Khám phá

Tỷ phú Mỹ hết tiền ở tuổi 89 từng từ thiện tại Việt Nam gần 400 triệu USD

Thu Trần • 29-09-2020 • Lượt xem: 778
Tỷ phú Mỹ hết tiền ở tuổi 89 từng từ thiện tại Việt Nam gần 400 triệu USD

Sau khi cho đi khối tài sản 8 tỷ USD, tỷ phú Chuck Feeney hiện đang cùng vợ ở căn nhà thuê tại San Francisco, không có ô tô và món đồ quý nhất là chiếc đồng hồ trị giá 15 $. Ông đã từng cấp hàng trăm học bổng thạc sĩ và tiến sĩ toàn phần cho sinh viên Việt Nam thông qua các trường đại học tại Australia.

Tỷ Mỹ Chuck Feeney quan niệm “sinh ra trắng tay thì ra đi cũng tay trắng”

Ông Chuck Feeney trở thành tỷ phú nhờ chuỗi cửa hàng miễn thuế Duty Free Shoppers và vị tỷ phú này luôn quan niệm cần làm những gì có ý nghĩa khi còn sống. Ông đã bí mật thành lập ra Quỹ Đại Tây Dương (Atlantic Philanthropies) vào năm 1982.

Mãi cho tới năm 1997, thương vụ bán cổ phần trong Duty Free Shoppers khiến Quỹ Đại Tây Dương của ông lộ diện. Lúc này, tờ New York Times đã viết: "Người đàn ông này đã cho đi 600 triệu USD nhưng không một ai biết điều đó".

Tính đến thời điểm hiện nay, ông đã quyên góp hơn 8 tỷ USD cho các tổ chức, trường đại học và quỹ nhân đạo khắp thế giới. Năm 2012, Feeney tiết lộ ông đã để dành 2 triệu USD làm tiền nghỉ hưu cho hai vợ chồng, có nghĩa số tiền cựu tỷ phú cho đi gấp 4.000 lần phần ông giữ lại.

Ngày 14/9, cựu tỷ phú 89 tuổi, đặt bút ký lệnh đóng cửa quỹ Atlantic Philanthropies vì toàn bộ tài sản của ông đã được phân phát hết. Món quà cuối cùng trước khi Chuck Feeney thực sự cho sạch tiền là 350 triệu USD hỗ trợ Đại học Cornell xây dựng trung tâm công nghệ trên đảo Roosevelt ở New York.

Ông luôn cảm thấy hạnh phúc vì điều đó và mỗi khi cho đi, ông thường muốn tự thân xem xét đồng tiền mình hiến tặng có đến được đúng người, đúng việc hay không.

Cơ duyên của vị tỷ phú đến với Việt Nam

Có thể nói, Chuck Feeney đã gắn bó hơn 2 thập kỷ với Việt Nam bắt đầu vào năm 1997 khi Feeney đọc được trên báo bài viết về Quỹ Đông Tây Hội Ngộ (East Meets West Foundation - EMWF).

EMWF khi đó đã có một số chương trình thiện nguyện tại Việt Nam nhưng chỉ còn đủ ngân sách cho 5 tháng hoạt động và chưa có một nguồn hỗ trợ nào khác.

Ngay lúc đó, Feeney gọi ngay cho người đứng đầu EMWF và viết một tấm séc 100.000 USD để hỗ trợ. Số tiền khiêm tốn ấy đã mở đầu cho sứ mệnh kéo dài 16 năm của Quỹ Đại Tây Dương tại Việt Nam.

Robert Matousek, một người bạn lâu năm của tỷ phú Feeney chia sẻ rằng “Chuck nhận ra Việt Nam là một nơi đáng đầu tư thiện nguyện".

Các dự án tài trợ tại Việt Nam khi đó hầu như không dựa trên một chiến lược cụ thể nào, mà vị tỷ phú này đưa ra quyết định dựa trên một thứ tình cảm gì đó. Cụ thể, trong một lần đến thăm văn phòng EMWF ở Đà Nẵng, Feeney thấy ở đối diện có công trình thư viện của một trường đại học đang xây dang dở và đã quyết định hỗ trợ hoàn tất thư viện ấy.

Hay khi chứng kiến cảnh các bệnh nhân chen chúc trong những bệnh viện cũ kỹ ở Huế và Đà Nẵng, Feeney cũng sẵn lòng hỗ trợ nhưng cương quyết giữ nguyên tắc ẩn danh. Feeney khi làm thiện nguyện luôn giữ bí mật đến mức có nơi người ta tưởng ông đang “rửa tiền”.

Tính từ năm 1998 - 2013, tỷ phú này đã tài trợ 381,6 triệu USD cho các dự án tại Việt Nam về giáo dục và chăm sóc sức khỏe. Ngoài ra, thông qua các trường đại học Úc như Đại học Queensland, Đại học Melbourne…, tỷ phú Feeney đã cấp hàng trăm học bổng thạc sĩ và tiến sĩ toàn phần cho Việt Nam.

Thật hiếm có một tỷ phú nào như Chuck Feeney, dù người khác nói ông là tỷ phú “keo kiệt” nhất vì không có nổi một chiếc ô tô nhưng ông đã cho đi toàn bộ số tài sản của mình. Và hiện nay, ông đang cảm thấy hạnh phúc vì mình đã hoàn thành được việc mà ông đã mong muốn bấy lâu nay.