mặt, lộng khuôn hình, tủ, khung cửa.

Đến những năm 1920, nghề làm tranh kiếng chuyển địa bàn về vùng Lái Thiêu (Bình Dương) rồi phát triển thành một nghề thủ công lan tỏa khắp lục tỉnh, tạo thành ba làng nghề sản xuất tranh kiếng nổi tiếng nhất Nam kỳ là: Lái Thiêu (Bình Dương), Chợ Lớn (Sài Gòn) và Chợ Mới (An Giang). Cần nói thêm là Nam Bộ hồi đầu thế kỷ 20, tranh thờ chủ yếu là chạm gỗ, phù điêu sơn son thiếp vàng; các bài vị khắc chữ Hán; sản phẩm cẩn xà cừ, viết vẽ trên giấy hồng… Sự xuất hiện của tranh kiếng nhanh chóng được đón nhận nhờ giá rẻ, màu sắc tươi vui, phong cách vẽ mới lạ.

Một bức tranh kiếng hoàn chỉnh cần phải trải qua rất nhiều công đoạn. Để có được những bức tranh kiếng có đường nét, màu sắc đẹp, hài hòa đòi hỏi người thợ cần phải có sự tỉ mỉ, yêu nghề, luôn học hỏi. Điểm độc đáo của tranh kiếng Nam Bộ so với nhiều dòng tranh dân gian khác là vẽ từ phía sau mặt kính, sau đó mới lật tấm kính lại và đây mới là mặt chính của tranh. Cũng bởi thế, mọi chi tiết trong tranh kiếng đều phải vẽ ngược so với quy trình vẽ tranh thông thường, chi tiết nào cần vẽ sau cùng sẽ phải vẽ đầu tiên.

Tranh kiếng không những đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng, tôn giáo, mĩ thuật của công chúng khắp các thôn xã từ miền Đông đến miền Tây Nam Bộ mà còn trở thành những tác phẩm nghệ thuật dân gian không thể thiếu.

Cùng với dòng chảy hiện đại, nghề làm tranh kiếng cũng dần mai một. Ngày nay, những bức tranh kiếng cũng không còn được ưa chuộng như trước và chủ yếu được mua về làm tranh thờ. Tuy nhiên, trong ký ức của nhiều thế hệ người dân Nam Bộ, những bức tranh kiếng vẫn là một phần không thể nào quên.